‘Bộ Tứ’ trở thành trọng tâm trong chiến lược châu Á của Mỹ
Cuộc họp thượng đỉnh giữa lãnh đạo của Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia cho thấy sự quyết tâm của ông Biden trong việc đưa “Bộ Tứ” thành trọng tâm trong chính sách châu Á.
Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa các nhà lãnh đạo của Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia vào ngày 12/3 cho thế giới thấy một tập hợp mới gồm các quốc gia cùng chí hướng đã xuất hiện trên trường quốc tế.
Đây là cuộc họp đầu tiên giữa lãnh đạo cao nhất của 4 quốc gia trong một liên minh được gọi là “Bộ Tứ”. Cuộc họp này là bước quan trọng nhằm củng cố quan hệ đối tác giữa các nền dân chủ đối trọng với Trung Quốc, Washington Post nhận định.
Tổng thống Joe Biden đang dựa trên những nỗ lực của chính quyền tiền nhiệm nhằm củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược trong khi xây dựng chính sách đối với Trung Quốc. Các chuyên gia cho rằng việc ông Biden thúc đẩy cuộc họp thượng đỉnh trên không lâu sau khi nhậm chức báo hiệu “Bộ Tứ” sẽ trở thành trọng tâm trong chiến lược của Mỹ ở châu Á.
“Một điều chắc chắn là chủ trương này được lưỡng đảng ủng hộ. Cả ý tưởng ‘Bộ Tứ’, cũng như việc khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nên được xem xét trên quan điểm chung, đã vượt qua ranh giới đảng phái”, Sameer Lalwani, chuyên gia tại Trung tâm Stimon, người đã nghiên cứu về “Bộ Tứ”, nói với Washington Post. “Đó là tín hiệu quan trọng cho thấy chính quyền Biden đang thúc đẩy điều này”.
Thông điệp ẩn giấu
Mỗi quốc gia “Bộ Tứ” đều có mối quan hệ phức tạp với Trung Quốc và nhóm này không phải là liên minh chính thức. Các nước cũng không trực tiếp cùng nhau nêu ra những hành vi mà họ coi là gây hấn của Trung Quốc. Thay vào đó, “Bộ Tứ” nhấn mạnh mong muốn theo đuổi “tầm nhìn tích cực” cho khu vực.
Tuy nhiên, đối phó với Trung Quốc vẫn là hàm ý quan trọng trong cuộc họp của “Bộ Tứ”. Các chuyên gia nhận định việc xây dựng quan hệ đối tác của nhóm này sẽ rất quan trọng trong chiến lược của ông Biden nhằm duy trì sự cứng rắn với Trung Quốc.
“Thông điệp ẩn giấu là họ có thiện chí và quyết tâm làm việc cùng nhau về vấn đề Trung Quốc, ngay cả khi họ không đề cập đến Trung Quốc trong các tuyên bố của mình”, Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại Rand Corp, cho biết.
Cho đến nay, hoạt động của “Bộ Tứ” bao gồm các cuộc họp của quan chức cấp cao, cũng như một cuộc tập trận hải quân chung vào tháng 11/2020.
Ngày 12/3, bốn quốc gia đã cam kết hợp tác sản xuất và cung cấp tới 1 tỷ liều vaccine Covid-19 khắp Đông Nam Á và những nơi khác vào cuối năm tới. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cùng ngày cho biết vaccine sẽ do Ấn Độ sản xuất, với sự tài trợ thêm từ Mỹ và Nhật Bản. Số vaccine này sẽ được phân phối với sự hỗ trợ hậu cần từ Australia.
Thông báo trên đánh dấu bước tiến quan trọng, cho thấy rằng “Bộ Tứ” có thể “đi từ tham vấn và điều phối sang hợp tác tích cực theo những cách mà chúng ta có thể thấy”, Tanvi Madan, giám đốc Dự án Ấn Độ tại Viện Brookings, cho biết.
Cam kết sản xuất vaccine “nhằm cho thấy liên minh này có thể cung cấp hàng hóa quan trọng cho Đông Nam Á, vốn giúp nâng cao ảnh hưởng chính trị của họ trong khu vực”, ông Lalwani nói.
Trong khi đó, Trung Quốc đang cung cấp vaccine miễn phí trong khu vực.
Động lực mới của “Bộ Tứ”
Khái niệm “Bộ Tứ” có từ năm 2004, khi hải quân 4 quốc gia Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia cùng nhau nỗ lực cứu trợ thảm họa giữa sau trận động đất và sóng thần ở Ấn Độ Dương.
Các quan chức của 4 nước gặp nhau lần đầu tiên vào năm 2007 để tạo tiền đề cho sự hợp tác trong tương lai. Song, sáng kiến này nhanh chóng bị phá vỡ sau những thay đổi về lãnh đạo.
