Sunday, November 3, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

A Bridge Too Far: Phỏng vấn Tác giả Phó Quốc Vân


Lời Tòa Soạn: Ông Phó Quốc Vân hiện là Tổng Thư Ký/Phát Ngôn Viên của Ban Chấp Hành Cộng Đồng NVTD/VIC nhiệm kỳ 2022-2025 và là tác giả tác phẩm: Cây Cầu Quá xa (A Bridge Too Far). Qua cuộc tiếp xúc này, quý độc giả đã thấy một phần nào tâm ý của người viết và phảng phất đâu đây nỗi đau, sự uất hân của riêng mỗi người chúng ta sau 30 tháng Tư đen 1975. Quả thật, đây là nỗi bất hạnh và tang thương cho cả một dân tộc nói chung và người dân miền Nam Việt Nam nói riêng mà trong đó có tác giả, NQ trân trọng giới thiệu tác phẩm nói trên đến tất cả quý độc giả online. NQ

Hình bìa trước của tác phẩm “A Bridge Too Far”.

Xin Tác giả vui lòng cho quý độc giả của Nhân Quyền Online biết sơ lược về tiểu sử của anh và đến Úc định cư vào thời điểm nào? 

Phó Quốc Vân: Tôi được chính phủ Úc thuộc Đảng Tự Do của Thủ Tướng Malcolm Fraser chấp nhận cho đến định cư ở thành phố Melbourne với tư cách là người tị nạn chính trị Việt Nam từ trại tị nạn Galang, Nam Dương vào tháng giêng 1982. Tôi rời bỏ Việt Nam vào cuối tháng năm 1981 bằng đường biển. Tuy nhiên, chuyến hải hành này đầy gian khổ và vô vọng. Cuối cùng sau bảy ngày, chiếc ghe tôi đi chìm ngoài biển khơi sau một cơn giông tố. May mắn làm sau, chúng tôi được cứu vớt bởi những nhân công làm việc trên một dàn khoan dầu. Đời tị nạn của tôi bắt đầu từ ngày đó.

Thời gian ban đầu, như biết bao nhiêu người tị nạn Việt Nam khác, tôi làm trong hãng xưởng ban ngày và học Anh ngữ ban đêm. Sau sáu năm, tôi trở lại đại học. Tôi tốt nghiệp Cử nhân Toán, Nghiên Cứu Điều Hành và Điện Toán năm 1990 và Thạc sĩ Khoa Học năm 1995.

Trong vòng hơn 30 năm qua, tôi đã làm việc trong vai trò là cố vấn quản lý cho nhiều công ty đa quốc gia và công ty lớn Úc trong các lãnh vực khai thác tài nguyên, giao thông, thương mại, viễn thông, y tế, điện lực, tài chính và sản xuất.  Kiến thức và kinh nghiệm của tôi bao gồm phát triển chiến lược và thực hiện chuyển đổi trong kinh doanh cũng như kỷ thuật, và quản lý nhân sự.

Hình bìa sau của tác phẩm “A Bridge Too Far”.

Nguyên nhân và động cơ nào đã thúc đẩy anh viết tác phẩm ‘Cây Cầu Quá Xa (hay Vượt Tầm Tay)’

Phó Quốc Vân: Cuốn sách này là hành trình tìm kiếm bản sắc của một người thanh niên trong 20 năm đầu tiên của cuộc đời, và cuối cùng là cuộc vượt thoát khỏi ‘quần đảo ngục tù Việt Nam’.

‘Tôi là ai?’ và ‘Chúng ta thích hợp trong xã hội nào?’ là những câu hỏi khó trả lời đối với hầu hết chúng ta. Tôi mô tả những khó khăn chồng chất về vật chất lẫn tinh thần khi lớn lên trong xã hội miền Nam dưới chế độ cộng sản. Tôi cảm thấy xa lạ ngay trên chính mảnh đất định ra của mình: “Cuộc sống của tôi là một cuộc sống đầy căng thẳng, sợ hãi và lo lắng. Ngoài gia đình – cha mẹ và mười anh chị em – tôi cảm thấy mình bị xem như là ‘kẻ thù’ từ những dua trẻ hàng xóm đến ban hoc đại học.  

Tựa đề sách là ‘Cây Cầu Quá Xa (hay Vượt Tầm Tay)’, lấy ý từ một thành ngữ quen thuộc trong Anh ngữ bắt nguồn từ Thế Chiến Thứ Hai, không chỉ vì những nỗ lực trốn thoát đã thất bại mà còn vì những tham vọng của tôi đối với bản thân quá khó để đạt được, ngay cả đến những ước mơ tầm thường cũng bị tiêu tan quá nhanh chóng.

