Friday, March 29, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Chuyên gia Úc: Các kịch bản về sự phát triển của Covid-19 trong những năm tới

Dịch Covid-19 đã bùng phát trên thế giới trong hơn 1 năm qua và mọi người hy vọng khi tìm ra vắc-xin thì sẽ khống chế được căn bệnh này. Tuy nhiên thực tế lại không phải vậy, sự xuất hiện của biến thể Delta đang làm cho dịch bệnh trở nên khó kiểm soát.

Giáo sư Eddie Holmes từ Đại học Sydney (Hình ABC).

Giáo sư Eddie Holmes là một nhà khoa học có nhiều uy tín tại Úc. Năm 2020 ông đã được tiểu bang New South Wales công nhận là Nhà khoa học của năm khi là người đầu tiên công bố trình tự bộ gien của virus SARS-CoV-2. Đồng thời, giáo sư Eddie Holmes cũng là người đã khẳng định virus SARS-CoV-2 là nguyên nhân gây nên Covid-19.

Trong bối cảnh 3 tiểu bang và vùng lãnh thổ tại Úc gồm New South Wales, Victoria và Canberra đang phải đối mặt với sự lây lan của biến thể Delta, giáo sư Eddie Holmes đã đưa ra 3 kịch bản về sự phát triển của virus trong những năm tới.

Trong kịch bản lạc quan nhất, khi virus vẫn tồn tại nhưng độ nguy hiểm giảm đi và đưa bệnh Covid-19 trở thành căn bệnh thông thường như cúm mùa. Khi đó, dần dần mọi người sẽ không còn nghe nói nhiều về căn bệnh này nữa. Kịch bản này có thể xảy ra nhưng khả năng không cao.

Trong kịch bản tồi tệ nhất, dịch bệnh sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn khi mà các biến thể mới như Delta tiếp tục xuất hiện khiến cho virus lây lan nhanh hơn và dịch bệnh ngày càng nguy hiểm hơn. Không chỉ dừng lại ở đó, các biến thể mới của virus còn có thể sẽ tránh được vắc-xin nên có thể sẽ khiến chúng ta sẽ ngày càng phải đối mặt với tình thế khó khăn hơn.

Tuy nhiên, kịch bản có nhiều khả năng xảy ra nhất đó là virus sẽ vẫn tồn tại, phát sinh các biến thể mới và lây lan trong cộng đồng tuy nhiên tỷ lệ lây nhiễm sẽ giảm xuống khi độ bao phủ của vắc-xin tăng lên. Trong kịch bản này, tỷ lệ người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 sẽ giảm xuống trong vài năm tới và có thể sẽ xuất hiện một vài đợt bùng phát trong khoảng 2 hoặc 3 năm khi mà virus kháng được vắc-xin và hệ miễn dịch của con người suy yếu. Trong bối cảnh này, chúng ta cần tiếp tục tiêm vắc-xin để nâng cao khả năng miễn dịch.

Giáo sư Eddie Holmes cũng cho biết, mặc dù sự xuất hiện của biến thể Delta làm cho dịch bệnh lây lan nhanh và dễ dàng hơn và làm nhiều người thiệt mạng hơn, song thực tế cho thấy những gì đang diễn ra tốt hơn nhiều so với những gì ông dự kiến trước đó. Ông khẳng định, sự ra đời của vắc-xin và khả năng ngăn chặn dịch bệnh nhanh chóng của vắc-xin đang đặt chúng ta vào bối cảnh tốt hơn so với dự đoán trước đó.

Do đó vào thời điểm hiện tại, giáo sư Eddie Holmes cho rằng, việc tiêm vắc-xin rất quan trọng. Tuy nhiên, cần phải quan tâm tới việc tiêm chủng ở những nước gặp nhiều khó khăn như ở Châu Phi, bởi nế không virus ở những khu vực này sẽ thay đổi và sản sinh ra những biến thể mới nguy hiểm hơn./. (VOV)