Các bài quan điểm Việt trên báo Úc
Đoàn Việt Trung
(Chủ Tịch CĐNVTD Liên Bang 2000-2001, 2002-2003)
Lời Tòa Soạn: Nhân Quyền xin giới thiệu loạt bài của tác giả Đoàn Việt Trung dành riêng cho Nhân Quyền nhân dịp kỷ niệm 50 năm tìm tự do. Bài 1 nói về Thỏa Ước Sứ Quán giữa Úc và Việt Nam để bảo vệ người Úc gốc Việt nếu bị bắt giam tại VN. Bài 2 thì về một số bài quan điểm của cộng đồng Việt được đăng trên các báo lớn của Úc. Bài 3 là về việc sách giáo khoa trung học của Úc đã nói một chiều về cuộc chiến VN và cộng đồng đã thuyết phục được một nhà xuất bản điều chỉnh lại. Bài 4 nói về 1 trong những tờ báo tiếng Việt đầu tiên ở Úc, phát hành ngày 01/11/1975. Các bài 1, 2, và 3 cũng được đăng trong cuốn Kỷ Yếu mà CĐNVTD/Qld sắp phát hành (coi HÌNH bìa trước và sau, đính kèm). BS Bùi Trọng Cường đã qua đời ngày 06/3, thọ 80 tuổi. Trong gần 30 năm, 2 ông đã cộng tác với nhau trong nhiều công tác cộng đồng đa dạng.

Bài 2 trong 4
Nói với người dân Úc trên báo Úc
Đầu thập niên 2000, khi vô Ban Chấp Hành CĐNVTD, tôi nhận thấy cần phải lên tiếng về những đề tài mà cộng đồng mình quan tâm. Muốn tiếng nói đó đến được nhiều người Úc thì cách tốt nhất là qua truyền thông chính mạch.
Do đó, tôi cố gắng viết nhiều bài quan điểm, thường thường thì viết khoảng 5-10 tiếng, từ chiều tối đến khuya. Trung bình, viết 2 hoặc 3 bài thì 1 bài được đăng. Kết quả của nỗ lực này là trên 20 bài quan điểm đã được đăng trên trang Opinion của các báo lớn – từ báo tiểu bang như The Age hoặc Herald Sun ở Victoria, đến báo toàn quốc như The Australian hoặc Australian Financial Review.
Bài này sẽ minh họa nỗ lực nói trên, qua 2 trong số các bài đó. Một bài thì về đề tài thời sự liên quan đến cộng đồng Việt. Bài thứ nhì thì, tiêu biểu cho đa số các bài, về đề tài không liên quan trực tiếp đến cộng đồng chúng ta, nhưng dùng đề tài thời sự để kéo qua các quan tâm của cộng đồng Việt.
Nói với người dân Úc về SBS TV
Năm 2003, cộng đồng chúng ta tranh đấu để thuyết phục SBS TV hiểu rằng chiếu chương trình “tin tức” tuyên truyền của VTV4 là coi thường khán giả Úc gốc Việt.
Song song với việc nhờ các dân cử lên tiếng ở Quốc Hội, cộng đồng chúng ta cũng lên tiếng trên truyền thông – thí dụ, BS Nguyễn Mạnh Tiến thì liên lạc với đài phát thanh Úc ở Sydney, phần tôi thì một bài quan điểm đã được báo Herald Sun ở Melbourne đăng trong số báo ngày 16/10/2003.
Một vụ mà nhiều người dân Úc biết đến vào lúc đó, là việc Úc nên hay không nên cấp visa cho David Irving, một người làm phim để chối bỏ việc Hitler tiêu diệt người Do Thái.
Vì đề tài Irving được nhiều người biết, do đó bài của tôi bắt đầu bằng đoạn này: Hiện đang xảy ra một vụ từa tựa như phim của David Irving. Có điều, trong vụ này thì giống như mỗi ngày lại chiếu phim chối bỏ vụ diệt chủng Do Thái trên một đài TV dành riêng cho người Do Thái”
(Nguyên văn: “Something like David Irving’s film, The Search for the Truth in History, is happening. Except in this case, it is more like the Holocaust denial film being shown daily on a TV channel dedicated to Jews.”)

