Chuyên gia Úc của WHO: TQ không cung cấp dữ liệu quan trọng về dịch
Một chuyên gia bệnh truyền nhiễm người Úc cho biết nhóm điều tra của WHO đến Vũ Hán chỉ được cung cấp một văn bản tổng hợp dữ liệu vắn tắt, theo Guardian.
Cụ thể, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Dominic Dwyer cho biết nhóm điều tra đã yêu cầu tiếp cận dữ liệu sơ cấp về bệnh nhân mắc Covid-19 ở Trung Quốc. Tuy nhiên, họ chỉ được cung cấp một bản tóm tắt dữ liệu.
Ông Dwyer nói với Reuters rằng việc cung cấp dữ liệu sơ cấp là “thông lệ tiêu chuẩn” cho việc điều tra nguồn gốc bùng dịch. Ông cho biết loại thông tin này đặc biệt quan trọng trong việc tìm hiểu nguyên nhân gây bùng phát dịch Covid-19. Bởi lẽ, chỉ một nửa trong số 174 ca dương tính với SARS-CoV-2 đầu tiên từng tiếp xúc với chợ hải sản Hoa Nam – nơi bị nghi là điểm khởi phát dịch bệnh.
“Đó là lý do tại sao chúng tôi vẫn kiên trì yêu cầu tiếp cận dữ liệu sơ cấp”, ông Dwyer nói. “Tôi không thể bình luận về nguyên nhân chúng tôi chưa nhận được nguồn dữ liệu sơ cấp”.
Trước đó, vào ngày 14/1, nhóm chuyên gia của WHO đã có mặt tại Vũ Hán để bắt đầu chiến dịch tìm hiểu nguyên nhân gây bùng phát dịch Covid-19. Sau hai tuần cách ly, các nhà khoa học đã bắt đầu công tác thực địa tại các cơ sở y tế tại thành phố 11 triệu dân của tỉnh Hồ Bắc.
Những thông tin về việc Trung Quốc không hoàn toàn hợp tác với nhóm điều tra của WHO đã làm dấy lên nhiều tranh cãi.
Peter Daszak, một thành viên khác của nhóm, lại phản bác bài viết của New York Times về việc Trung Quốc che giấu thông tin và nói rằng “đây không phải trải nghiệm của tôi”.
“Là người đứng đầu nhóm làm việc về động vật/môi trường (trong đội điều tra của WHO), tôi thấy sự tin tưởng và cởi mở từ các đồng sự Trung Quốc. Chúng tôi đã được tiếp cận mọi dữ liệu quan trọng”, ông viết trên Twitter.
Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan ngày 13/2 tuyên bố báo cáo của WHO phải độc lập và không bị “thay đổi bởi chính phủ Trung Quốc”.
“Báo cáo của WHO phải độc lập và những phát hiện của chuyên gia không bị chính phủ Trung Quốc can thiệp hoặc thay đổi”, ông Sullivan tuyên bố. “Để hiểu rõ hơn về đại dịch này và chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo, Trung Quốc phải cung cấp dữ liệu từ những ngày đầu dịch bùng phát”.
Trong tương lai, theo cố vấn Mỹ, tất cả quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, nên tham gia vào quá trình minh bạch và thiết thực để ngăn ngừa và ứng phó với tình trạng y tế khẩn cấp.
Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, tính đến ngày 15/2, Trung Quốc ghi nhận hơn 100,500 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có khoảng 4,800 trường hợp tử vong. (Z/N)