Covid-19 lây lan trên bàn ăn từ các cuộc ăn nhậu
Những bữa tụ tập ăn uống theo nhóm, dù ở nhà hàng hay tại nhà, đều không cần thiết trong lúc dịch bệnh bùng phát và dễ làm tình hình tồi tệ thêm bởi khả năng lây nhiễm chéo.
Ngày 10/6, 9 người tại thôn An Thịnh, xã Tiền Phong (Bắc Giang) nhận quyết định xử phạt hành chính vì vi phạm quy định hạn chế tập trung đông người lúc dịch bệnh. Tổng số tiền phạt là 135 triệu đồng.
Dù đang thực hiện cách ly xã hội nhưng gia đình ở Bắc Giang vẫn tổ chức cúng giỗ và mời người thân đến ăn uống. Sau đó, 1 trong số 9 người có mặt tại đám cỗ dương tính với SAR-CoV-2, 8 người còn lại đi cách ly tập trung.
Khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, các hoạt động đông người đều bị hạn chế, trong đó nhà hàng, quán ăn thực hiện giãn cách hay thậm chí chỉ bán mang về.
Với đặc tính ngồi quây quần, tiếp xúc ở khoảng cách gần, các bữa ăn thân mật rất dễ trở thành nguồn cơn của những ca nhiễm mới.
Dù nhu cầu giao lưu, ăn uống với nhau là điều ai cũng có, những cuộc vui nhậu nhẹt theo nhóm là không cần thiết trong lúc dịch bệnh bùng phát.
Cả gia đình nhiễm virus
Aaron Glatt, trưởng khoa bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Mount Sinai South Nassau ở Oceanside (New York, Mỹ) cho biết: “Vấn đề lớn nhất của việc tụ tập ăn uống là mọi người phải tháo khẩu trang ra và không tránh khỏi cảnh trò chuyện”.
Hơn nữa, mọi người thường thả lỏng và quên mất các biện pháp giữ khoảng cách an toàn khi ở bên những người họ cảm thấy gần gũi.
Ngày 10/2 năm ngoái, chính quyền Hong Kong thông báo về trường hợp 11 người trong một đại gia đình nhiễm bệnh cho nhau sau khi ăn lẩu chung.
Joseph Tsang Kay Yan, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm, cho rằng nồi lẩu với nhiệt độ cao có thể khiến các giọt chứa virus bay lơ lửng và lan xa trong không khí. Ngoài ra, những bữa ăn lẩu thường kéo dài vài giờ với nhiều người ngồi gần nhau.
Cùng với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Hong Kong vào thời điểm đó, người dân xứ Cảng thơm đành tạm thời từ bỏ thói quen ăn lẩu do lo sợ tăng khả năng nhiễm bệnh.
Các nhà hàng bỏ lẩu ra khỏi thực đơn hoặc bán mang về. Emily Mok – một tiếp viên hàng không – cho hay “Tôi và bạn trai sẽ ăn lẩu ở nhà. Chúng tôi không muốn ăn tại nhà hàng vì biết đâu người ngồi bàn bên cạnh nhiễm virus”.
Tuy nhiên, chính quyền và các chuyên gia y tế nhấn mạnh món lẩu không phải vấn đề, lý do cốt lõi vẫn là những cuộc tụ tập đông người trong mùa dịch.
“Tôi đề nghị công chúng giảm các buổi tụ họp. Nếu cần phải tụ họp, hãy giảm thời gian, không ngồi đối diện nhau và tránh nói chuyện trong bữa ăn”, tiến sĩ Chuang Shuk-kwan, phụ trách bộ phần bệnh truyền nhiễm của Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe Hong Kong, phát biểu.
Tháng 4 năm ngoái, 18 bác sĩ thực tập tại Bệnh viện Đại học Keio (Nhật Bản) xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi tổ chức ăn uống, nhậu nhẹt cùng nhau để ăn mừng kỳ thực tập kết thúc.
Hành động này khiến giám đốc bệnh viện phải lên tiếng xin lỗi, gọi đây là điều “không thể chấp nhận được từ những người có trách nhiệm bảo vệ bệnh nhân”.
