Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

AEC: Trưng cầu dân ý | Vietnamese / Tiếng Việt


Cuộc trưng cầu dân ý liên bang là một cuộc bỏ phiếu toàn quốc về một câu hỏi cho một đề xuất thay đổi Hiến pháp. Hiến pháp là văn bản lập quốc quy định cách thức quản trị đất nước chúng ta. Kể từ năm 1901 tới nay đã có 44 cuộc trưng cầu dân ý. Cũng đã khá lâu kể từ khi chúng ta có cuộc trưng cầu dân ý – lần gần đây nhất đã hơn 20 năm là vào năm 1999.

Ai cần bỏ phiếu

Tất cả mọi công dân Úc từ 18 tuổi trở lên phải bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý.

Quý vị phải đăng ký cử tri và cần phải cập nhật chi tiết cử tri nếu quý vị đã:

  • mới đây có đổi tên hoặc đổi địa chỉ
  • vừa tròn 18 tuổi, hoặc
  • trở thành một công dân Úc.

Vào aec.gov.au hoặc là lấy mẫu đơn đăng ký cử tri tại bất cứ văn phòng AEC nào.

Bỏ phiếu khi nào và ở đâu

Ngày bỏ phiếu sẽ là ngày thứ bảy, các phòng phiếu sẽ mở cửa lúc 8 giờ sáng và đóng cửa lúc 6 giờ chiều trên toàn quốc.

Nhóm phụ trách thùng phiếu di động cũng sẽ tới nhiều vùng xa trong các tuần trước ngày bỏ phiếu.

Nếu quý vị không thể đi bỏ phiếu vào ngày đó thì quý vị có thể hội đủ điều kiện được bỏ phiếu sớm, một là đến tận nơi hoặc là bỏ phiếu qua bưu điện.

Gần đến ngày của cuộc trưng cầu dân ý sẽ có thêm chi tiết tại aec.gov.au

Cách bỏ phiếu

Bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý khác với cuộc bầu cử. Quý vị chỉ cần điền một tờ phiếu.

Trên tờ phiếu sẽ có một câu hỏi về một đề xuất thay đổi Hiến pháp.

Để bỏ phiếu, xin ghi chữ ‘YES’ nếu quý vị chấp thuận đề xuất thay đổi, hoặc chữ ‘NO’ nếu không chấp thuận. Câu trả lời của quý vị phải được ghi bằng tiếng Anh.

Tại phòng phiếu, quý vị có thể hỏi nhân viên phòng phiếu, người bạn hay là người thân trong gia đình chỉ cách bỏ phiếu sao cho hợp lệ.

Nếu lỡ ghi sai, xin đừng lo ngại. Hãy hỏi lấy tờ phiếu khác và làm lại từ đầu

Kết quả được quyết định như thế nào

Đề xuất thay đổi Hiến pháp phải đạt được sự chấp thuận qua ‘đa số đôi’ (double majority) – nghĩa là:

  • được đa số trên toàn quốc tính theo số phiếu đã bầu được hợp lệ (trên 50%) ở tất cả các tiểu bang và vùng lãnh thổ, và
  • được đa số tính theo số phiếu đã bầu được hợp lệ (trên 50%) ở đa số các tiểu bang (ít nhất phải là bốn trong sáu tiểu bang).

Kết quả là ràng buộc. Nghĩa là Chính phủ Úc phải thực hiện đúng theo sự quyết định của cử tri.

Giải mã các ngộ nhận về trưng cầu dân ý

NGỘ NHẬN: Có thể tiến hành trưng cầu dân ý về bất cứ chủ đề nào của luật pháp.

SỰ THẬT: Trưng cầu dân ý chỉ được tiến hành để thực hiện một đề xuất thay đổi Hiến pháp.

NGỘ NHẬN: Cuộc khảo sát năm 2017 về luật hôn nhân là một cuộc trưng cầu dân ý hoặc là cuộc bỏ phiếu toàn dân.

SỰ THẬT: Đó là cuộc khảo sát qua bưu điện, và việc tham gia là tùy chọn.

NGỘ NHẬN: Bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý không phải là bắt buộc.

SỰ THẬT: Quý vị phải đi bỏ phiếu nếu là công dân Úc từ 18 tuổi trở lên.

NGỘ NHẬN: Tôi cần phải đăng ký cử tri riêng.

SỰ THẬT: Nếu quý vị đã có đăng ký cử tri để bầu cử, tức là quý vị cũng đã có đăng ký cử tri cho cuộc trưng cầu dân ý. Chỉ cần chắc chắn là chi tiết cử tri của quý vị được cập nhật.

NGỘ NHẬN: Tôi chỉ có thể bỏ phiếu qua bưu điện.

SỰ THẬT: Quý vị có thể bỏ phiếu vào ngày trưng cầu dân ý hoặc kiểm tra nếu hội đủ điều kiện để được bỏ phiếu sớm bằng cách trực tiếp đến bỏ phiếu hoặc qua bưu điện bằng cách vào aec.gov.au gần tới ngày bỏ phiếu.

NGỘ NHẬN: Cuộc trưng cầu dân ý cần 70% hoặc hơn số phiếu ‘YES’ để được thông qua.

SỰ THẬT: Trưng cầu dân ý phải được chấp thuận bởi hơn 50% cử tri từ tất cả các tiểu bang và vùng lãnh thổ, và hơn 50% cử tri ở đa số các tiểu bang (ít nhất là bốn trong sáu tiểu bang). Như vậy gọi là ‘đa số đôi’.

Hãy dừng lại và cân nhắc nguồn thông tin

Lá phiếu của quý vị trong cuộc trưng cầu dân ý sẽ giúp đưa ra một quyết định quan trọng cho nước Úc.

Trong thời kỳ diễn ra cuộc trưng cầu dân ý, quý vị có thể bắt gặp thông tin cố tình gây hiểu lầm.

Hãy ngừng lại, kiểm tra và cân nhắc nguồn của những gì quý vị thấy, nghe hoặc đọc. Đừng để mình bị lừa bởi thông tin sai trong cuộc trưng cầu dân ý lần này.

Vào aec.gov.au để có các chỉ dẫn về kiểm tra nguồn thông tin.

Vai trò của AEC

Ủy ban Bầu cử Úc (AEC) là một cơ quan pháp định độc lập và khách quan.

Vai trò của AEC trong cuộc trưng cầu dân ý là cung cấp các dịch vụ đăng ký cử tri, bỏ phiếu và cung cấp thông tin.

AEC có trách nhiệm gửi tờ rơi YES/NO tới các hộ gia đình Úc, trong đó có các thông tin do Quốc hội đưa ra. Trách nhiệm của AEC dừng lại ở việc phân phát tờ rơi này và không tham gia vào các cuộc vận động đồng ý hoặc phản đối đề xuất thay đổi Hiến pháp.

aec.gov.au/translated 1300 720 152