Bỏ nước ra đi là chuyện bất khả kháng và người tị nạn nào không có nỗi buồn. Nhà văn Nga, Boris Pasternak Pasternak, tác giả cuốn ‘Bác sĩ Zhivago’ nổi tiếng, khi chính quyền Liên Xô thời đó muốn trục xuất ông ra nước ngoài vì bất đồng chính kiến, ông đã van xin họ cho ông được ở lại bởi vì ông không thể sống xa quê hương như cá thiếu nước. Tôi không biết tại sao người ta lại so sánh quê hương với chùm khế ngọt. Đối với tôi, chùm khế đó còn chua cay. Tôi  viết : “Tôi cũng sợ trở thành một kẻ bị ruồng bỏ, và nhu cầu được chấp nhận lớn hơn mong muốn được sống con người thực sự của mình. Đây là sự nghịch lý cay đắng. Tinh thần tôi rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan như Hoảng Tử Đan Mạch, nhân vật chính trong vở tuồng Hamlet của nhà văn Anh William Shakespeare. Tôi muốn được chấp nhận bởi một xã hội không muốn tôi”. Nếu toi ở lại và cố hòa nhập với lối sống cộng sản, bản sắc độc lập và tâm hồn tôi sẽ chết dần mòn. Tôi biết rằng có một thế giới khác ngoài kia, nhưng đến đó nó luôn là một cây cầu quá xa.

Tôi đã chọn con đường một đi không trở lại của mình. Mặc dù sống ở Úc, tim tôi vẫn tràn ngập những hình ảnh tốt đẹp của đất nước và con người Việt Nam. Người ta nói tôi là người giàu tình cảm. Điều đó đúng!

Nhìn về quê hương của mình, thấy nó ngày càng tan nát và suy đồi đạo đức, nỗi buồn cứ gặm nhấm tâm hồn tôi ngày lẫn đêm. Đã bao nhiêu năm tôi muốn quên mà quên không được! Ai có cách nào hay xin vui lòng cho tôi biết.

‘Cây Cầu Quá Xa (hay Vượt Tầm Tay)’ cũng là một câu chuyện tình yêu giữa tôi và một sinh viên Đại Học Bách Khoa tình  cờ gặp nhau trong Khu Cấp Cứu Bệnh viện Chợ Rẫy khi tôi đến thăm chị bị tai nạn xe cộ. Từ mở đầu ngại ngùng, đến sự phát triển mối quan hệ phức tạp và quyết định trốn thoát khỏi Việt Nam cùng nhau. Trong Chương 19 – Đêm Cuối, tôi viết:

“Tôi quay lại đứng bên Thế Nga và nắm lấy tay cô. Tôi không biết có nên cho cô ta thêm thời gian để suy nghĩ về quyết định di hay ở hay không bởi vi chiếc ghe quá nhỏ có thể không đền được bờ bến va mọi người sẽ bỏ thây ngoài biển ? Cô có thể chọn  ở lại quê hương, ra trường làm kỹ sư, lập gia đình và làm mẹ như bạn bè cô.  Cô không cần theo tôi, ‘một kẻ liều mạng’ như chế độ đã gán ghép. Tôi muốn dành cho cô ấy tất cả thời gian trên đời để quyết định hơn  thiệt, nhưng rất tiếc là tình thế đã gấp rút quá rồi. Chúng tôi là những người cuối cùng còn đứng trên bờ sông chưa leo lên ghe.

Cuối cùng, Thế Nga buông tay tôi ra. Trái tim tôi đập mạnh. Rồi cô tháo đôi guốc gỗ ưa thich của mình quăng xuống  bãi bùn và đi thẳng xuống dòng sông đục ngầu về phía ghe. Trái tim tôi đập những nhịp vui mừng. Cô đã chọn tôi!”

Người ta thường nói ‘sống trong chăn mới biết chăn có rận’. Giới trẻ Việt Nam sinh hoặc lớn lên ở nước ngoài không có những kinh nghiệm đó. Điều đó có thể dẫn đến sự hiểu lầm về bản chất chủ nghĩa cộng sản và không cảm nhận được lý do tại sao người Việt sẳn sàng chấp nhận cái chết bỏ nước ra đi trong nhiều thập niên 70, 80, 90.