Văn hóa chia sẻ thức ăn
Ngoài lý do tụ tập đông người, văn hóa chia sẻ thức ăn của người châu Á cũng là yếu tố khiến mầm bệnh lây lan trên bàn ăn.
Nhúng đũa hoặc thìa vào món ăn chung, gắp thức ăn cho nhau là các thói quen ăn uống phổ biến và lâu đời tại nhiều nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Việt Nam.
Việc chia sẻ thức ăn được xem là cách kết nối, bày tỏ tình cảm giữa gia đình, bạn bè. Cha mẹ, ông bà gắp thức ăn vào bát con cháu để thể hiện tình thương yêu, ngược lại con cháu làm vậy với người lớn tuổi để tỏ lòng tôn kính.
Tuy nhiên, các thói quen này bị đánh giá không đảm bảo vệ sinh, nhất là trong lúc dịch bệnh hoành hành.
Đầu năm ngoái ở Singapore, 8 đồng nghiệp của một người đàn ông bị nhiễm bệnh bị đưa đi cách ly sau khi cả 9 người dùng đũa ăn chung một đĩa gỏi cá sống Quảng Đông – một món ăn phổ biến trong dịp Tết Nguyên đán của cộng đồng người Hoa ở Malaysia và Singapore.
Ngày 11/6, chính quyền quận 12 (TP.HCM) ghi nhận 6 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 16 F1 liên quan nhóm người tổ chức tụ tập nhậu tại nhà.
Ngày 5/6, ông T.V.B. (49 tuổi) tại phường Trung Mỹ Tây tổ chức nhậu tại nhà với 5 người tham gia, trong đó có 2 người ở quận, huyện khác.
Tháng 8 năm ngoái, cô gái 29 tuổi ở Đà Nẵng nhập viện điều trị Covid-19. Cô không đến địa điểm nào có nguy cơ lây nhiễm cao, cũng có người nhà mắc bệnh. Cô bị virus tấn công sau khi ngồi ăn giỗ cùng bàn với một F0.
Không vội chủ quan
Gặp gỡ nhau là nhu cầu, thói quen chính đáng, song, tại nhiều quốc gia trên thế giới, chính hành động này đang làm tình hình dịch trở nên tồi tệ, khó kiểm soát.
“Bạn phải cân nhắc giữa lợi ích về mặt giải trí tinh thần so với rủi ro nhiễm Covid-19”, bác sĩ Aaron Glatt nói.
Kể từ khi đại dịch bắt đầu, nhiều nghiên cứu từ giới y khoa các nước đưa ra kết luận rằng việc ăn uống không tuân thủ biện pháp phòng dịch, dù ở nhà hàng hay ở nhà, cũng là mối rủi ro hiện hữu.
Tháng 11/2020, một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Khoa học Y tế Hàn Quốc cho thấy virus có thể di chuyển xa hơn bán kính 2 m trong thời gian ngắn nếu có các luồng khí trực tiếp tác động vào, nhất là trong không gian nhỏ, hẹp.
Nghiên cứu xem xét một đợt bùng phát nhỏ tại một nhà hàng ở Hàn Quốc. Hai thực khách bị nhiễm Covid-19 từ người thứ ba ngồi cách đó 6 m. Theo các nhà nghiên cứu, thủ phạm khiến virus phát tán xa hơn là máy điều hòa ở nhà hàng.
Do đó, ngay cả khi dịch bệnh dần lắng xuống và quán xá được phục vụ tại chỗ trở lại, người dân vẫn cần tránh chủ quan, không vội rủ rê đi nhậu, ăn hàng đông người.
Gần đây nhất, vào cuối tháng 5, một cụ bà 75 tuổi thành nguồn lây nhiễm chính trong đợt bùng dịch ở Quảng Đông (Trung Quốc). Người phụ nữ đi ăn tối cùng bạn bè tại một nhà hàng dim sum.
Bà bắt đầu bị sốt cùng các triệu chứng khác và được xác nhận là bị nhiễm Covid-19. Các nhân viên y tế theo dấu và phát hiện ra thêm hai người khác đến dùng bữa nhà hàng hôm đó cũng nhiễm bệnh. Những người này được cho là lây lan cho khoảng 50 trường hợp khác. (Z/N)