Chạy đua ‘phủ sóng’ vắc-xin chống đại dịch COVID-19
Ngay sau khi được cấp phép, Công ty Pfizer lúc đầu dự tính sẽ vận chuyển lô vắc-xin đầy tiên “trong vòng 24 giờ”; Pfizer và BioNTech tìm cách tăng nguồn cung vắc-xin; Trong khi đó, WHO cho biết, gần 1 tỷ liều vắc-xin phòng COVID-19 được đảm bảo cho các nước thu nhập thấp và trung bình…
Tại Mỹ, công ty Pfizer đã thông báo về việc khả năng lô hàng vắc-xin chống COVID-19 đầu tiên sẽ bắt đầu được chuyển đi từ cơ sở tại Michigan vào sáng Chủ Nhật 13/12.
Công ty Pfizer lúc đầu dự tính sẽ bắt đầu việc vận chuyển vắc-xin trên “trong vòng 24 giờ” sau khi Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ cấp phép.
Theo Tiến sĩ Peter Marks, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đánh giá sinh học của FDA, lợi ích tiềm năng của vắc-xin Pfizer/BioNTech lớn hơn so với nguy cơ đối với người trong độ tuổi 16 và 17 tuổi. Mặc dù thanh thiếu niên hiếm khi bị ốm nặng do COVID-19, ông Marks thừa nhận đã có một số ca trở nên ốm nặng và tử vong, đồng thời thanh thiếu niên có thể truyền virus “khá dễ dàng” ngay cả khi không có triệu chứng.
Ông Marks cho biết phải mất vài tháng trước khi có thể đưa ra kết luận rõ ràng về việc vacine tác động như thế nào đến việc lây truyền virus. Chuyên gia này cũng cho biết trong một cuộc họp báo ngày 12/12 rằng FDA “khá thuyết phục” rằng các điều kiện cực lạnh cần thiết cho việc bảo quản vắc-xin Pfizer/ BioNTech.
Theo đó, vắc-xin Pfizer/BioNTech cần được bảo quản ở nhiệt độ khoảng âm 75 độ C – lạnh hơn nhiều so với bất kỳ loại vắc-xin nào hiện đang được sử dụng ở Mỹ. Vắc-xin được sử dụng các thùng chứa được thiết kế đặc biệt với đá khô và có thể được giữ lạnh trong vài ngày sau khi rã đông.
Theo ông Marks, FDA đã thông báo rõ trong việc ghi nhãn vắc-xin sẽ cần được xử lý như thế nào và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) và Operation Warp Speed “đang đảm bảo rằng mọi thứ được thực hiện để đảm bảo rằng dây chuyền lạnh được duy trì.”
Trong khi đó, ông Stephen Hahn, một thành viên hàng đầu của FDA cho biết lợi ích của vắc-xin Pfizer và BioNTech lớn hơn rủi ro của nó. Ông Hahn cho biết FDA đã minh bạch về dữ liệu, khi tiến hành việc đăng thông tin quan trọng để giúp các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiểu được lợi ích, rủi ro và việc sử dụng đúng loại vắc xin được FDA cho phép này.
Vắc-xin Sputnik V có thể ngừa virus corona trong hai năm
Tại Moskva, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật mang tên Gamaleya thuộc Bộ Y tế Nga, ông Alexander Gintsburg ngày 12/12 cho biết vắc-xin Sputnik V ngừa virus corona mà Trung tâm này phát triển, được điều chế trên nền tảng đã được sử dụng để phát triển vắc-xin ngừa bệnh Ebola, và có thể bảo vệ cơ thể trong 2 năm.
Phát biểu trên kênh YouTube “Soloviev Live”, ông Gintsburg nói: “Bây giờ tôi chỉ có thể giả định rằng dữ liệu thử nghiệm là cần thiết…. Có số liệu thử nghiệm cho thấy chế phẩm vắc-xin tương tự này bảo vệ ít nhất hai năm, có thể hơn.
Khó có thể nói vắc-xin của Pfizer có tác dụng bảo vệ trong bao lâu, nhưng dựa trên cơ chế hoạt động chung của các loại thuốc này, có thể cho rằng thời gian bảo vệ sẽ không quá 4, nhiều nhất là 5 tháng. Dù điều này cần phải kiểm tra qua thực nghiệm”.
Ông Gintsburg cũng nói thêm vắc-xin Sputnik V đảm bảo hiệu quả trong 96% trường hợp. Chỉ 4% trường hợp người được tiêm vắc-xin vẫn có thể mắc bệnh, nhưng bệnh sẽ ở dạng nhẹ như sổ mũi, ho, sốt không cao, và mầm bệnh không ngấm vào phổi.
