Saturday, December 21, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Cả phi hành đoàn Vietnam Airlines bị bắt ở Úc vì chuyển tiền lậu


Sau nhiều ngày im lặng và từ chối trả lời, đến chiều ngày 17 Tháng Sáu,  Cục hàng không Việt Nam mới úp mở trả lời với báo chí rằng có biết vụ việc 9 người trong một phi hành đoàn Việt Nam bị bắt quả tang đang vận chuyển tiền bất hợp pháp ở Úc. Cơ quan này cũng nói là đang yêu cầu hãng Vietnam Airlines báo cáo.

Hình ảnh được cho là tang vật bị cảnh sát Úc thu giữ với những cuốn hộ chiếu mang quốc huy Việt Nam. Hình 7 News

“Nhưng qua thông tin sơ bộ nắm được thì nhà chức trách Úc có mời 9 tiếp viên của một hãng hàng không Việt Nam vào phỏng vấn và kiểm tra, phát hiện có số lượng tiền. Sau đó có 8 người được bay về nước ngay trong ngày, một người về vào ngày hôm sau,” VietnamNet tường thuật.

Trang này dẫn lời vị lãnh đạo Cục: “Sơ bộ cho thấy vụ việc không quá nghiêm trọng nên các tiếp viên được về nước và nhà chức trách Úc chưa có phản hồi gì với nhà chức trách Việt Nam. Có thể chỉ là kiểm tra hành chính và nhắc nhở.”

Từ ngày 15 Tháng Sáu, hãng tin 7 News của Úc đăng tải phóng sự về việc 9 tiếp viên của một hãng hàng không bị bắt giữ trong chiến dịch truy quét được phối hợp thực hiện bởi lực lượng biên giới và cảnh sát Úc. 9 tiếp viên bị cáo buộc rửa tiền, số tiền 60,000 Úc kim được chia nhỏ và cất giấu trong hành lý.

Đáng chú ý, mặc dù quốc tịch của 9 tiếp viên này và hãng hàng không mà họ đang làm việc không được nêu chi tiết trong bản tin, nhưng hình ảnh về tang chứng của vụ án được đăng tải trong video cho thấy hàng loạt tấm hộ chiếu mang quốc huy Việt Nam bị thu giữ. Điều này làm dấy lên các lời bàn tán về việc cả phi hành đoàn người Việt Nam bị cảnh sát Úc bắt giữ.

Vietnam Airlines thông tin về tổ bay bị nhà chức trách Úc kiểm tra khi thực hiện nhiệm vụ bay.

Suốt trong mấy ngày, lãnh đạo của Vietnam Airlines nói không biết gì về việc này, còn Bamboo Airlines thì ngay từ đầu dứt khoát nói rằng công ty của mình không gặp bất kỳ một chuyện gì như vậy. Trong tin tức về ngày mà hãng tin 7 News cho biết việc bắt giữ các nhân viên phi hành đoàn, thì chỉ có hai chuyến bay của Bamboo Airlines và Vietnam Airlines.

Theo một nguồn tin từ Úc xác nhận với Sài Gòn Nhỏ, số tiền 60,000 Úc kim chia cho 9 người là con số không quá lớn, bên cạnh đó vì không muốn làm trễ chuyến bay của hàng trăm hành khách và gây kinh động đến việc điều tra chung nên cảnh sát Úc đã lưu hồ sơ của các thành viên phi hành đoàn này và tạm cho phép 8 người được bay về Việt Nam, chỉ giữ lại một người để điều tra trong 24 giờ theo luật. Nội vụ sẽ được thông báo bằng văn bản giữa các cơ quan đối nhiệm của hai nước.

Được biết, Úc quy định mỗi người nước ngoài nhập cảnh vào nước này không được mang theo quá 10,000 Úc kim. Sau vụ việc trên, cơ quan quản lý tiếp viên Vietnam Airlines đã có văn bản chỉ đạo yêu cầu tất cả tiếp viên bay quốc tế không được mang theo quá 500 Mỹ kim tiền mặt.

Sự việc của các phi hành đoàn người Việt được Cảnh sát Úc lưu ý vì nạn rửa tiền từ Úc lúc này ngày càng nhiều, các nghi vấn cho rằng có thể đằng sau của việc chuyển tiền lậu của các nhân viên phi hành đoàn Việt Nam là một đường dây rửa tiền lớn.

Sau khi rà soát các báo cáo của tổ bay từ tháng 5/2022 đến nay, Vietnam Airlines ghi nhận báo cáo của tổ bay chuyến bay VN780 từ Melbourne, Úc đi Tp. Hồ Chí Minh (MEL – SGN) ngày 23/05/2022 về việc nhà chức trách Úc đã thực hiện kiểm tra đối với 9 tiếp viên của chuyến bay này.

Mới đây, tờ Guardian đưa tin cho hay, một tòa án của Úc đã phạt một doanh nghiệp người Việt chuyển tiền 1 triệu Úc kim và áp dụng án tù đối với các thành viên của một tập đoàn thao túng cố định tỷ giá hối đoái đô la Úc và đồng Việt Nam. Thẩm phán tòa án liên bang Wendy Abraham đã phạt Vina Money Transfer do hai người điều hành đường dây này là Van Ngoc Le và Tony Le số tiền nói trên.

Sự việc xoay quanh Vina và hai đối thủ cạnh tranh của họ là công ty chuyển tiền Hong Vina Fast Money Transfer and Hai Ha Money Transfer. Các doanh nghiệp này đều có cửa hàng ở Cabramatta và Bankstown ở Sydney, và Springvale và Footscray ở Melbourne. Nơi đây là một trong những khu vực có đông đảo người Việt sinh sống, hàng năm có lượng tiền chuyển về nước rất lớn.

Điểm chung của cả ba doanh nghiệp này là có một thỏa ước bí mật với Sacombank, một ngân hàng Việt Nam, mà họ chọn để đổi Úc kim sang tiền đồng. Guardian nói với Sacombank, cảnh sát Úc cũng đã tìm thấy các chứng cứ đã khuyến khích, cùng nhau bắt tay để ấn định tỷ giá mà các công ty chuyển tiền này đưa ra. (T/H, SGN)