Khi viêt cuốn tự truyên này, tôi không có mục đích gợi lại đống tro tàn quá khứ để khích động hận thù, mặc  dù tôi nghĩ tôi có quyền đó.  Cuộc chiến vừa qua đã gây biết bao chết chóc và tàn phá cho đất nước và chia rẽ trong lòng mỗi người Việt Nam. Tôi chỉ muốn viết lên một bài học sống đắt giá của bản thân. Đó là cuộc sống nếu không có tự do và nhân phẩm thì không phải là sống mà là hình phạt tử hình bằng một ngàn vết dao cắt, trong đó cái chết đến chậm chạp và khủng khiếp. Đây là cách tôi nhìn về hiện tại và tương lai. 

Phó Quốc Vân, Thế Nga và cựu Thủ tướng Malcolm Fraser. Hình tác giả cung cấp

Để hoàn thành được tác phẩm với tựa đề “A Bridge Too Far”, anh phải mất thời gian bao lâu thì đứa con tinh thần này mới ra đời? 

Phó Quốc Vân: Tháng bẩy năm 2021 tôi nghĩ làm để viết. Một ngày của tôi bắt đầu từ 6 giờ sáng và chấm dứt lúc 9 giờ tối.  Với kỷ luật làm việc như thế, đúng một năm sau, bản thảo đầu tiên hoàn tất với khoảng 800 trang. Tôi đọc lại, sửa chữa những  sự kiện gia đình sau khi kiểm chứng với anh chị em, và cách sử dụng từ ngữ và mạch văn cho đúng với phong cách người Úc. Quá trình hoàn thiện này kéo dài suốt 3 tháng ròng.

Đầu tháng mười một năm nay, tôi hài lòng với bản thảo với khoảng 550 trang. Tôi thay đổi chút đỉnh để in và phát hành trên Amazon khắp thế giới.     

Anh có dự định cho ra mắt tác phẩm tại tiểu bang Victoria không? và nếu có thì khi nào?

Phó Quốc Vân: Hiện tại,  tôi dự định sẽ tổ chức buổi ra mắt sách với đồng hương vào dịp Hội Chợ Tết Quý Mão 2023 trong hai ngày 28 và 29/1.   

Tuy nhiên, tôi cũng dự phòng rằng trong trường hợp không thực hiện vì lý do nào đó, tôi sẽ kết hợp với một hội đoàn hoặc đoàn thể đứng đắn trong cộng đồng bảo trợ để tổ chức buổi ra mắt sách tại Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng, 90 Knight Avenue Sunshine North. Tất cả tiền bán sách sau khi trừ chi phí in ấn từ Amazon, tôi sẽ tặng hết cho quỹ hoạt động hổ trợ cộng đồng của hội đoàn/đoàn thể đó. Có nghĩa là việc phát hành sách sẽ hoàn toàn vô vu lợi và chỉ nhằm mục đích duy nhất là truyền bá chính nghĩa quốc gia và lý tưởng của người tị nạn cộng sản Việt Nam.  

Việc Tuần báo Nhân Quyền tiếp tay hổ trợ cho việc phổ biến sách đến đồng hương qua bài phỏng vấn này, bản thân tôi vô cùng đa tạ! 

Phó Quốc Vân và vợ con tại Úc. Hình tác giả cung cấp

Một trích đoạn trong ‘Cây Cầu Quá Xa (hay Vượt Tầm Tay)’: 

Đi đến đứng trên cầu, phía xa là quang cảnh toàn bộ ngôi làng.  Hai dãy nhà dọc bên bờ sông.  Khói bốc lên từ một số mái nhà, có lẽ dân làng đang nấu cơm chiều. Ngoài ra, không có gì khác. Mọi vật đều im lìm.  

Tôi quay trở về xe để lấy hành lý của mình. Bây giờ mọi thứ đã được lấy xuống từ nóc xe và để ngỗn ngang trên mặt đất cho chủ nhân chúng đến nhận. 

Tôi nhìn chung quanh. Có vài quán nhỏ ở bên kia đường, không xa chỗ xe đậu. Không có chuyện gì làm trong thời giờ nhàm chán này, tôi lang thang đến một quán nhỏ bán bánh nếp gói trong lá chuối treo trên cây sào tre trước cửa.  Gọi là quán cho sang, chớ nó chỉ là một mái lá được chống đỡ bằng bốn khúc tre.  Tạm bợ thế thôi, cũng như đời tôi vậy! 

Chủ quán là một phụ nữ đã lớn tuổi. Tôi gợi chuyện:

‘Cô ơi, tại sao cây cầu này lại có tên là Cầu Sập trong khi nó còn mới ?’