Gần 1 tỷ liều vắc-xin được đảm bảo cho các nước thu nhập thấp và trung bình
Ngày 11/12, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố gần 1 tỷ liều vắc-xin tiềm năng phòng COVID-19 đã được đảm bảo theo chương trình COVAX nhằm cung cấp vắc-xin cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Geneva, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết 189 quốc gia đã tham gia chương trình COVAX.
Cùng ngày, nhà khoa học hàng đầu của WHO – bà Soumya Swaminathan cho hay WHO dự kiến trong những tuần tới sẽ đưa ra các quyết định liệu có cấp phép cho sử dụng khẩn cấp đối với các loại vắc-xin phòng COVID-19 của hãng dược Pfizer, Moderna và AstraZeneca.
Theo bà Soumya Swaminathan, WHO có thể đưa ra quyết định đối với vắc-xin của hãng Pfizer trong “một vài tuần tới”, ngoài ra cơ quan y tế toàn cầu này cũng có thể xem xét vắc-xin của
Moderna và AstraZeneca trong vài tuần.
Việc được WHO thông qua cho phép một loại vắc-xin được triển khai tại một số nước mà cơ quan giám sát y tế quốc gia chưa thể đánh giá được vắc-xin.
Pfizer và BioNTech tìm cách tăng nguồn cung vắc-xin
Sau khi Cơ quan quản lý Thực phẩm & Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với vắc-xin do công ty Pfizer của Mỹ và BioNTech của Đức phối hợp phát triển, Giám đốc điều hành BioNTech, ông Ugur Sahin ngày 11/12 cho biết thách thức lớn nhất đối với hai công ty này giờ đây là phải sản xuất đủ vắc-xin để đáp ứng nhu cầu rất lớn.
Trả lời phỏng vấn của hãng tin Reuters, ông Sahin cho biết: “Chúng tôi cần giải quyết thách thức về sản xuất. Chắc chắn cần nhiều vắc-xin hơn và chúng tôi đang đối mặt với vấn đề làm thế nào để sản xuất nhiều hơn”. Ông cho biết thêm hai công ty sẽ thảo luận việc nghiên cứu để vắc-xin này chỉ cần tiêm một mũi duy nhất, thay vì hai mũi như hiện nay.
Trước đó, Pfizer và BioNTech cho biết sẽ sản xuất tới 1,3 tỷ liều vắc-xin năm tới. Ông Sahin dự kiến vắc-xin của hai công ty sẽ được Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) phê duyệt vào cuối tháng này và có thể bắt đầu cung cấp vắc-xin cho các nước châu Âu từ đầu năm tới.
Theo ông Sahin, có thể tăng nguồn cung vắc-xin bằng cách đẩy nhanh việc triển khai nhà máy có công 750 triệu liều/năm mà BioNTech mua của Novartis AG ở Marburg, Đức. Trước đây, BioNTech cho biết sẽ bắt đầu sản xuất vắc-xin ở nhà máy này từ nửa đầu năm 2021. Ông Sahin cho biết công ty đang xúc tiến triển khai nhà máy này sớm hơn.
Tại Washington, FDA cũng đang xem xét cấp phép cho vắc-xin ngừa COVID-19 của công ty Moderna.
Trước đó, thử nghiệm lâm sàng đối với 30.000 tình nguyện viên cho thấy vắc-xin của Moderna có hiệu quả phòng ngừa 94,1%. Đây là vắc-xin do các nhà khoa học của công ty Moderna và các nhà khoa học thuộc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ hợp tác phát triển.
Indonesia đặt mục tiêu 75 triệu dân được sớm tiêm vắc-xin ngừa COVID-19
Ngày 12/12, Bộ trưởng Bộ Doanh nghiệp nhà nước Indonesia, Giám đốc điều hành Ủy ban Xử lý COVID-19 và Phục hồi kinh tế quốc gia (KPC PEN) Erick Thohir cho biết nước này đặt mục tiêu tiêm chủng vắc-xin ngừa COVID-19 cho khoảng 75 triệu người trong vòng 8-9 tháng tới.
Tại Jakarta, Bộ trưởng Thohir khẳng định chính phủ sẽ ưu tiên tiêm chủng cho người lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước và khu vực tư nhân. Có hai hình thức triển khai tiêm chủng, trong đó 32 triệu người được chính phủ trợ cấp và 75 triệu người tự chi trả thông qua một chương trình độc lập.
