Saturday, November 23, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Chuyên gia bệnh truyền nhiễm của Hong Kong: ĐCSTQ đã tiêu hủy chứng cứ về virus

Trong một cuộc phỏng vấn với BBC, ông Yuen Kwok-yung, chuyên gia có thẩm quyền về các bệnh truyền nhiễm ở Hong Kong, nói rằng vào ngày 12/1, ông đã báo cáo với Bắc Kinh rằng virus Corona bắt nguồn từ Vũ Hán sẽ lây từ người sang người, tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc đã đợi đủ 8 ngày rồi mới nói với thế giới.

Ngay từ thời kỳ đầu, chuyên gia này đã tham gia vào cuộc điều tra và từng đích thân chẩn đoán bệnh viêm phổi không rõ căn nguyên ở Vũ Hán, ông nói rằng chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phá hủy bằng chứng virus Corona Vũ Hán.

Hôm 27/7, chương trình “Panorama” của đài truyền hình BBC của Anh đã phát sóng một báo cáo chuyên đề tên là “China’s Coronavirus Cover-Up” (Trung Quốc che đậy virus Corona mới), chương trình đã phỏng vấn một số chuyên gia virus để phơi bày sự thật đằng sau dịch bệnh.

Cùng ngày, bà Carrie Gracie, Biên tập viên về mảng Trung Quốc của BBC, cũng đã viết trên tờ The Guardian rằng, ĐCSTQ đang viết lại sự thực về virus Corona Vũ Hán, vì lợi ích của bản thân họ.

Chuyên gia bệnh truyền nhiễm của Hong Kong: ĐCSTQ đã tiêu hủy chứng cứ về virus
Ông Yuen Kwok-yung, chuyên gia có thẩm quyền về bệnh truyền nhiễm ở Hong Kong. (The Epoch Times)

Ông Yuen Kwok-yung kể lại, vào ngày 12/1, ông đã chẩn đoán một gia đình tại Thâm Quyến đã bị nhiễm virus Corona Vũ Hán, nhưng chỉ có một vài người trong gia đình này đã đến khu vực gần Vũ Hán, cách Vũ Hán khoảng 700 dặm (khoảng 1126,54 km), thế là ông ngay lập tức báo cáo vụ việc lên cơ quan chức năng. Tuy nhiên, phải đến ngày 20/1, chính quyền Trung Quốc mới tuyên bố rằng virus viêm phổi Vũ Hán lây từ người sang người.

Ông Yuen Kwok-yung nói: “Tôi thực sự nghi ngờ rằng họ đang che đậy ở Vũ Hán”. Ông cho rằng các quan chức (ĐCSTQ) đã phá hủy bằng chứng ở chợ bán buôn hải sản Hoa Nam – nơi bùng phát dịch bệnh. Khu chợ này được cho là nguồn gốc của dịch bệnh lần này.

Sau khi các bác sĩ khác đã cố gắng cảnh báo bệnh viêm phổi không rõ căn nguyên vào cuối tháng 12 năm ngoái, ông Yuen Kwok-yung đã giúp điều tra dịch bệnh ở Vũ Hán hồi vào đầu tháng 1. Ông là nhà khoa học tuyến đầu và là người sớm nhất phát hiện và phòng ngừa dịch SARS năm 2003, đồng thời ông cũng là chuyên gia có thẩm quyền về các bệnh truyền nhiễm ở Hong Kong.

Yuen Kwok-yung nói với BBC rằng, ông tin rằng các quan chức địa phương đã phá hủy bằng chứng vật lý và phản ứng chậm với các phát hiện lâm sàng, do đó đã che đậy quy mô dịch bệnh ban đầu.

“Khi chúng tôi đến chợ Hoa Nam, chẳng còn gì để xem xả, bởi vì khu chợ đã được dọn sạch.” Ông nói, “Vì vậy, bạn có thể nói rằng hiện trường vụ án đã bị xáo trộn, vì khu chợ đã được dọn dẹp sạch sẽ nên chúng tôi không thể xác định được vật chủ nào có khả năng truyền virus sang người”.

Do ĐCSTQ đã trì hoãn việc chia sẻ thông tin dịch bệnh với cộng đồng quốc tế nên họ luôn bị lên án và chỉ trích. Các chuyên gia y tế đều cho rằng, khi đó nếu như phong tỏa thành phố Vũ Hán sớm hơn nữa để ngăn dịch bệnh lây lan thì phạm vi của đại dịch có thể đã giảm đi rất nhiều.

