Cá do thám? TQ thử nghiệm drone hình cá đuối, lặn dưới biển Đông
Theo báo chí Trung Quốc, các nhà nghiên cứu tại một trường đại học có liên kết với quân đội của nước này đã hoàn thành cuộc thử nghiệm rô-bốt sinh học với hình dáng và bơi giống như cá đuối. Đây là thử nghiệm ngoài biển khơi đầu tiên của rô-bốt này trong khu vực quần đảo Hoàng Sa.
Chắc chắn các nước có tranh chấp tuyên bố chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông sẽ theo dõi chặt chẽ việc phát triển loại rô-bốt tinh vi này.
Tờ Trung Quốc nhật báo (China Daily) dẫn lời các nhà sáng chế từ Đại học Bách khoa Tây Bắc (NWPU) ở Tây An, Trung Quốc cho biết đây là phương tiện sinh học không người lái dưới nước (UUV) đầu tiên trên thế giới có thể lặn sâu hơn 1.000 mét dưới biển đồng thời có khả năng tự đẩy bằng việc lướt và vỗ cánh. Các nhà sáng chế này cũng nói thêm rằng thiết bị này có thể “đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường biển”.
Nhưng những sáng chế như thế này cũng có thể được sử dụng cho các mục đích quân sự.
“Hầu hết các phát minh tốt về người máy (kể từ những người máy đầu tiên) đều được sử dụng trong quân sự” – ông Noel Sharkey, Giáo sư danh dự về trí tuệ nhân tạo (AI) và người máy tại Đại học Sheffield của Anh cho biết.
Giáo sư Alexandre Vuving tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á – Thái Bình Dương (APCSS), một viện nghiên cứu có trụ sở tại Hawaii và thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ cũng chia sẻ nhận định này.
“Trung Quốc sẽ sử dụng những rô-bốt có thiết kế phỏng sinh học này cho các mục đích quân sự. Điều này phù hợp với chiến lược phối hợp quân sự và dân sự của họ” – ông nói.
Phối hợp quân – dân là một chiến lược quốc gia nhằm phát triển Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc thông qua khuyến khích đầu tư và công nghệ từ khu vực tư nhân và các tổ chức học thuật.
NWPU được bộ Tư pháp Mỹ liệt kê là “một trường đại học quân sự của Trung Quốc có liên quan nhiều đến nghiên cứu quân sự và hợp tác chặt chẽ với Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) trong việc nâng cao năng lực quân sự của nước này”.
Theo một báo cáo có tên “Bảy người con trai của Quốc phòng” do Viện Chính sách Chiến lược Australia biên soạn năm 2019, Đại học Bách khoa Tây Bắc (NWPU) cũng là một trong số bảy trường đại học hàng đầu của Trung Quốc có quan hệ sâu sắc trong lĩnh vực quân sự và công nghiệp quốc phòng. Dựa trên cơ sở dữ liệu do Bộ Ngoại giao Mỹ cung cấp, báo cáo tổng hợp sự hợp tác của các viện giáo dục với PLA và các cơ quan an ninh Trung Quốc. Học viện Công nghệ Bắc Kinh và Đại học Kỹ thuật Cáp Nhĩ Tân cũng nằm trong danh sách bảy trường đại học này.
Báo cáo cho biết trong số sinh viên tốt nghiệp niên khóa 2017 hoặc 2018 và có việc làm của NWPU thì có tới hơn 40% đang làm việc trong hệ thống quốc phòng. Trong cơ sở dữ liệu do Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ, NWPU được liệt là đối tượng có mức độ “rủi ro rất cao” vì các mối quan hệ quốc phòng của nó. Trường đại học này cũng nằm trong danh sách đen xuất khẩu của Bộ Thương mại Mỹ.
Người đứng đầu dự án rô-bốt cá đuối, Tiến sĩ Pan Guang, là Hiệu trưởng của Trường Khoa học và Công nghệ Hàng hải thuộc Đại học NWPU đồng thời là một tác giả về cơ học ngư lôi.
“Không có sự khác biệt so với cá đuối thật”
Một video clip được hãng thông tấn Tân Hoa Xã công bố vào đầu tháng 9 cho thấy các nhà nghiên cứu đang thả một con “cá đuối” lớn, màu vàng tươi từ một con tàu tại vùng biển ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông.
Hình dạng của nó rất giống cá đuối thật, với phần thân phẳng, hai cánh lớn và đầu rộng. Sharkey cho biết ông chưa từng nhìn thấy một thiết bị không người lái nào như vậy trước đây.
“Với hệ thống lực đẩy cá đuối, rô-bốt mô phỏng sinh học này trông khá tuyệt vời” – ông nói.
Các chi tiết vẫn còn sơ sài nhưng theo Tân Hoa Xã, mẫu rô-bốt mềm sinh học nặng 470 kg với sải cánh dài ba mét này có thể lặn sâu tới 1.025 mét.
Lấy cảm hứng từ cá đuối, “một trong những loài bơi hiệu quả nhất trong tự nhiên”, mẫu rô-bốt này được nhóm nghiên cứu ra nó mô tả là có “hiệu suất đẩy cao, khả năng di chuyển và điều khiển cao, độ ổn định cao, ít xáo trộn môi trường, tiếng ồn thấp, khả năng chịu tải lớn và hạ cánh nhẹ nhàng đáy biển”.