Và sau lời mở đầu đó, bài kể rằng tuần trước, đài VTV có bản tin kính cẩn thuật lại lời của Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh, và bản tin khác khoe rằng Mặt Trận Tổ Quốc đã giúp nạn nhân lũ lụt. Nhưng họ dấu nhẹm việc trong tuần đó công an đã bắt giam Hòa Thượng Thích Quảng Độ.
Nói thêm về vai trò tuyên truyền của VTV4, bài này viết “Chỉ có phần thời tiết là họ không dùng để tuyên truyền cho Đảng, có lẽ chỉ vì họ chưa nghĩ ra cách”
Bài cũng viết rằng trong đối tượng khán giả của SBS, có nhiều người từng bị giam ở các trại tập trung gọi là cải tạo. Họ là nạn nhân của chế độ đang làm chủ của đài VTV4.
Nói với người dân Úc về cuộc chiến VN
Năm 2002, người dân Úc đang tranh luận về việc Úc nên hay không nên tham gia vào cuộc chiến đánh chế độ Saddam Hussein. Vào thời gian đó, ông Hussein nửa úp nửa mở rằng ông có các vũ khí hóa học, nhưng chưa ai tìm được bằng chứng là ông thực sự có hay không.
Tham gia cuộc tranh luận đó, tôi viết một bài được báo The Age đăng ngày 06/8/2002 với tựa đề “Bài học Việt Nam cho Iraq: Chiến đấu một cuộc chiến có chính nghĩa”.
Bài mở đầu bằng đoạn “Khi thế giới muốn Saddam Hussein rút quân ra khỏi Kuwait, người ta nói hãy nhớ bài học Việt Nam. Rồi Taliban đe dọa sẽ biến Afghanistan thành một Việt Nam thứ nhì. Rồi, bây giờ Canberra đồng ý đánh Saddam, người ta lại nói hãy nhớ bài học Việt Nam.
Vậy bài học Việt Nam là gì? Theo tôi thì bài học đó là: Cuộc chiến Việt Nam là cuộc chiến có chính nghĩa, và nếu chúng ta tham gia vào một cuộc chiến nào, thì đừng tham gia nửa vời”
(Nguyên văn: “When the world tried to get Saddam Hussein out of Kuwait, people said remember the Vietnam War. Then the Taliban promised to turn Afghanistan into another Vietnam for the invading forces. Now, with Canberra supporting a strike against Saddam, people again say remember the lesson of the Vietnam War.
What is this lesson? For me, it is this: the Vietnam War was for a good cause, and if we fight a war, we should not fight half-heartedly.”)

Và sau đó thì bài viết “Có người nói rằng Cuộc chiến Việt Nam không có chính nghĩa, vì tây phương giết dân lành. Nhưng các phóng viên thiên vị đã không tiết lộ việc cộng sản dùng dân để đỡ đạn. Và, trong khi họ nói lớn tiếng về hàng trăm nạn nhân ở Mỹ Lai, thì họ im hơi lặng tiếng về hàng ngàn nạn nhân bị Cộng Sản tàn sát năm 1968 ở Huế”
Và sau khi viết về cuộc chiến trước đây, thì viết về hiện tại: “Ngày nay, du khách tây phương thấy bộ mặt Saigon vui vẻ, nhưng đằng sau nụ cười là sự đau đớn. Tôi có danh sách hơn 100 nữ tu, nhà sư, linh mục, trong đó nhiều người tàn tạ trong tù vì bị giam hơn 20 năm qua”
Bài cũng kể về một hành động mà tôi rất khinh bỉ, đó là kẻ chiến thắng trả thù dân lành vô tội: Dù đang trả thù cả triệu lính và công chức miền Nam, nhưng Đảng CSVN vẫn chưa hả hê, họ còn trả thù toàn dân miền Nam, không bỏ sót ai – bằng cách đổi tiền: “Người dân miền Nam đã mấy lần sáng thức dậy thì mới biết là mình trắng tay, vì trong đêm thì nhà nước đã vô hiệu hóa giá trị của đồng tiền”
Những bài khác
Các bài quan điểm khác của tôi được đăng thì phần lớn là về các đề tài người tỵ nạn, viện trợ, hoặc quyền lao động. Một số bài lập luận rằng Bộ Di Trú nên cho thuyền nhân Việt đến Úc cơ hội để giải thích tại sao họ lại mạo hiểm tính mạng đi hàng ngàn cây số trên biển để tìm tự do. Một số bài kêu gọi Úc điều nghiên tiền viện trợ chặt chẽ hơn, vì Đảng Cộng sản kiểm soát cách sử dụng tiền viện trợ. Một số bài thì nói về việc nhà nước tước đoạt quyền nghiệp đoàn của người lao động sẽ tạo ra cạnh tranh bất công trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), và do đó TPP phải đòi lại quyền nghiệp đoàn cho người lao động Việt.
-Hết-