Thủ tướng mới của Australia lúc đó không mấy mặn mà với ý tưởng này và cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, một người ủng hộ “Bộ Tứ” mạnh mẽ, thất cử.
Bốn quốc gia đều là cường quốc hàng hải có lợi ích chung trong một “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
Và quan hệ của 4 quốc gia này với Trung Quốc trong những năm gần đây có chiều hướng xấu đi, trong một số trường hợp dẫn đến xung đột nghiêm trọng. Điều này, tạo ra động lực hợp tác mới cho “Bộ Tứ”.
“Nếu Trung Quốc không thách thức trật tự dựa trên thượng tôn pháp luật trong khu vực, tôi không chắc ‘Bộ Tứ’ sẽ tồn tại, ít nhất là không phải dưới hình thức này hoặc với mức độ khẩn cấp như hiện tại”, bà Madan nói với Washington Post.
Trung Quốc tỏ rõ thái độ không ưa ý tưởng về một nhóm mới và xem các cuộc họp của “Bộ Tứ” là một nỗ lực để nhằm vào nước này.
Vào năm 2018, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói ý tưởng “Bộ Tứ” và một khu vực “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” có thể gây chú ý, nhưng sẽ tan biến “như bọt biển”.
Đến năm 2020, ông Vương nói nhóm này là một phần trong nỗ lực tạo ra “NATO châu Á”, có thể gây mất ổn định an ninh khu vực.
Nhân tố Ấn Độ
Washington Post nhận định “Bộ Tứ” còn xa mới trở thành một NATO châu Á và nhóm này vẫn phải đối mặt với sự hoài nghi về khả năng của mình. Đặc biệt, một số chuyên gia đặt câu hỏi liệu 4 nước có thể duy trì mặt trận thống nhất ngay cả khi mỗi nước theo đuổi cách tiếp cận riêng với Trung Quốc hay không.
Hội nghị thượng đỉnh ngày 12/3 đánh dấu sự khởi đầu của một quá trình mới.
“Họ đã hoàn thành phần ý tưởng, giờ họ cần phải đặt ra mục tiêu hoạt động của nhóm”, Shivshankar Menon, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia của Ấn Độ, cho biết.
Chuyên gia Menon nói vấn đề cốt lõi để thống nhất “Bộ Tứ” là an ninh hàng hải ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Vấn đề này sẽ bao gồm các cuộc tập trận hải quân chung, cứu trợ thảm họa, nỗ lực chống cướp biển và các sáng kiến về môi trường.
Trong ngày 12/3, các nhà lãnh đạo không trực tiếp thảo luận về mối đe dọa từ các hoạt động trên biển của Trung Quốc.
Lập trường của Ấn Độ sẽ là yếu tố chính quyết định tương lai của “Bộ Tứ” vì Nhật Bản và Australia là đồng minh chính thức của Mỹ. Ấn Độ đã cố gắng duy trì sự độc lập chiến lược ngay cả khi nước này tăng cường hợp tác với Mỹ trong những năm gần đây.
Trong năm qua, mối quan hệ của Ấn Độ với Trung Quốc có bước chuyển biến mạnh mẽ theo chiều hướng xấu đi. Vào tháng 6/2020, binh lính hai bên đụng độ tại biên giới chung khiến 20 lính Ấn Độ và 4 lính Trung Quốc thiệt mạng, Washington Post cho biết.
Sau đó, hai nước đưa hàng chục nghìn quân đến biên giới ở khu vực miền núi Ladakh, tạo ra tình thế đối đầu nguy hiểm, mặc dù binh lính đã rút lui một phần ở vài khu vực.
Vijay Gokhale, Ngoại trưởng Ấn Độ vừa nghỉ hưu và từng là đại sứ tại Bắc Kinh, trong tuần này viết rằng cuộc đụng độ ở biên giới đánh dấu “sự đi xuống trong mối quan hệ dài 70 năm giữa các quốc gia lớn nhất châu Á thời hiện đại”.
“Ngay cả các quan chức hoặc nhà phân tích ôn hòa nhất ở Ấn Độ giờ đây cũng nhận ra họ phải xem xét nghiêm túc mối đe dọa từ Trung Quốc”, chuyên gia Grossman của Rand Corp cho biết. “Tôi nghĩ Ấn Độ đã đi được một chặng đường dài, và bây giờ, Ấn Độ cũng là một mắt xích chặt chẽ như ba quốc gia còn lại trong nhóm”.
Tại cuộc họp ngày 12/3, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bày tỏ cam kết với mối quan hệ đối tác. Nhà lãnh đạo này gọi “Bộ Tứ” là “lực lượng vì lợi ích toàn cầu”.
“Cuộc họp thượng đỉnh hôm nay cho thấy ‘Bộ Tứ’ đã đến tuổi trưởng thành. Giờ đây, nó sẽ là một trụ cột quan trọng của sự ổn định trong khu vực”, ông Modi phát biểu. (Z/N)