‘Ai cũng hỏi như vậy.  Tôi không biết tại sao nó có cái tên đó. Chắc phải có một sự tích gì đó. Tôi không phải là người địa phương nên không biết. Trong thời gian cây cầu này được xây, tôi như nhiều người khác đến mở quán phục vụ nhân công để kiếm sống. Cầu xây xong, mọi người giải tán nhưng tôi ở lại tiếp tục mua bán.’         

Tôi mỉm cười. Sự tò mò cũng còn, nhưng tôi không muốn hỏi thêm gì vì một số sinh viên khác bước vào. Tôi bước ra khỏi quán, nhìn cây cầu một lần nữa.  Đó là một công trình kiến ​​trúc bằng thép và bê tông, nổi bật trên đồng lúa. Cầu đủ rộng để xe lưu thông hai chiều, mỗi bên có hàng cột đèn điện với hàng rào cản an toàn.  Nước chảy lờ đờ dưới cầu mang theo phù sa và lục bình. Màu nước đục ngầu nhưng không đỏ như Tiền Giang hoặc Hậu Giang xe chúng tôi đã đi qua ngày hôm nay.

Nhìn cây cầu làm tôi liên tưởng đến một câu chuyện tôi đã đọc cách đây khá lâu từ một tạp chí xuất bản trước năm 1975.  Một đại úy chỉ uy một đơn vị địa phương quân được lệnh canh gác một cây cầu trên Quốc Lộ 4. Bởi vì đây là con đường huyết mạch vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh miền Tây với Thủ đô Sài Gòn, nên cây cầu đã trở thành một mục tiêu cho quân đội cộng sản phá sập vào ban đêm.  Thực sự, cây cầu đã bị phá sập và xây lại nhiều lần. Áp lực càng cao vào dịp Tết đến khi lưu lượng giao thông gia tăng.   Đây là thời điểm hoàn hảo để phía cộng sản gây tiếng vang cho sự tuyên truyền của họ nếu cây cầu bị phá hủy không còn trên dòng sông nữa. 

Mỗi ngày sau khi mặt trời lặn, ông Đại uý tăng gấp đôi số lượng lính gác cầu.  Công việc của họ là quan sát mọi vật trôi nổi đến gần các trụ cầu.  Bởi vì đặc công cộng sản thường ẩn nấp bên dưới các lục bình, mang theo trên người một khối chất nổ. Trong khi canh gác, những người lính thường bắn và quăng lựu đạn xuống sông vào những điểm tình nghi suốt đêm, với một hy vọng mong manh rằng hành động của họ có thể giết chết kẻ thù vô hình.  

Thỉnh thoảng, vào buổi sáng, đơn vị của ông kéo lên những xác chết trần truồng trôi trên sông hoặc tấp vào các bụi cây dọc bờ từ đêm hôm trước.  Hầu hết các đặc công cộng sản thiệt mạng đều là thanh niên trong làng hoặc các vùng lân cận. Viên đại uý cho lịnh để các thi thể đầy máu me và những ngón chân còn lắm bùn đất và màu vàng của phèn này nằm trên một bãi đất trống cạnh cầu để gia đình họ đến nhận diện và đem về chôn cất.  Theo ông, khi người ta đã chết thì không còn hận thù nữa. 

Ông dần trở nên cay đắng và chán nản trước sự phi lý của cuộc chiến. Không ai chiến thắng trong trò chơi mèo chuột này. Đơn vị của ông giữ cầu không cho họ phá. Nếu cầu bị phá, ông sẽ bị khiển trách theo luật lệ quân đội, nhưng phần thưởng cho những trai làng đi phá là mạng sống của mình và những phiền toái, trở ngại về giao thông cho chính gia đình và dân làng của họ.  

Mặc dù đang bảo vệ một chính nghĩa, viên đại úy cảm thấy không có lối thoát nào cho cái vòng luẩn quẩn này. Ông ta phải ở lại vị trí của mình cho đến khi hết nhiệm vụ và có người thay thế. Sau đó, chu kỳ bắt đầu lại từ đầu giống như dòng sông này đã mang nước ra biển từ bao nhiêu đời, quốc gia hay cộng sản.

MỘT CÂY CẦU QUÁ XA -A BRIDGE TOO FAR hiện có bán trên Amazon.

Đặt trước bản sao của riêng bạn bằng cách nhấp vào liên kết bên dưới:

Ở nước Úc:
https://www.amazon.com.au/dp/B0BLFYRCRB/ref=tmm_pap_swatch_0?_encoding=UTF8&qid=1667792543&sr=8-46
Ở những nơi khác trên thế giới:
https://www.amazon.com/dp/B0BLLTZ71J?ref_=cm_sw_r_mwn_ts_6ECQJCP4G2GRS1HBH69Q