Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Bút ký của Nam Lộc: Sài Gòn ơi, vĩnh biệt!


Bút ký của Nam Lộc

Hôm nay là ngày 28 Tháng Tư, 2024. Giờ này 49 năm về trước, tôi đã thật sự vĩnh biệt Sài Gòn.

Nam Lộc hát “Sài Gòn Ơi! Vĩnh Biệt” – Fountain Valley Guitar Club – April 26, 2023 | votahan

Vào lúc 7 giờ tối hôm qua, 27 Tháng Tư, 1975, khi ông thiếu tá Bob Smith tiết lộ cho tôi biết tin VC sẽ pháo kích vào phi trường Tân Sơn Nhất sáng 28 Tháng Tư, và các phi vụ di tản gia đình nhân viên sở Mỹ sẽ chấm dứt vào lúc nửa khuya, thì lòng tôi rối như tơ vò, không còn muốn làm gì nữa, cứ đứng ở bến xe bus đổ người chờ xem bố mẹ và các em bằng một phép lạ nào đó, đến được đây vào giờ phút cuối cùng này?

Xe vẫn đến, khách vẫn xuống, rồi xe lại đi, bóng người thân vẫn biền biệt! Nhưng tôi tiếp tục ngồi lì ở đó, chờ đợi chuyến bus sau, một mình suy ngẫm. Thì ra người Mỹ đã biết trước là họ sẽ bỏ Việt Nam từ cả tháng nay vì thế mới có các kế hoạch di tản bài bản, nhịp nhàng như vậy.

Kẻ trước người sau, ưu tiên cho ai và sẽ bỏ mặc ai nếu cần, mà một quân nhân bình thường như tôi không thể nào biết được, vì luôn luôn phải bận rộn thi hành quân vụ. Đến giờ phút này, bao chiến hữu của tôi vẫn đang cầm súng chiến đấu ở nhiều mặt trận mà không biết rằng họ đang chống cự trong cơn tuyệt vọng, “người bạn đồng minh” đã phụ chúng ta!

Nhìn thấy các nhân viên sở Mỹ được ưu tiên di tản, nhìn thấy các “yếu nhân” trong chính quyền âm thầm bỏ nước ra đi, bây giờ nghe họ tiết lộ “tin tình báo” là VC sẽ pháo kích phi trường Tân Sơn Nhất, lại càng cho tôi thấy rõ âm mưu bỏ miền Nam Việt Nam của chính phủ Hoa Kỳ, mà nạn nhân khổ đau nhất sẽ là các quân, dân, cán, chính VNCH bị bỏ lại, và sẽ phải đối mặt với kẻ thù!

Trại Pendleton, nơi “Sài Gòn Ơi, Vĩnh Biệt!” chào đời. (Hình: Nam Lộc cung cấp)
Sài Gòn Ơi! Vĩnh Biệt -NGỌC LAN (nhạc chất lượng cao lossless) | Ngọc Lan

9 giờ tối, Bob đến bãi xe bus tìm tôi, hắn vỗ vai nói: “You got to go, buddy, no more bus drops, we have only two more flights”! Ôi, thật là phũ phàng và đau đớn. Tôi hỏi Bob, hoàn cảnh gia đình tôi đang chờ tại DAO Office ở Sài Gòn thì sao? Bob nói, sẽ có helicopters bốc họ ra ngoài hạm đội! Nghe như chuyện thần thoại vậy, đến lúc này tôi chẳng còn biết có nên tin người Mỹ nữa hay không?

Bob kéo tôi trở lại nơi cổng departure, cho tôi mấy miếng sandwiches, một lon nước ngọt, hắn bảo ăn đi, rồi lên đường “if you don’t want to live with VC”! Thật là chua chát! Họ đã bỏ quê hương tôi thật rồi, họ cũng mặc kệ gia đình tôi và hàng ngàn người đang chờ đợi được giải cứu! Hơn bao giờ hết tâm trạng giằng co giữa “đi hay ở” lại đến với tôi!

Trước mặt tôi còn khoảng hơn 500 người vẫn đang chờ đợi để được gọi tên đi, họ không biết rằng chỉ còn hai chuyến bay nữa mà thôi, đủ chỗ cho chừng 100 người là hết sức. Rồi chuyện gì sẽ đến với họ khi chuyến bay cuối cùng cất cánh? Số phận họ sẽ ra sao lúc sớm mai khi đạn pháo kích của Cộng quân dội xuống địa điểm này?

