Báo Úc: Phòng thí nghiệm Vũ Hán cầu cứu Mỹ, thân phận người cầu viện không tầm thường
Hơn 300 trang email được giải mật cho thấy phòng thí nghiệm Vũ Hán từng cầu cứu sự giúp đỡ từ phía Mỹ –theo báo Daily Telegraph (Úc).
Sau khi Mỹ, Úc và một số quốc gia khác yêu cầu điều tra về khả năng virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ các phòng thí nghiệm, truyền thông Úc mới đây tiết lộ nội dung hơn 300 trang email được giải mật cho thấy một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, Trung Quốc, đã yêu cầu phía Mỹ giúp đỡ về vấn đề khử trùng và diệt khuẩn.
Báo Daily Telegraph của Úc ngày 13/7 tiết lộ nội dung các email trao đổi giữa Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ (NIAID) và phòng thí nghiệm Vũ Hán, cho thấy phòng thí nghiệm này đề nghị phía Mỹ hỗ trợ về khả năng xảy ra vấn đề rò rỉ phòng thí nghiệm.
Hơn 300 trang email từ phòng thí nghiệm Vũ Hán và NIAID đã được giải mật bởi tổ chức giám sát chính phủ Judicial Watch, có trụ sở tại Washington.
Nội dung các email cho thấy, NIAID và phòng thí nghiệm Vũ Hán đang hợp tác chặt chẽ về kinh phí và công nghệ, đồng thời tài trợ 9 lần cho các thành viên của chương trình coHealth Alliance – tham gia vào các đề tài nghiên cứu liên quan đến lây nhiễm virus corona từ dơi ở Trung Quốc.
Đáng chú ý, số tài liệu rò rỉ cho thấy vào năm 2016, phòng thí nghiệm Vũ Hán từng nhờ đến sự giúp đỡ từ các đối tác Mỹ để giải quyết các vấn đề khử trùng và diệt khuẩn của quần áo làm việc trong phòng thí nghiệm và bề mặt khu vực làm việc.
Daily Telegraph nhấn mạnh, chủ đề của bức thư điện tử này là “xin giúp đỡ” và được ký tên bởi Viên Chí Minh – Viện trưởng Phân viện Vũ Hán thuộc Viện Khoa học Trung Quốc (CAS).
Trong email kể trên, ông Viên yêu cầu các đối tác Mỹ của mình cố vấn về vấn đề khử trùng và diệt khuẩn của Phòng thí nghiệm P4.
Ông Viên lãnh đạo Phân viện Vũ Hán của CAS từ tháng 10/2012. Đến tháng 1 năm nay, ông trở thành thành viên nhóm chuyên gia nghiên cứu khoa học ứng phó khẩn cấp về dịch bệnh Covid-19 sau khi Sở Khoa học Kỹ thuật tỉnh Hồ Bắc khởi động dự án nghiên cứu này.
Phân viện Vũ Hán là cơ sở được thành lập rất sớm của CAS, từ năm 1958. CAS là cơ quan học thuật cao nhất của Trung Quốc về khoa học tự nhiên, nằm dưới sự quản lý của Quốc vụ viện nước này.
Hôm 26/5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh cho các cơ quan tình báo Mỹ “tăng cường nỗ lực” để điều tra nguồn gốc của dịch Covid-19, yêu cầu báo cáo trong vòng 90 ngày và đưa ra kết luận virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ tự nhiên hay từ sự cố rò rỉ trong phòng thí nghiệm.
Các lãnh đạo nhóm G7 vào giữa tháng 6 cũng ra tuyến bố chung thúc giục tổ chức cuộc điều tra giai đoạn 2 về nguồn gốc Covid-19 do Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) dẫn dắt.
Bắc Kinh chỉ trích mạnh mẽ những động thái của Mỹ và phương Tây là chính trị hóa vấn đề nguồn gốc đại dịch.
Trong diễn biến mới nhất, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 15/7 bất ngờ thừa nhận còn quá sớm để loại trừ mối liên hệ giữa Covid-19 và sự cố rò rỉ từ phòng thí nghiệm. Ông cũng yêu cầu Trung Quốc minh bạch hơn khi các nhà khoa học đang cố gắng tìm kiếm nguồn gốc của Covid-19. (Soha)