Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Bạn nên ăn gì trước và sau khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19?

Điều quan trọng là những cuộc thử nghiệm tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đều được thử nghiệm trên những người có chế độ ăn bình thường.

Điều này có nghĩa là vắc-xin đã được chứng minh là có hiệu quả mà không cần thực hiện bất kì một loại thực phẩm hay chế độ dinh dưỡng đặc biệt. Tuy nhiên trước và sau khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 có một số chiến lược ăn uống hợp lý và đơn giản sẽ hỗ trợ tốt cho cơ thể của bạn.

Dưới đây là một số đề nghị liên quan tới chế độ ăn trước và sau khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mà bạn có thể tham khảo:

Bạn nên ăn gì trước và sau khi tiêm vaccine phòng Covid-19? - Ảnh 2.
Uống rượu nhẹ cũng có thể khiến cơ thể rơi vào tình trạng bị mất nước (Hình Internet).

1. Tránh uống rượu trước và sau khi tiêm phòng

Như đã nói trong bài viết Có nên uống rượu trước và sau khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 hay không? thì có một số lý do mà bạn không nên uống nó.

Cụ thể, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh CDC đã chỉ rõ, có một số ít người gặp phải các tác dụng phụ sau khi tiêm vắc-xin bao gồm các triệu chứng như mệt mỏi, đau cơ, nhức đầu, sốt hay buồn nôn.

Vì thế mà ngay cả việc uống rượu nhẹ cũng có thể khiến cơ thể rơi vào tình trạng bị mất nước. Và, từ đó là nghiêm trọng hơn các tác dụng phụ này. Nếu như bạn bị mất nước hoặc cảm thấy cơ thể bị nôn nao, sẽ khó để phân biệt được đâu là mất nước và nôn nao do rượu và đâu là do vắc-xin gây ra.

Ngoài ra, việc uống rượu cũng đã được chứng minh là có thể khiến hệ thống miễn dịch bị căng thẳng. Đặc biệt, đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng nếu uống rượu trong thời gian dài, nhất là với những người nghiện rượu nặng có thể khiến hệ miễn dịch bị suy yếu.

Và, trong khi uống rượu có thể khiến bạn “dễ dàng ngủ” hơn nhưng lại tăng nguy cơ bị rối loạn giấc ngủ, chất lượng giấc ngủ suy giảm – đây cũng chính là nguyên nhân khác ảnh hưởng tới hệ thống miễn dịch.

Bạn nên ăn gì trước và sau khi tiêm vaccine phòng Covid-19? - Ảnh 3.
Lưu ý về những gì bạn ăn vào bữa tối hôm trước khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 (Hình Internet).

2. Lưu ý về những gì bạn ăn vào bữa tối hôm trước khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19

Nghỉ ngơi đầy đủ sẽ giúp cho hệ thống miễn dịch được hoạt động tốt nhất. Để tăng cường chất lượng giấc ngủ của bạn thì trước khi tiến hành tiêm chủng, hãy có kế hoạch cho những gì bạn đưa vào cơ thể, đặc biệt là vào bữa tối.

Một nghiên cứu được công bố trên Journal of Clinical Sleep Medicine cho thấy việc ăn quá ít chất xơ và quá nhiều các chất béo bão hòa – đường có thể dẫn tới việc giấc ngủ bị đảo lộn và cơ thể phục hồi kém hơn.

Ngược lại, nếu có chế độ ăn giàu chất xơ sẽ làm tăng chất lượng giấc ngủ, bạn sẽ có giấc ngủ sâu hơn và đi vào giấc ngủ cũng nhanh hơn so với nhóm bên trên.

Nếu muốn ăn trước khi đi ngủ, hãy chọn một vài món ăn nhẹ như trái cây hay ngũ cốc để giảm bớt áp lực cho hệ tiêu hóa. Đồng thời, đừng uống đồ uống có caffein hay có cồn ít nhất 6 giờ trước khi đi ngủ.

Bạn nên ăn gì trước và sau khi tiêm vaccine phòng Covid-19? - Ảnh 4.
Uống đủ nước trước và sau khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 là một nguyên tắc quan trọng để tối đa hóa việc bạn cảm thấy thế nào trước và sau khi tiêm (Hình: Internet).

