Tuesday, November 5, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Bê bối công ty dược đóng gói lại tăm bông COVID-19 đã qua sử dụng

Kimia Farma –một công ty dược phẩm quốc doanh Indonesia –bị cáo buộc rửa và đóng gói tăm bông đã qua sử dụng tại sân bay thành phố Medan.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế dùng tăm bông xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại thủ đô Jakarta. (Hình AP)

Theo SCMP, một cặp luật sư Indonesia đang lên kế hoạch kiện công ty dược phẩm quốc doanh Kimia Farma sau khi phát hiện công ty này đã đóng gói lại tăm bông mũi dùng trong xét nghiệm COVID-19 đã qua sử dụng.

Tuần trước, cảnh sát đã bắt giữ 5 nhân viên tại Kimia Farma, bao gồm giám đốc kinh doanh chi nhánh Medan, liên quan đến việc rửa và đóng gói tăm bông cotton ở văn phòng chính trong thành phố, sau đó chuyển hàng tới sân bay quốc tế Kualanamu.

Indonesia quy định hành khách trước khi lên máy bay phải được xác nhận âm tính với COVID-19. Nhiều hành khách đã lựa chọn quy trình xét nghiệm ngay tại sân bay thay vì tới các cơ sở y tế hay bệnh viện địa phương nhằm tiết kiệm thời gian.

Kimia Farma, một công ty chuyên sản xuất các thiết bị y tế với doanh thu hàng năm rơi vào khoảng 650 triệu USD, trở thành nhà cung cấp xét nghiệm COVID-19 cho sân bay Kualanamu.

Cảnh sát địa phương cho biết vụ lừa đảo được đem ra ánh sáng sau khi một đặc vụ ngầm làm xét nghiệm tại sân bay Kualanamu và nhận được kết quả dương tính giả. Sau đó, viên cảnh sát kiểm tra lại và có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2.

Gần như mỗi tuần từ tháng 12/2020 đến tháng 2/2021, hai luật sư nhân quyền Ranto Sibarani và Kamal Pane đều phải bay từ Medan tới thủ đô Jakarta. Họ trở thành khách hàng thường xuyên tại sân bay quốc tế Kualanamu và liên tục được xét nghiệm COVID-19.

Sibarani cho biết trong khoảng thời gian đó, anh đã có tới trên 10 lần xét nghiệm COVID-19 và nghi ngờ có điều gì đó không ổn ngay từ đầu. “Đó là một trải nghiệm tồi tệ vì họ chọc tăm bông quá sâu và khăng khăng yêu cầu ngoáy mũi của tôi nhiều lần, đến mức tôi phải kêu lên rằng quy trình không hề chuyên nghiệp. Tôi nghi rằng lý do họ phải chọc mũi tôi nhiều lần và thọc cực sâu như vậy vì họ đã dùng các đầu tăm bông đã qua sử dụng được rửa sạch. Những tăm bông đó khiến quy trình xét nghiệm trở nên khó khăn hơn. Tôi cảm giác như mình là nạn nhân của một vụ lừa đảo vậy”, Sibarani chia sẻ.

Hai luật sư dự định sẽ đòi bồi thường từ công ty dược phẩm Kimia Farma 69,000 USD cho mỗi hành khách bị ảnh hưởng.

Phát biểu trước phóng viên, cảnh sát trưởng Medan ông Panca Putra Simanjuntak cho hay đã có ít nhất 9,000 hành khách trở thành nạn nhân của những bộ xét nghiệm nhanh được dùng lại này. Mỗi ngày tại sân bay có từ 100 đến 200 hành khách được xét nghiệm COVID-19.

Theo cảnh sát trưởng Simanjuntak, động cơ đằng sau vụ lừa đảo này xuất phát từ lợi ích tài chính. Kimia Farma tính phí 14 USD cho một lần xét nghiệm. Như vậy, các nhân viên của Kimia Farma đã bỏ túi 125,000 USD từ giữa tháng 12 năm ngoái. Lực lượng chức năng cũng thu giữ được hơn 10,000 USD tiền mặt trong khi tiến hành bắt giữ các đối tượng.

Về phần mình, đại diện sân bay Kualanamu cho biết họ không hề biết về việc công ty dược phẩm đã cung cấp những que tăm bông đã qua sử dụng.

“Chúng tôi không biết chuyện đó và không thể tin rằng lại có người làm những chuyện tồi tệ như vậy. Các hãng hàng không tin tưởng sân bay Kualanamu hỗ trợ xét nghiệm COVID-19 nhưng sự việc đã vượt khỏi tầm kiểm soát. Chúng tôi đang tìm kiếm các nhà cung cấp khác để đảm bảo an toàn cho hành khách”, một quan chức sân bay giấu tên cho hay, khẳng định sân bay vẫn hoạt động bình thường sau khi tin tức được công bố. Chỉ có cơ sở xét nghiệm của Kimia Farma đặt tại sân bay đã bị đóng cửa và cảnh sát phong tỏa.

Tính đến sáng 5/5, Indonesia ghi nhận gần 1.7 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có ít nhất 46,000 trường hợp tử vong. Theo số liệu của Bộ Y tế Indonesia, trong khi quy trình xét nghiệm COVID-19 tại các sân bay là bắt buộc, thì việc xét nghiệm cộng đồng và truy tìm dấu tiếp xúc là rất thấp, với chỉ chưa đầy 10 triệu người trong tổng số hơn 260 triệu dân được xét nghiệm nhanh kháng nguyên. (TinTuc)