Sunday, November 3, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Biến thể COVID-19 mới Lambda nguy hiểm đến đâu, có kháng được vắc-xin hay không?

Một nhóm các nhà khoa học Brazil đã đề nghị WHO nâng Lambda lên một bậc trong thang phân loại, trở thành biến thể “đáng lo ngại” thay vì chỉ là biến thể “cần quan tâm” như hiện nay.

Úc đã phát hiện ca Covid-19 đầu tiên mắc chủng Lambda, trở thành quốc gia thứ 31 ghi nhận chủng virus nguy hiểm này. Lambda lần đầu được phát hiện ở Peru vào mùa hè năm ngoái và nó đang nhanh chóng lây lan và hiện chiếm 81% số ca nhiễm mới Covid-19 tại quốc gia Nam Mỹ.

Một biến thể virus SARS-CoV-2 từng đứng cuối cùng trong danh sách cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bây giờ lại trở thành mối quan tâm hàng đầu của các nhà khoa học và chuyên gia dịch tễ: Lambda.

Còn được gọi bằng tên mã C.37, biến thể Lambda được xác định lần đầu tiên tại Peru vào tháng 8 năm ngoái –nơi nó đang chiếm tuyệt đại đa số và gây ra tới 82% các trường hợp nhiễm COVID-19.

Kể từ đó tới nay, hơn 30 quốc gia trên thế giới, bao gồm 7 quốc gia Mỹ Latinh đã ghi nhận sự gia tăng nhanh chóng số trường hợp nhiễm biến thể Lambda. Vậy biến thể COVID-19 mới này nguy hiểm đến đâu? Dưới đây là những thông tin cập nhật nhất mà các nhà khoa học có được về nó.

Biến thể COVID-19 mới Lambda: Nó nguy hiểm đến đâu, có kháng được vắc-xin hay không? - Ảnh 1.

1. Nghiên cứu ở Peru và Chile cảnh báo Lambda lây lan nhanh hơn các biến thể khác, và nó kháng vắc-xin

Nhà virus học Pablo Tsukayama và các đồng nghiệp của ông tại Đại học Cayetano Heredia thủ đô Lima, Peru là những người đầu tiên xác định được biến thể Lambda dựa trên phân tích bộ gen của nó.

Trong một nghiên cứu mới công bố trên nền tảng xuất bản online Medrxiv, Tsukayama cho biết biến thể Lambda có tốc độ lây lan nhanh hơn so với Alpha (biến thể Anh) và Gamma (biến thể Nam Phi) vốn cũng đang tràn lan ở Nam Mỹ.

“Tháng 12 năm ngoái, chúng tôi chỉ ghi nhận 200 ca nhiễm biến thể Lambda. Nhưng tới cuối tháng 3, nó đã chiếm một nửa trong tổng số mẫu được lấy ở thủ đô Lima. Bây giờ, nghĩa là chỉ 3 tháng sau, chúng tôi nghi ngờ hơn 80% tổng số ca nhiễm COVID-19 trên toàn quốc là từ Lambda. Nó đã trở thành biến thể thống trị Peru trong một thời gian rất ngắn“, ông nói.

Theo Tsukayama, sự lây lan mạnh mẽ này có thể xuất phát từ bản chất của biến thể mới. Một loạt các quốc gia láng giềng bao gồm Chile, Argentina, Brazil, Colombia, Ecuador và Mexico cũng chứng kiến làn sóng gia tăng tỷ lệ mắc biến thể Lambda.

Ở Chile, cứ ba ca mắc COVID-19 thì có một ca nhiễm biến thể này. Các nhà khoa học tại nước này cũng xác nhận Lambda lây lan nhanh hơn so với biến thể Alpha và Gamma.

Biến thể COVID-19 mới Lambda: Nó nguy hiểm đến đâu, có kháng được vắc-xin hay không? - Ảnh 2.

Thậm chí, một nghiên cứu của Đại học Chile cho biết biến thể Lambda có thể kháng vắc-xin Sinovax do Trung Quốc sản xuất. Sau khi theo dõi một nhóm nhân viên y tế địa phương đã được tiêm đủ cả 2 liều vắc-xin Sinovax, họ vẫn thấy tỷ lệ nhiễm bệnh đáng kể.

Dữ liệu của chúng tôi lần đầu tiên cho thấy các đột biến xảy ra trong protein của biến thể Lambda tạo ra khả năng trung hòa kháng thể và giúp nó tăng khả năng lây nhiễm“, các nhà khoa học Chile viết trên nghiên cứu mới công bố trên Medrxiv.

2. Peru đang chứng kiến tỷ lệ tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới

Tới thời điểm này chưa có nghiên cứu nào so sánh độc lực của biến thể COVID-19 mới Lambda với các biến thể khác lưu hành trước đó. Nhưng nghi ngờ về sự nguy hiểm của Lambda vẫn được đặt ra dựa trên thực tế: Peru đang là nước có tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới.

Tính đến ngày 5/7, cứ 100,000 người ở Peru thì có 586 người tử vong vì COVID-19. Con số cao gần gấp đôi so với Hungary, quốc gia đứng vị trí thứ hai ngay sau họ, với tỷ lệ tử vong vì COVID-19 là 310.5/100,000 dân.

Biến thể COVID-19 mới Lambda: Nó nguy hiểm đến đâu, có kháng được vắc-xin hay không? - Ảnh 3.

Các nhà khoa học cho biết hiện họ chưa có dữ liệu để so sánh về độc lực của Lambda so với các biến thể SARS-CoV-2 khác, nhưng công việc đang được tiến hành để điều tra khả năng này.