3. Uống đủ nước

Uống đủ nước trước và sau khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 là một nguyên tắc quan trọng để tối đa hóa việc bạn cảm thấy thế nào trước và sau khi tiêm.

Theo Viện Y học (IOM), phụ nữ cần 2.7 lít tổng lượng chất lỏng mỗi ngày (trên 11 cốc) và nam giới cần 3.7 lít (trên 15 cốc). Khoảng 20% chất lỏng của chúng ta đến từ thức ăn, nhưng vẫn còn 8-12 cốc, dựa trên hướng dẫn của IOM, không bao gồm nhu cầu bổ sung do tập thể dục.

Nếu như bạn không phải là một người thích uống nước lọc thì có thể bổ sung bằng nhiều loại nước khác nhau như nước trái cây, nước canh (súp),…

4. Nói không với các thực phẩm đóng hộp được chế biến sẵn

Các thực phẩm đóng hộp được chế biến sẵn thường chứa nhiều natri, đường và chất béo tổng hợp. Điều này hoàn toàn không tốt và có thể gây suy giảm hệ miễn dịch nếu như bạn ăn quá nhiều.

Thói quen ăn uống khoa học rất quan trọng trong việc ngăn ngừa Covid-19 để tạo một hàng rào miễn dịch khỏe mạnh. Và mặc dù những nghiên cứu về tác động của dinh dưỡng đến việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 vẫn chưa được công bố chính thức nhưng cách tốt nhất để hỗ trợ hệ miễn dịch của bạn sau khi tiêm chủng chính là ưu tiên nhóm thực phẩm giàu chất dinh dưỡng có lợi và kháng viêm.

Bạn nên ăn gì trước và sau khi tiêm vaccine phòng Covid-19? - Ảnh 5.
Ăn uống đầy đủ để phòng tránh ngất xỉu trong buổi tiêm (Hình Internet).

5. Cân bằng dinh dưỡng trước buổi tiêm

Mặc dù ngất xỉu không được liệt kê là một trong các tác dụng phụ phổ biến khi tiêm phòng vắc-xin Covid-19 nhưng theo CDC vẫn có những báo cáo về tình trạng này. Ngất xỉu có thể xảy ra do việc quá lo lắng hay bị đau do vắc-xin gây ra. Vì thế, CDC cho biết, ngoài việc đảm bảo về nguyên tắc ăn uống thì ăn nhẹ và uống nước trước khi tiêm có thể giúp ngăn ngừa tình trạng này.

Lượng đường trong máu thấp cũng có thể là nguyên nhân khiến người tiêm bị ngất xỉu. Như vậy lựa chọn chế độ ăn cân bằng lượng đường trong máu cũng thật sự cần thiết. Chế độ này bao gồm chất xơ, protein nạc, carbs và chất béo lành mạnh. Thực đơn bao gồm những gì sẽ tùy thuộc vào lịch tiêm của bạn vào buổi nào.

6. Ưu tiên thực phẩm dễ tiêu hóa sau khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19

Buồn nôn là một trong những tác dụng phụ có thể gặp sau tiêm chủng. Vì thế mà để giảm bớt áp lực cho hệ tiêu hóa bạn nên chuẩn bị một số món ăn dễ tiêu như súp. Và cần tránh các thức ăn như phô mai, đồ ăn chiên rán, thịt, đồ ngọt, đồ nướng,… Đồng thời nhớ uống đủ nước.

Khi cơn buồn nôn qua đi bạn nên tập trung vào chế độ ăn với các thực phẩm tươi thay vì thực phẩm đóng hộp. Điều này cũng được khuyến khích với những người bị chán ăn sau tiêm phòng.

Kết luận

Các tác dụng phụ sau khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 có thể biến mất trong vài ngày nhưng việc có chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh, uống đủ nước sẽ đem lại các lợi ích sức khỏe lâu dài. Nhất là khi dịch viêm đường hô hấp cấp vẫn còn đang diễn biến ngoài kia. (SKHN)