Friday, April 26, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Bất chấp TQ phản đối: Mỹ đồng ý chia sẻ tuyệt mật chế tạo tàu ngầm hạt nhân với Úc


Các nhà lãnh đạo của Mỹ, Anh và Úc ngày Thứ Hai 13/3 (giờ địa phương) đã công bố thêm chi tiết về việc Úc mua tàu ngầm hạt nhân theo thỏa thuận an ninh AUKUS.

Tổng Thống Joe Biden (giữa) cùng ông Anthony Albanese (trái), thủ tướng Úc, và ông Rishi Sunak, thủ tướng Anh. Hình Getty

Theo thỏa thuận AUKUS nhằm duy trì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, Úc sẽ mua 3 tàu ngầm hạt nhân của Mỹ.

Úc cũng sẽ có tùy chọn mua thêm 2 tàu ngầm hạt nhân sau thỏa thuận ban đầu, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Thủ tướng Úc Anthony Albanese cho biết trong một tuyên bố chung ngày 13/3 tại căn cứ Hải quân Loma ở San Diego, California, Mỹ.

Thỏa thuận cũng bao gồm cam kết hợp tác xây dựng năng lực trí tuệ nhân tạo, vũ khí siêu thanh và các công nghệ tiên tiến khác.

Với thỏa thuận này, Úc sẽ trở thành nước thứ 7 sở hữu tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, sau Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Ấn Độ.

Từ trái qua: Thủ tướng Úc Anthony Albanese, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Rishi Sunak trong họp báo sau hội nghị thượng đỉnh AUKUS, ngày 13/3/2023 tại San Diego, California. Hình Getty

Đây cũng sẽ là lần đầu tiên sau hơn 60 năm, Mỹ chia sẻ công nghệ đẩy hạt nhân (nuclear propulsion) sau khi chia sẻ nó với Anh vào giữa thế kỷ trước.

Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh các tàu ngầm này sẽ chạy bằng năng lượng hạt nhân, không phải trang bị vũ khí hạt nhân: “Những chiếc tàu này sẽ không gắn có bất kỳ loại vũ khí hạt nhân nào”, ông nói.

Ông Biden gọi đây là “một bước ngoặt trong lịch sử, nỗ lực tăng cường khả năng răn đe và thúc đẩy ổn định sẽ ảnh hưởng đến triển vọng hòa bình trong nhiều thập kỷ tới”.

“Tôi tự hào khi cùng trên một chiếc thuyền với các ông”, ông Biden nói với Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Thủ tướng Úc Anthony Albanese.

Hình ảnh tại họp báo.

Về phần mình, Thủ tướng Úc Albanese lưu ý rằng đây là “lần đầu tiên sau 65 năm và lần thứ hai trong lịch sử Mỹ chia sẻ công nghệ đẩy hạt nhân của mình và Úc cảm ơn bạn vì điều đó”.

Thủ tướng Úc Anthony Albanese cho biết Úc sẽ chế tạo 8 tàu ngầm SSN AUKUS tại đất nước mình.

Thủ tướng Úc Albanese khẳng định việc trang bị tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân là để củng cố an ninh quốc gia, nâng cao khả năng phòng thủ và bảo đảm sự ổn định trong khu vực.

“Thỏa thuận AUKUS chúng tôi xác lập ngày hôm nay tại San Diego là khoản đầu tư lớn nhất vào năng lực quốc phòng của Úc từ trước cho đến nay nhằm củng cố an ninh quốc gia và sự ổn định trong khu vực, xây dựng tương lai cho ngành chế tạo tại Úc với khoản đầu tư kỷ lục cho kỹ năng, việc làm, hạ tầng cơ sở để gia tăng năng lực phòng thủ trong tương lai. Chính phủ của tôi quyết tâm đầu tư vào khả năng phòng thủ của đất nước đồng thời cũng quyết tâm thúc đẩy an ninh bằng cách đầu tư vào các mối quan hệ trong khu vực”, Thủ tướng Úc Albanese nhấn mạnh.

3 Nhà lãnh đạo Mỹ, Anh, Úc thảo luận trong ngày 13/3. Hình Reuters

Trong khi đó, ông Sunak chỉ ra những thách thức ngày càng tăng “như cuộc chiến tại Ukraine, sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc và hành vi gây bất ổn của Iran và Triều Tiên”.

Phía Bắc Kinh đã nhiều lần cáo buộc bộ ba AUKUS áp dụng “Tâm lý Chiến tranh Lạnh”, có nguy cơ làm leo thang căng thẳng trong khu vực. Trung Quốc lập luận rằng AUKUS có nguy cơ gây ra một cuộc chạy đua vũ trang và vi phạm Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Trả lời báo giới hồi cuối tuần qua, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã bác bỏ những lo ngại của Trung Quốc và chỉ ra việc Bắc Kinh cũng đang tăng cường quân sự, bao gồm cả tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Thương vụ được công bố ngày 13/3 là một phần trong kế hoạch dài hạn, nhiều giai đoạn nhằm đưa Úc trở thành đối tác đầy đủ trong việc bảo vệ công nghệ hạt nhân tuyệt mật của Mỹ, trước nay chỉ được chia sẻ với Anh.

Ngày 13 Tháng Ba, từ Washington DC, ông Biden bay tới San Diego để hội đàm với ông Anthony Albanese, thủ tướng Úc và ông Rishi Sunak, thủ tướng Anh, về chương trình hợp tác nguyên tử viết tắt là AUKUS

Vào “đầu những năm 2030” và khi được Quốc hội Mỹ phê duyệt, Washington sẽ bán 3 tàu ngầm lớp Virginia, trị giá ước tính 3 tỷ USD mỗi chiếc, cho Úc, theo kế hoạch được 3 nước công bố.

Trong khi đó, Úc và Anh sẽ bắt đầu chế tạo một mẫu tàu ngầm mới với sự hỗ trợ và công nghệ của Mỹ, trong đó Anh dự kiến sẽ giao tàu ngầm hạt nhân tự chế đầu tiên vào cuối những năm 2030. Úc sẽ giao những tàu mới này cho hải quân vào đầu những năm 2040.

Mặc dù phải mất nhiều năm để thực hiện đầy đủ, nhưng thỏa thuận này đánh dấu một bước chuyển mình đầy tham vọng đối với 3 quốc gia đồng minh.

Sự tham gia của Úc vào AUKUS đã gây ra một cuộc tranh cãi gay gắt với Pháp sau khi Canberra rút khỏi thỏa thuận trước đó nhằm thay thế hạm đội tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel già cỗi của nước này bằng các tàu phi hạt nhân trị giá 66 tỷ USD của Pháp.

So với các tàu ngầm lớp Collins mà Úc mới cho “nghỉ hưu”, lớp Virginia dài gần gấp đôi và chở được thủy thủ đoàn nhiều hơn gần gấp ba lần, với sức chứa 132 người trên tàu. Các tàu của Mỹ cũng có thể chìm dưới nước gần như vô thời hạn và phóng tên lửa hành trình.

AUKUS chính thức ra mắt vào 16/09/2021. Vào thời điểm đó, liên minh tuyên bố sẽ tập hợp nguồn lực trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo và khả năng tấn công tầm xa. Mỹ và Anh trong khi đó đang chia sẻ công nghệ để đóng một hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho lực lượng Hải quân Hoàng gia Úc. (T/H)