Wednesday, December 4, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Ánh sáng ban đêm gây ảnh hưởng sức khỏe tâm thần như thế nào?


Nghiên cứu cho thấy trong số những người tiếp xúc với ánh sáng ở mức cao vào ban đêm, nguy cơ trầm cảm tăng 30%. Còn những người tiếp xúc ánh sáng mức cao vào ban ngày thì nguy cơ trầm cảm giảm 20%.

Con người ngày nay tiếp xúc với quá nhiều ánh sáng điện vào ban đêm. Hình Getty

Việc tiếp xúc nhiều hơn với ánh sáng vào ban đêm có thể làm gia tăng nguy cơ mắc các chứng rối loạn tâm thần, chẳng hạn như lo lắng và rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD).

Đây là kết quả nghiên cứu mới mà các nhà khoa học thuộc Đại học Monash (Úc) công bố trên tạp chí Nature Mental Health.

Theo nghiên cứu được công bố hôm 10/10, các nhà khoa học đã tiến hành phân tích dữ liệu nghiên cứu có quy mô “lớn nhất từ trước đến nay,” với 86,000 người tham gia.

Những nội dung phân tích và so sánh bao gồm mức độ ánh sáng khi ngủ, hình thái giấc ngủ, hoạt động thể chất và sức khỏe tâm thần.

Kết quả cho thấy trong số những người tiếp xúc với ánh sáng ở mức cao vào ban đêm, nguy cơ trầm cảm tăng 30%. Trong khi đó, những người tiếp xúc với ánh sáng ở mức cao vào ban ngày thì nguy cơ trầm cảm giảm 20%.

Dành thời gian ngoài trời có tác động tích cực đến sức khỏe tinh thần của bạn. Hình Nine

Nghiên cứu cũng chỉ ra các kết quả tương tự đối với hành vi tự làm hại bản thân, rối loạn tâm thần, rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn lo âu lan tỏa và PTSD.

Theo khuyến nghị của các nhà khoa học, để khắc phục những vấn đề trên đồng thời cải thiện sức khỏe tâm thần, phương pháp hiệu quả mà không dùng thuốc là tránh tiếp xúc ánh sáng vào ban đêm và tăng tiếp xúc với ánh sáng vào ban ngày.

Theo Phó Giáo sư Sean Cain thuộc Đại học Monash, đồng thời là trưởng nhóm nghiên cứu, sự ảnh hưởng của việc tiếp xúc với ánh sáng ban đêm không phụ thuộc vào nhân khẩu học, hoạt động thể chất, mùa thời tiết trong năm và đặc điểm công việc của người tham gia.

Ông Cain nói: “Những kết quả của chúng tôi nhất quán khi tính đến các yếu tố như làm việc theo ca, giấc ngủ, cuộc sống ở thành thị so với nông thôn và những bệnh lý liên quan đến rối loạn chuyển hóa ảnh hưởng lên hệ tim mạch”.

Ông Cain chỉ ra rằng bộ não con người đã tiến hóa để vẫn có thể hoạt động hiệu quả nhất trong điều kiện ánh sáng chói lọi vào ban ngày và hầu như không có ánh sáng vào ban đêm.

Tuy nhiên, ngày nay, con người đã thách thức cơ chế sinh học này khi dành đến 90% thời gian trong ngày để hoạt động và sinh hoạt ở môi trường bên trong nhà dưới ánh sáng điện quá mờ vào ban ngày.

Trong khi đó, con người lại tiếp xúc với quá nhiều ánh sáng điện vào ban đêm so với chu kỳ tương tác tự nhiên giữa ánh sáng và bóng tối.

Theo nhà khoa học Cain, điều này làm thay đổi cơ chế sinh học của cơ thể và ảnh hưởng đến sức khỏe./. (T/H, VN+)