Tôi không dám nghĩ tiếp… Thiếp mắt trong ác mộng chờ chuyến bay cuối cùng! Tôi mơ thấy mẹ đưa mấy đưa em gái vào được bên trong, bố và ba thằng con trai kẹt lại ở bên ngoài… Giật mình tỉnh dậy, mồ hôi toát đầy người, thì ra là mộng tưởng!

Khánh Ly và Nam Lộc, năm 1976, ngày thu thanh bài “Sài Gòn Ơi, Vĩnh Biệt”. (Hình: Nam Lộc cung cấp)
Sài Gòn Ơi Vĩnh Biệt | Nhạc sĩ: Nam Lộc | Ca sĩ: Hồ Hoàng Yến | ASIA 68

Sài Gòn Ơi Vĩnh Biệt | Nhạc sĩ: Nam Lộc | Ca sĩ: Hồ Hoàng Yến (ASIA 68)Đồng hồ điểm 12 giờ đêm, Bob đưa tôi danh sách cuối cùng gọi tên, khoảng 50 người mệt mỏi đợi chờ, lếch thếch khiêng va-li, túi xách lên đường. Bob nắm tay tôi thật chặt, nhìn tôi thật lâu vỏn vẹn nói hai câu “thank you and good luck”! Tôi như kẻ mất hồn, lủi thủi theo đoàn lữ hành trong đêm khuya ngày 27 rạng sáng 28 Tháng Tư 1975, lần lượt chui vào chiếc C-130 định mệnh đưa tôi vào một cuộc đời vô định hướng.

12:45 sáng, 28 Tháng Tư, 1975, phi cơ cất cánh, nhìn ra ngoài cửa sổ, Sài Gòn mờ dần trong bóng đêm, leo lét những ánh đèn, nhạt nhòa trong nước mắt, tôi thốt lên “Sài Gòn ơi, vĩnh biệt…!”, rồi cùng khóc với mọi người. Có ngờ đâu đó chính là tựa đề nhạc phẩm đầu tiên mà tôi sẽ sáng tác tại hải ngoại! Nó cũng đã được “thai nghén” vào những ngày cô đơn, sầu tủi trong trại tỵ nạn Pendleton.

Tôi còn nhớ đã hát thử cho Trung Hành nghe trong căn lều vải, nằm dưới thung lũng buồn của trại. Chỉ vừa có vài câu đầu thôi mà hắn đã khóc như một đứa trẻ, đâu biết rằng tôi mới viết chưa xong được đến một nửa bài. Cho mãi đến sau này, khi xuất trại, thật sự đối diện với cuộc sống lưu vong, đầy gian truân, mồ hôi và nước mắt với bao nhọc nhằn, tủi nhục trong thời gian đầu, cộng với nỗi thương nhớ gia đình.

Vào giữa Tháng Mười Một, 1975 tôi mới hoàn tất nhạc phẩm “Sài Gòn Ơi, Vĩnh Biệt!”. Khánh Ly thu thanh lần đầu tiên vào mùa Xuân 1976, ông Lê Văn của đài VOA phỏng vấn Khánh Ly và tôi, rồi sau đó phát thanh bài này về Việt Nam vào Tháng Tư 1976 nhân dịp kỷ niệm một năm ngày Sài Gòn sụp đổ.

Giã biệt Sài Gòn vào lúc 1 giờ sáng 28 Tháng Tư, sau khoảng ba tiếng đồng hồ trên chuyến bay dài nhất trong đời, chúng tôi được đưa đến căn cứ Không Quân U.S. Clark Air Base nằm trên hòn đảo Luzon của Phi Luật Tân. Đối với tôi, tất cả mọi hành động, mọi suy nghĩ hay quyết định bây giờ hoàn toàn tùy thuộc vào người hướng dẫn. Họ bảo sao thì nghe vậy, bảo làm gì thì làm theo, như một người máy.

Nam Lộc trước “căn nhà đầu tiên” trên đất Mỹ. (Hình: Nam Lộc cung cấp)
Sài Gòn Ơi Vĩnh Biệt & nhạc sĩ Nam Lộc | Tác Giả & Tuyệt Phẩm | Dòng Nhạc Lưu Vong | Jimmy TV

Niềm thương nhớ và lo lắng cho gia đình được thay thế bằng những sinh hoạt bận rộn, bằng chi tiết cùng những cảnh tượng mới lạ chưa từng xẩy ra trong đời. Bằng những chiếc ghế bố được phủ lên tấm drap giường tươm tất, nằm trong khu lều vải dựng vội vàng để đón những kẻ vừa nước mất, nhà tan! Bằng sự ân cần của các sĩ quan Mỹ, cùng sự cung kính của nhân viên người Phi Luật Tân phục vụ trong nhà ăn. Tất cả đã làm nguôi bớt đi niềm khổ đau và oán hận trong tôi.

