Sunday, November 3, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Arcturus là gì? Số ca Covid-19 tăng gần 481% tại Đông Nam Á


Theo báo cáo định kỳ hàng tháng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số ca nhiễm Covid-19 đã tăng gần 481% ở Đông Nam Á trong 1 tháng qua.

Biến thể mới xuất hiện tại Ấn Độ khiến số ca mắc mới tại quốc gia này tăng nhanh. Nhiều nơi tại Ấn Độ cũng yêu cầu người dân đeo khẩu trang trở lại.

Tỉ lệ nhiễm, tử vong vì Covid-19 tại Đông Nam Á cao

Báo cáo của WHO cho biết, ở cấp khu vực, số ca mắc mới trong 28 ngày (từ ngày 13/3 đến 9/4), đã giảm ở 4 trong 6 khu vực: châu Phi giảm 45%, Tây Thái Bình Dương giảm 39%, châu Mỹ giảm 33% và châu Âu giảm 22%.

Song con số này lại tăng ở 2 khu vực Đông Nam Á 481% và Đông Địa Trung Hải tăng 144%.

Bên cạnh đó, tỷ lệ mắc bệnh tăng cao nhất được ghi nhận ở Nepal, tăng 1,198% từ 49 lên 636 ca mắc mới. Tại Ấn Độ, số ca mắc mới tăng 937% từ 6,374 lên 66,124 ca và ở Maldives tăng 614% từ 21 lên 636 ca.

Về số ca tử vong liên quan đến Covid-19, ở Đông Nam Á đã tăng 109% và ở khu vực Đông Địa Trung Hải tăng 138% trong giai đoạn trên.

Tuy nhiên, xét trên toàn cầu, tỷ lệ mắc bệnh và tử vong liên quan đến Covid-19 giảm.

Ảnh minh họa
Hình minh họa

Hiện chưa rõ biến thể nào gây tăng số ca nhiễm ở Đông Nam Á nhưng tại Ấn Độ và nhiều quốc gia khác, nguyên nhân chủ yếu liên quan tới XBB.1.16 (hay còn gọi là Arcturus), biến thể của biến chủng Omicron.

Loại biến thể này đã được phát hiện tại hơn 20 nước và hoành hành mạnh tại Ấn Độ.

Arcturus là gì?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đây là loại virus được phát hiện lần đầu tiên vào cuối tháng 1/2023 và là sự tái kết hợp giữa 2 biến thể của biến chủng Omicron là BA.2.10.1 và BA.2.75.

WHO cho rằng, Arcturus có thêm một đột biến ở phần protein gai mà nhiều nghiên cứu ở phòng thí nghiệm chỉ ra đây chính là nguyên nhân làm tăng tỉ lệ lây nhiễm cũng như tăng khả năng gây bệnh.

Biến thể COVID-19 mới không khiến bệnh nặng hơn.

Arcturus có tỉ lệ lây nhiễm cao gần 1.2 lần so với biến thể XBB.1.5, theo nghiên cứu của Đại học Tokyo. Tuy nhiên, biến thể này không được đánh giá nghiêm trọng hơn loại XBB.1.5.

Ngoài làm gia tăng nhanh chóng các ca nhiễm mới, các chuyên gia dịch tễ học nhận thấy các triệu chứng mới chưa từng có trong các đợt dịch trước đó. Đặc biệt là biến thể phụ mới làm lây nhiễm Covid-19 ở trẻ em.

Một số triệu chứng đã được ghi nhận ở biến thể mới này là sốt có chiều hướng tăng dần, kéo dài trong 1-2 ngày, đau đầu, đau người, khó chịu bụng và ngứa rát họng.

Nhiều người bị nhiễm còn có tình trạng viêm kết mạc mắt.

Hình minh họa: Biến thể mới XBB.1.16 chứa đột biến ở protein.

Những nước nào đã ghi nhận biến thể này?

Từ cuối tháng 1 tới nay, biến thể này được phát hiện tại hơn 20 quốc gia bao gồm Singapore, Mỹ, Anh, Canada và Úc. Tính đến thời điểm này, Việt Nam chưa phát hiện có ca nhiễm liên quan tới biến thể XBB.1.6.

Riêng ở Singapore, trong tuần cuối tháng 3, quốc đảo này đã thống kê có 28,410 ca nhiễm, gần gấp đôi so với con số của tuần trước đó là 14,467 ca.

Còn tại Ấn Độ, theo số liệu thống kê ngày 13/4, Bộ Y tế Ấn Độ cho biết, số ca Covid-19 mới trong 24 giờ qua là 10,158 ca.

Làn sóng mới đã khiến ít nhất 2 bang của Ấn Độ phải phát cảnh báo yêu cầu đeo khẩu trang nơi công cộng.

Chẳng hạn ở tiểu bang Haryana (phía Bắc), bắt buộc phải đeo khẩu trang nơi công cộng và ở trường học. Còn ở tiểu bang Kerala phía Nam (một điểm du lịch nổi tiếng), phụ nữ mang thai, người già và những người có bệnh lý nền bắt buộc phải đeo khẩu trang. (T/H, G/T)