3. Lambda có tới 6 đột biến “bất thường” trên protein gai

Tại Anh, quốc gia mới đây đã ghi nhận hàng chục ca nhiễm biến thể Lambda mới, Jeff Barrett, giám đốc Chương trình Sáng kiến Gen COVID-19 tại Viện Wellcome Sanger cho biết:

Có một lý do tại sao các dữ liệu tính toán và dữ liệu từ phòng thí nghiệm tới thời điểm này vẫn chưa giúp chúng ta hiểu được mối đe dọa thực sự từ Lambda, đó là vì nó có một loạt các đột biến bất thường so với các biến thể COVID-19 khác”.

Nghiên cứu của Tsukayama và các đồng nghiệp ở Peru cho thấy Lambda chỉ có một đột biến mất đoạn trong gen ORF1a giống với biến thể Alpha, Beta và Gamma. Còn lại, nó có tới 6 đột biến không giống bất kỳ biến thể nào trên protein gai –thứ mà virus SARS-CoV-2 dùng để lây nhiễm.

Biến thể COVID-19 mới Lambda: Nó nguy hiểm đến đâu, có kháng được vắc-xin hay không? - Ảnh 4.

Các đột biến này bao gồm G75V, T76I, D614G, L452Q, F490S và T859N. Trong số này, đột biến L452Q khá giống với đột biến L452R trên biến thể Delta, chịu trách nhiệm cho khả năng lây lan mạnh của biến thể này.

Đột biến F490S có liên quan đến việc giảm tính nhạy cảm khi trung hòa kháng thể -một dấu hiệu cho thấy nó có thể kháng vắc-xin hoặc phương pháp điều trị.

4. Nghiên cứu tại Mỹ gợi ý vắc-xin mRNA vẫn có tác dụng với biến thể Lambda

Trong một nghiên cứu mới đăng trên nền tảng bioRxiv, các nhà khoa học tại Trường Y Grosman, Đại học New York cho biết: Khác với lo ngại rằng Lambda có thể kháng được vắc-xin Sinovax của Trung Quốc, các loại vắc-xin sử dụng công nghệ mRNA như của Moderna và Pfizer nhiều khả năng vẫn có thể bảo vệ người tiêm trước biến thể này.

Trong khi Lambda thể hiện khả năng hơi kháng với kháng thể đơn dòng REGN10987, nó đã bị trung hòa tốt bởi hỗn hợp kháng thể này với REGN10933“, các nhà nghiên cứu viết. Khả năng trung hòa kháng thể này đại diện cho mức độ đáp ứng với các loại vắc-xin mRNA tạo ra kháng thể đó.

Các nhà khoa học cho biết công nghệ vắc-xin mRNA cho hiệu quả hơn nhiều so với vắc-xin sử dụng virus bất hoạt như Sinovax của Trung Quốc. Nhiều biến thể của SARS-CoV-2 đến nay đã kháng được vắc-xin Sinovax, nhưng nó không thể kháng lại vắc-xin mRNA của Moderna và Pfizer hay vắc-xin protein của AstraZeneca.

Biến thể COVID-19 mới Lambda: Nó nguy hiểm đến đâu, có kháng được vắc-xin hay không? - Ảnh 5.

5. Tổ chức Y tế Thế giới nói gì về biến thể mới Lambda?

Trước những báo cáo mới về biến thể mới đang lưu hành ở Nam Mỹ, một nhóm các nhà khoa học Brazil đã đề nghị WHO nâng Lambda lên một bậc trong thang phân loại, trở thành biến thể “đáng lo ngại” thay vì chỉ là biến thể “cần quan tâm” như hiện nay.

Tuy nhiên, đại diện WHO, nhà virus học Jairo Mendez-Rico cho biết: “Cho đến nay, chúng tôi chưa thấy dấu hiệu nào thể hiện biến thể Lambda hung hãn hơn các biến thể khác. Có thể nó gây ra tỷ lệ lây nhiễm cao hơn, nhưng chúng tôi chưa đủ dữ liệu tin cậy để so sánh nó với Gamma hoặc Delta”.

“Mặc dù là một khả năng có thể xảy ra, nhưng hiện tại không có dấu hiệu nào cho thấy các biến thể COVID-19 là nguy hiểm hơn và làm tăng tỷ lệ tử vong. Có khả năng SARS-CoV-2 sẽ ngày một lây truyền dễ dàng hơn trong suốt quá trình tiến hóa của nó, nhưng điều này không nhất thiết gây hại cho vật chủ”, Mendez-Rico nói.

Biến thể COVID-19 mới Lambda: Nó nguy hiểm đến đâu, có kháng được vắc-xin hay không? - Ảnh 6.
Biến thể COVID-19 mới Lambda: Nó nguy hiểm đến đâu, có kháng được vắc-xin hay không? - Ảnh 7.
Lambda được xếp cuối bảng trong danh sách các biến thể COVID-19 đáng lo ngại và cần quan tâm.

Trên thực tế, các nghiên cứu về biến thể Lambda mới được đăng trên những nền tảng xuất bản mở online và chưa được bình duyệt – một tiêu chuẩn vàng trong đó kết quả của nghiên cứu được xem xét bởi cộng đồng khoa học. Do đó, WHO có lý do để chưa nâng cấp biến thể này thành một biến thể đáng lo ngại.

Các nhà khoa học cho biết họ sẽ tiếp tục để mắt đến Lambda trong tương lai, thu thập thêm bằng chứng để tìm hiểu biến thể này thực sự nguy hiểm đến đâu? (G/K)