Ở đây chỉ 24 tiếng đồng hồ thì chúng tôi được di chuyển đến đảo Guam, và chưa đầy một tuần lễ thì được phi cơ American Airlines đưa từ Guam đến California. Máy bay đáp xuống phi trường quân sự El Toro của Thủy Quân Lục Chiến Mỹ, nằm ngay Orange County, có ngờ đâu lại chính là thành phố mà tôi chọn đế sống những ngày cuối đời mình!

Một toán lính Marines nghiêm chỉnh đứng chào, họ còn cầu kỳ trải thảm đỏ đón người tỵ nạn và đưa lên những chuyến xe bus quân đội. Lại xe bus quân đội, dấu tích của gia đình và là niềm hy vọng đã trở thành tuyệt vọng của tôi mấy ngày qua. Xe đi vào Xa Lộ 5, tôi nhìn bảng tên đường thấy chữ “San Diego Freeway” rộng thênh thang, xe cộ chạy đầy đường, ngược xuôi như mắc cửi.

Hai bên lề là những vườn cam vàng ửng trái, cùng các ruộng dâu trùng trùng, điệp điệp. Chưa đầy nửa tiếng đồng hồ thì tài xế rẽ vào một con lộ nhỏ ngoằn ngoèo đưa chúng tôi đến trại Pendleton sau khi đi ngang qua nhà Tổng thống Richard Nixon, tọa lạc tại thành phố San Clemente. Tôi hỏi thầm trong bụng: Có phải vì ông mà chúng tôi đang có mặt ở đây không, ngài tổng thống?

Bước xuống xe, sắp hàng để nhận lều tạm trú và quần áo. Mỗi người được các ông lính Marines phát cho một cái áo jacket và một đôi giầy nhà binh “one-size-fits-all,” già trẻ lớn bé gì cũng thế, cứ nhận đi rồi hạ hồi phân giải. Sau đó có thiện nguyện viên hướng dẫn đến lều và “giường” của mình.

Nam Lộc (trái) đi thăm Tùng Giang ở “sở làm”. (Hình Nam Lộc cung cấp)
SÀI GÒN ƠI VĨNH BIỆT – KHÁNH LY | Những Tình Khúc Về Sài Gòn Hay Nhất | Ca sĩ Khánh Ly

Đầu Tháng Năm rồi, mà sao Cali lạnh thế, không biết lạnh ngoài trời hay buốt giá ở trong lòng? Đặt mình lên chiếc ghế bố vải, tôi bắt đầu nhỏ những giọt lệ đắng cay xuống cuộc đời tỵ nạn. Hôm nay, và bây giờ tôi đã chính thức là một “người di tản buồn”!

Buồn và xót xa hơn nữa khi được tin toàn bộ gia đình tôi đã bị người Mỹ bỏ rơi, thủ đô Sài Gòn hoàn toàn sụp đổ, các tướng lãnh và nhiều quân nhân, công chức tuẫn tiết. Cậu em út cùng các chiến hữu của tôi đã bị cộng sản đánh lừa và lùa vào những trại tù cải tạo. Mẹ và các em gái thì đang chuẩn bị đi vùng kinh tế mới…

Trong khi đó ở bên này bờ đại dương, chúng tôi cũng đang phải phấn đấu với một cuộc sống mới, dù may mắn hơn ở bên nhà, nhưng cũng không kém phần gian truân và tủi nhục. Tôi được nhận vào làm assembler cho một hãng sản xuất giường nước với tiền lương $2.10 một giờ. Anh Jo Marcel làm nghề sửa xe, Tùng Giang thì tìm được job đổ xăng, Khánh Ly làm việc lao công, sau đó được “promote” thành receptionist.

Và sau những ngày dài vất vả lao động “vinh quang,” trở về căn phòng nhỏ, nằm trong khu phố u sầu, cô liêu, buồn tủi, bên cạnh toàn người xa lạ. Tất cả những nỗi khổ đau, oán hận trên cộng với niềm thương nhớ về gia đình, về quê hương, đất nước đã âm ỉ trong lòng, để rồi tôi cho ra đời nhạc phẩm “Người Di Tản Buồn”.