Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

‘Bóng ma COVID-19’ lại vây quanh, ám ảnh toàn địa cầu

Dịch bệnh COVD-19 vẫn diễn biến nghiêm trọng trong những ngày qua, không chỉ ở châu Á, mà còn tại các quốc gia có tỉ lệ chích ngừa cao. Theo CNN.

Minh họa: Martin Sanchez/Unsplash.

Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hôm 14 Tháng Bảy, số ca tử vong do COVID-19 ghi nhận là 55,000 người, tăng 3% so với một tuần trước đó, và cũng là lần tăng đầu tiên sau chín tuần giảm liên tiếp.

Số ca nhiễm mới cũng tăng 10%, lên tới gần ba triệu người, nhiều nhất ở Brazil, Ấn Độ, Indonesia và Anh. Đây là hệ quả của tỉ lệ chích ngừa thấp, quá trình nới lỏng các quy định phòng dịch, kết hợp với sự bùng phát của biến thể Delta xuất hiện lần đầu ở Ấn Độ, theo AP nhận định. Theo WHO, biến thể Delta đã được xác định ở 111 quốc gia và sẽ chiếm phần lớn tỉ lệ ca nhiễm toàn cầu trong những tháng tới.

Tình hình nghiêm trọng ở châu Á

Dịch bệnh COVD-19 tại châu Á vẫn diễn biến hết sức nghiêm trọng trong những ngày qua.

Ở Indonesia, nhà chức trách hôm 14 Tháng Bảy ghi nhận gần 1,000 ca tử vong và hơn 54,000 ca nhiễm mới, cao gấp 6.8 lần mức 8,000 ca/ngày ghi nhận hồi tháng Sáu. Nhiều người dân phải giúp đỡ nhân viên dịch vụ mai táng đào các hố chôn người chết vì COVID-19 do khối lượng công việc quá lớn. Ở Myanamar, một số lò hỏa táng cũng phải hoạt động từ sáng đến đêm.

Trong bối cảnh Olympic chuẩn bị diễn ra, Tokyo lần thứ tư áp dụng tình trạng khẩn cấp. Thủ đô của Nhật Bản đang đối mặt với số ca nhiễm tăng nhanh còn các giường bệnh chật kín.

Giới chuyên gia lo ngại rằng số ca nhiễm COVID-19 có thể tăng trên 1,000 vào thời điểm trước khi Olympic diễn ra, và hàng nghìn ca nhiễm mới trong thời gian diễn ra các trận đấu.

Tại Sydney ở Úc, số ca nhiễm mới tăng cao khiến chính quyền phải kéo dài các hạn chế phòng dịch đối với thành phố 5 triệu dân đến cuối Tháng Bảy, chậm hơn hai tuần so với kế hoạch ban đầu. Tương tự, Hàn Quốc đã cũng áp dụng mức độ phòng dịch cấp độ 4 –“bán phong tỏa” Seoul và một số khu vực lân cận do số ca nhiễm tăng kỷ lục.

Tình hình dịch bệnh ở Việt Nam. Đồ họa của báo Tuổi Trẻ.

Tại Việt Nam, từ đầu Tháng Năm đến nay, số ca nhiễm mới tăng đều, mỗi ngày một nhiều. Tính đến sáng ngày 15 Tháng Bảy (giờ VN), cả nước có hơn 35,600 ca nhiễm, một con số chưa từng ai nghĩ đến trước đây, mà vẫn chưa có điểm dừng vào những ngày sắp tới.

Số ca nhiễm mới tăng ở châu Âu và Mỹ

Trong đợt lây nhiễm lần này, số ca tử vong ở Argentina đã lên mức 100,000. Số người chết vì COVID-19 mỗi ngày ở Nga, Bỉ cũng đạt mức kỷ lục. Ở Anh, lần đầu tiên sau sáu tháng, ngành y tế cũng ghi nhận hơn 40,000 người nhiễm mới trong một ngày. Tuy các quy định phòng dịch ở Anh được dỡ bỏ trong tuần tới, Thị trưởng London, ông Sadiq Khan cho biết đeo khẩu trang vẫn là yêu cầu bắt buộc đối với người dân tham gia phương tiện công cộng như xe bus hay tàu lửa.

Nhiều khu vực ở Tây Ban Nha, trong đó có Barcelona, đã chuyển sang áp dụng lệnh giới nghiêm qua đêm. Italy cũng yêu cầu cách ly đối với các công dân từ nước ngoài trở về.

Mỹ tuy là một trong những quốc gia có tỉ lệ chích ngừa cao nhất trên thế giới nhưng hiện nay mỗi ngày cũng có hàng chục ngàn ca nhiễm mới, tăng 50% so với tháng trước. Tuy vậy, số người chết đang có xu hướng giảm. Los Angeles County là quận hạt đông dân nhất nước, vào ngày 13 Tháng Bảy, là ngày thứ năm liên tiếp có hơn 1,000 ca nhiễm mới.

NEW covid main graphic 0714

Tăng tốc chích ngừa để đối phó dịch bệnh

Sau các chiến dịch chích ngừa diễn ra trong vòng bảy tháng qua, số ca tử vong trên toàn cầu có giảm đáng kể, xuống còn khoảng 7,900 trường hợp mỗi ngày. Trước đó, theo số liệu của đại học John Hopkins University, vào Tháng Giêng, có ngày COVID-19 cướp đi mạng sống của 18,000 người trên toàn thế giới.

WHO cho biết nhiều quốc gia hiện phải đối mặt với “áp lực đáng kể” nếu muốn dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch. WHO cũng cảnh báo nếu không thực hiện đúng cách, động thái trên sẽ tạo cơ hội cho coronavirus lây lan mạnh hơn.

Hiện nay các quốc gia đang tăng tốc việc chích ngừa để đối phó sự bùng phát của đại dịch. Riêng tại Mỹ, giới trẻ đang tỏ ra ít quan tâm đến việc chích vắc-xin. Toàn quốc chỉ mới đạt 55% dân số đi chích ngừa, thay vì 70% như Tổng Thống Biden đặt ra cho mốc ngày Lễ Độc Lập 4 Tháng Bảy. Chính quyền một số tiểu bang phải áp dụng các biện pháp để khuyến khích người dân đi chích ngừa.

Nhưng số liệu trên toàn thế giới của Our World in Data cho thấy mới chỉ có 25.6% dân số thế giới được chích vắc-xin Covid-19 mũi thứ nhất. Tệ hơn, tại các nước thu nhập thấp, mới chỉ có 1% người dân được chích liều đầu tiên. Một tỉ lệ rất thấp và hoàn toàn bất lợi cho việc đẩy lùi “bóng ma COVID-19” đang vây quanh, ám ảnh toàn địa cầu. (SGN)