Dự án này đã được nhóm nghiên cứu từ đại học NWPU triển khai từ năm 2016. Sau khi phát triển một số mẫu, họ tuyên bố rằng họ đã đạt được “khả năng vỗ cánh, lướt, dừng khẩn cấp, quay đầu và các hoạt động khác cho rô-bốt cá đuối sinh học này và hầu như không có sự khác biệt nào với cá đuối thật”.
Rô-bốt được cho là có thể hoạt động liên tục trong nhiều tuần và được gắn các cảm biến để phát hiện hình ảnh và âm thanh.
Một mẫu đen trắng nhỏ hơn được ra mắt vào năm 2019 thậm chí còn giống với cá đuối thật hơn. Theo các chuyên gia, nhờ khả năng trà trộn với các loài cá khác trong đại dương mà gần như không thể bị phát hiện, khiến nó trở nên lý tưởng cho các hoạt động do thám và giám sát.
Nhà phân tích quốc phòng Nga Vasily Kashin cho biết Chính phủ Trung Quốc đã ưu tiên phát triển các phương tiện dưới nước không người lái (UUV) cho cả mục đích dân sự và quân sự.
“Chúng có thể được sử dụng cho cả việc quan sát môi trường lẫn săn tàu ngầm” – ông nói.
Sử dụng trong quân sự
Theo Giáo sư Sharkey từ Đại học Sheffield, rô-bốt cá đuối “chắc chắn có thể được sử dụng để theo dõi những gì đang xảy ra ở vùng biển xung quanh nó và có thể ở trên nó cũng như thu thập thông tin tình báo”.
“Sẽ rất hữu ích nếu biết nó hoạt động có im lặng không – điều đó sẽ khiến nó trở nên cực kỳ hữu ích” – ông nói với Đài Á châu Tự do (RFA).
Giáo sư Vuving từ APCSS cho biết thêm: “Với năng lực của rô-bốt này, nó có thể được sử dụng để thu thập thông tin tình báo và thậm chí cả mục đích phá hoại.”
Thiết kế mô phỏng sinh học hay việc áp dụng những nghiên cứu về các hệ thống tự nhiên và người máy để thiết kế các phương tiện đi lại mới là một trào lưu đang phát triển trên thế giới. Cá đuối, do các đặc điểm tự nhiên của nó, đã trở thành đối tượng bắt chước trong một số dự án như chương trình Manta Ray của Cơ quan Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến Mỹ (DARPA), dự án Raydrive của Thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh và chương trình MantaDroid của các nhà khoa học Singapore.
Trả lời RFA, người phát ngôn của DARPA xác nhận rằng dự án Manta Ray đã được khởi động nhưng không cung cấp thêm bất kỳ chi tiết nào.
Thời báo Luân đôn đưa tin trong tháng 7/2021 cho biết chương trình của DARPA trị giá 12,3 triệu đô la và dự án Raydrive đang được phát triển với kinh phí 100,000 bảng Anh (135,000 đô la) và có mục đích là do thám tàu chiến và tàu ngầm.
Không rõ số tiền đã được Trung Quốc chi cho dự án rô-bốt cá đuối là bao nhiêu nhưng dường như dự án này đã đạt được nhiều thành tựu hơn so với các dự án cùng loại.
Tân Hoa Xã đưa tin rô-bốt cá đuối đã được sử dụng để quan sát môi trường đại dương ở một rạn san hô lớn ở Hoàng Sa –quần đảo được Trung Quốc gọi là Tây Sa. Tuy hiện nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc nhưng quần đảo này cũng được Đài Loan và Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
Trung Quốc tuyên bố các quyền lịch sử đối với 90% Biển Đông. Bất chấp sự phản đối của các quốc gia láng giềng, nước này đã và đang phát triển các tiềm lực quân sự để khẳng định yêu sách của mình đối với các thực thể có tranh chấp. Các bãi đá ngầm xa xôi đã được cải tạo thành các đảo nhân tạo với đường băng cho máy bay chiến đấu phản lực và máy bay vận tải lớn.
Khả năng trinh sát tàng hình dưới nước sẽ là mối quan tâm lớn đối với Việt Nam, quốc gia có hạm đội tàu ngầm lớn nhất Đông Nam Á. Việt Nam đã nhiều lần tố cáo các hoạt động của Trung Quốc trong khu vực nhưng vẫn chưa có phản ứng trước diễn biến mới này.
“Việt Nam đang theo dõi chặt chẽ những gì Trung Quốc làm ở Biển Đông. Nhưng tôi không chắc về kết luận tập thể mà Việt Nam sẽ rút ra từ diễn biến này”, ông Vuving nói.
Một mối quan ngại khác mà các chuyên gia về trí tuệ nhân tạo và rô-bốt nêu ra là việc trang bị các hệ thống vũ khí tự động cho các máy bay không người lái. Tuy nhiên, theo Giáo sư Sharkey, rô-bốt cá đuối của Trung Quốc vẫn chưa đạt đến mức độ phát triển đó.
“Tôi không thể hình dung nó được trang bị vũ khí trong trạng thái hiện tại” – ông nói. (T/H, RFA)