Bộ trưởng Thohir cũng cho biết chính phủ sẽ tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia, huy động số lượng lớn bệnh viện và phòng khám tư nhân. Tuy nhiên, chính phủ sẽ có cơ chế phân phối vắc-xin rõ ràng và minh bạch. Mỗi hộp vắc-xin đều được theo dõi bằng mã Code QR từ khi xuất kho đến khi phân phối đến bệnh viện nhằm ngăn chặn việc tuồn vắc-xin ra thị trường chợ đen để bán với giá cao hơn quy định.
Trước đó, Chính phủ Indonesia đã quy định 6 loại vắc-xin COVID-19 có thể được sử dụng trong chiến dịch tiêm chủng trong nước. Đó là vắc-xin của các hãng Bio Farma, Astra Zeneca, Sinopharm, Moderna, Pfizer Inc/BioNtech và Sinovac Biotech.
Ngày 6/12 vừa qua, Indonesia đã nhận được 1,2 triệu liều vắc-xin do Công ty Sinovac Trung Quốc sản xuất. Dự kiến vào tháng 1/2021 sẽ có thêm 1,8 triệu liều vắc-xin và 15 triệu liều vắc-xin nguyên liệu thô để Công ty Biofarma sản xuất.
Việt Nam nỗ lực để sản xuất vắc-xin trong thời gian sớm nhất
Tại Việt Nam, Lễ khởi động chương trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vắc-xin Nano Covax trên người đã chính thức diễn ra ngày 10/12 tại Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng.
Trung tướng, GS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y cho hay: Vắc xin Nano covax là vắc-xin tái tổ hợp protein S, là đoạn gai của virus SARS-CoV-2, với 4 loại liều lượng 25 mcg, 50mcg, 75mcg, 100mcg. Qua thử nghiệm trên chuột nhắt trắng, chuột hamster, khỉ và thỏ, kết quả cho thấy vắc xin đảm bảo về an toàn.
Điểm mạnh của vắc xin Việt Nam là bảo quản được trong nhiệt độ tủ lạnh bình thường (2-8 độ), trong khi vắc-xin của một số hãng đang sản xuất phải bảo quản đến nhiệt độ âm 75 độ, khó khăn trong việc vận chuyển.
Theo GS Đỗ Quyết, khi bắt đầu thực hiện thử nghiệm lâm sàng, Việt Nam là một trong 40 quốc gia đã thử nghiệm vắc xin ngừa COVID-19 trên người. “Chúng ta đã sản xuất test thử COVID-19 từ rất sớm và chất lượng, giờ đến vắc xin ngừa COVID-19. Chúng ta đã ngồi ngang hàng, ngồi bàn tròn được với quốc tế ở một số lĩnh vực nghiên cứu y sinh” – GS Đỗ Quyết vui mừng chia sẻ.
TS Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế – Chánh Văn phòng Chương trình Quốc gia nghiên cứu phát triển vắc xin nhìn nhận, thử nghiệm lâm sàng vắc xin là nghiên cứu nhạy cảm, vì vậy nhóm nghiên cứu đảm bảo tất cả những điều kiện tối ưu nhất cho tình nguyện viên, từ cơ sở vật chất, trang thiết bị.
“Ngành y tế nói chung và Học viện Quân y nói riêng sẽ dành những điều kiện tốt nhất liên quan đến sàng lọc, thăm khám, quản lý hồ sơ sức khoẻ 24/24. Những nghiên cứu trước đây, tình nguyện viên chỉ được theo dõi 2-4 tiếng hoặc 24 tiếng nhưng riêng vắc xin ngừa COVID-19 sẽ được theo dõi đặc biệt trong suốt 72 giờ đầu tiên”- TS Nguyễn Ngô Quang nói.
TS Nguyễn Ngô Quang cũng thay mặt Bộ Y tế cảm ơn các tình nguyện viên chấp nhận tham gia thử nghiệm độ an toàn của vắc-xin. Hành động này không chỉ đóng góp chung vào sự phát triển khoa học kĩ thuật nói chung và vắc-xin của ngành y tế nói riêng.
Theo ông Hồ Nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc NANOGEN, Nano Covax hứa hẹn sẽ là vắc-xin phòng COVID-19 “Made in Vietnam” đầu tiên đưa ra thị trường. Dự kiến giá khoảng 120.000 đồng/liều. Doanh nghiệp này đang nỗ lực để có thể sản xuất vắc-xin đáp ứng nhu cầu của người dân trong thời gian sớm nhất… (BCP)