Ông Yuen Kwok-yung nói rằng các quan chức địa phương đã bóp méo thông tin theo yêu cầu của Bắc Kinh.

Ông Yuan nói: “Tôi thực sự nghi ngờ rằng họ đã tiến hành các hoạt động che đậy ở Vũ Hán. Các quan chức địa phương đáng ra nên truyền thông tin đi ngay lập tức, nhưng họ không được phép làm như vậy, không được phép làm hết phận sự của mình”.

Hồi tháng 1, chính quyền thành phố Vũ Hán đã phạt một số bác sĩ Vũ Hán, những người cố gắng đưa ra cảnh báo sớm trong nhóm bạn bè trên Wechat. Một trong số đó là bác sĩ nhãn khoa Lý Văn Lượng (Li Wenliang), sau đó ông cũng nhiễm virus và cuối cùng đã chết. Cái chết của bác sĩ Lý đã gây ra sự đau buồn và phẫn nộ chưa từng thấy trên mạng Internet – vốn luôn bị ĐCSTQ kiểm duyệt gắt gao. Tuy nhiên, các nhân viên kiểm duyệt Internet của ĐCSTQ đã nhanh chóng xóa tất cả thông tin liên quan đến bác sĩ Lý trên Internet và chính quyền đã cố gắng chuyển hướng sự chú ý bằng cách truy tặng “liệt sĩ” cho bác sĩ này.

ĐCSTQ luôn tuyên bố rằng phản ứng của họ đối với việc bùng phát virus viêm phổi Vũ Hán là “công khai, minh bạch và có trách nhiệm”. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng nhiều lần từ chối chỉ trích Bắc Kinh vì sự thiếu minh bạch, dẫn đến việc Hoa Kỳ – quốc gia tài trợ số 1 của WHO tuyên bố rút khỏi tổ chức này.

Ông Yuen Kwok-yung nói rằng, khi nhìn thấy bác sĩ Vũ Hán trên các bài đăng trên mạng xã hội, ông đã thúc giục chính phủ Hong Kong thực hiện các biện pháp phòng ngừa y tế công cộng. Ông nói với BBC: “Nếu bạn không chạy đua với thời gian, bạn sẽ gặp rắc rối lớn”.

Tuy nhiên, từ ngày 31/12 đến ngày 20/1, các nhà lãnh đạo của ĐCSTQ đã coi nhẹ sự nguy hiểm của loại virus này và làm phung phí những cơ hội cảnh báo do các bác sĩ và nhà khoa học đưa ra.

Bà Carrie Gracie, Biên tập viên về mảng Trung Quốc của BBC cũng đã viết trên tờ The Guardian rằng: “Vì trước đó xử lý không thỏa đáng nên đã gây ra một thảm họa toàn cầu. Chế độ kiểm duyệt ở Trung Quốc mang tính áp đảo nên nó có thể kiểm soát thời gian biểu và sửa đổi sự thật sao cho sự việc khớp với những lời mà chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố. Từ tháng 1 đến nay, các nhân viên kiểm duyệt Internet đã tích cực xóa bằng chứng bằng văn bản, viết thêm các sự kiện và bình luận vào dòng thời gian để khi cần có thể truy nguyên và ám thị rằng lãnh đạo (ĐCSTQ) đã tham gia vào các quyết sách đó”.

“Bảy tháng đã trôi qua. Đại đa số các bác sĩ và nhà khoa học vẫn đang tiếp tục giữ im lặng, trong khi một số công dân Trung Quốc cố gắng lưu giữ những sự thật bất lợi (cho ĐCSTQ) hoặc đưa ra các tuyên bố khác (với ĐCSTQ) thì lại mất tích”.

Bà Gracie nói rằng, ở Trung Quốc, không ai dám chất vấn chính phủ Trung Quốc về thông tin dịch bệnh. Trong bản công bố thông tin dịch bệnh chính thức, chính phủ nói rằng ngay khi Bắc Kinh có bằng chứng rõ ràng về việc lây truyền từ người sang người, họ đã tuyên bố công khai cho các nước khác và đưa ra các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, bao gồm cả việc phong tỏa thành phố Vũ Hán vào ngày 23/1.

Giáo sư Andrew Tatem của Đại học Southampton nói với BBC: “Nếu các biện pháp can thiệp mà chính quyền Trung Quốc áp dụng vào hôm 23/1 được đẩy sớm lên ngày 2/1, chúng ta sẽ thấy rằng số ca nhiễm bệnh trên toàn thế giới có thể giảm 95%”. (NTD, theo Epoch Times)