Thursday, May 1, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Làm Thế Nào Để Viết Hồi Kết Cho Một Cuộc Chiến Không Kết Thúc.


Andrew Lam

Có lần tôi đứng trước một căn phòng đầy học sinh trung học và kể một câu chuyện về thời điểm chiến tranh Việt Nam chấm dứt, về việc tôi đã bỏ chạy sang Mỹ khi còn nhỏ, và trải nghiệm đó vẫn ám ảnh và truyền cảm hứng cho tôi như thế nào, thì một cô gái trẻ giơ tay hỏi tôi: “Ông có thể cho tôi biết tại sao cha tôi không bao giờ kể cho tôi nghe về cuộc chiến đó không? Cha tôi uống rượu rất nhiều, nhưng lại ít nói.” Giọng nói cô run rẩy. Cô gái bảo cha cô là một người lính miền Nam Việt Nam, ông đã chứng kiến nhiều cảnh đổ máu nhưng nỗi buồn của ông phần nhiều là trong nội tâm, hoặc nếu đôi khi thể hiện ra ngoài thì bằng những cơn thịnh nộ.

Tôi cố gắng trả lời cô gái trẻ: “Đôi khi, những ký ức kinh hoàng quá sức chịu đựng, và bạn không thể tìm được từ ngữ nào để diễn tả. Nhưng ngay cả khi không bao giờ được nói ra hoặc chia sẻ, chấn thương ấy vẫn có cách để truyền đi. Đây là lý do tại sao tất cả chúng ta cần tìm cách đối mặt và xử trí nỗi buồn đó. Đối với tôi, đó là thông qua hành động viết.”

Cô gái trẻ gật đầu, đoạn cô gục mặt xuống, khóc. Bạn bè cô vội vã chạy đến an ủi cô. Căn phòng lúc đó im lặng ngoại trừ tiếng khóc của cô. Hình như trong khoảnh khắc đó, cô cuối cùng cũng nhận ra rằng cô là một phần của một điều gì đó to lớn hơn nhiều so với chính cô, rằng cá thể con người và lịch sử gắn kết chặt chẽ với nhau – rằng những quả bom tàn phá một vùng đất xa xôi nhiều năm trước, bằng cách nào đó, vẫn tiếp tục ầm vang trong trái tim của một cô gái sinh ra nhiều năm sau ở vùng Trung Tây nước Mỹ.

Nhưng chiến tranh là như vậy.

Tôi nhìn cô gái khóc và điều đó khiến tôi nhớ đến câu nói nổi tiếng của nhà văn James Baldwin: “Bạn nghĩ rằng nỗi đau và sự tan vỡ của bạn là chưa từng có trong lịch sử thế giới ư? Nhưng rồi bạn đọc sách…”

Sau bài nói chuyện của tôi, cô gái đến nói với tôi rằng cô luôn muốn viết văn. Và khi nhìn thấy tôi, một nhà văn Việt Nam đầu tiên mà cô từng gặp, cô cảm thấy rằng cô có thể làm được.

Trong một buổi thuyết trình khác vài năm sau đó, một thanh niên, cũng là người Mỹ gốc Việt, đã đến cảm ơn tôi sau đó. Khi còn là sinh viên đại học, anh đã từng tham dự một trong những buổi đọc sách của tôi và đã mua một cuốn sách của tôi, cuốn “Perfume Dreams: Reflections on the Vietnamese Diaspora” [1].

Hiển nhiên, cuốn sách đó đã tạo được tác động – đến mức anh đã bắt cha mẹ mình cùng đọc. Tôi đã rất cảm động khi một người Mỹ gốc Việt thế hệ thứ hai không nói tiếng Việt và hầu như không biết chút gì về những trải nghiệm của những người vượt biên, cuộc di cư hàng loạt của người Việt Nam sau chiến tranh, trong đó hàng trăm ngàn người đã phải chịu đựng cảnh giết người, hãm hiếp, bão tố và bỏ mình ngoài biển cả, đã nói với tôi rằng những gì tôi viết trong cuốn sách đã mở toang cánh cửa quá khứ của cha mẹ anh.

“Tôi hỏi bố mẹ tôi, ‘Tại sao bố mẹ không bao giờ kể cho con nghe về chuyện vượt biên hoặc cuộc sống trong các trại tị nạn, cuộc sống trong chiến tranh của bố mẹ như thế nào?’ thì bố mẹ tôi trả lời, ‘Ồ, tại vì bố mẹ không muốn con bị ám ảnh bởi những câu chuyện kinh hoàng đó của bố mẹ.’”

Nhưng chàng trai trẻ muốn tìm hiểu sự thật. Anh muốn biết điều gì ám ảnh cha mẹ mình. “Cuốn sách của ông đã khơi gợi bố mẹ tôi kể lại câu chuyện của hai người. Vì vậy, họ hứa từ bây giờ trở đi họ sẽ kể cho tôi nghe mọi thứ tôi muốn biết.”

Tôi phải thú nhận rằng hai trường hợp nêu trên là những trải nghiệm để lại dấu ấn mạnh mẽ nhất mà tôi từng có trong hơn ba thập kỷ làm nhà văn. Nỗi buồn của riêng tôi, được thể hiện qua câu chữ viết ra, bằng cách nào đó đã kết nối thế hệ này với thế hệ khác, và thu ngắn khoảng cách mênh mông thường được tạo nên bởi sự im lặng và nỗi đau ẩn giấu.

Là một cậu bé tị nạn lớn lên trong phẫn nộ và lúng túng trên đất Mỹ, bên trong tôi đã bị phân mảnh. Hệ lụy đè nặng bởi những ký ức về một cuộc chiến mà tôi chứng kiến khi còn là đứa trẻ trong gia đình quân đội, tôi đặt chân đến Mỹ khi còn là một cậu trai vị thành niên, và đã trở thành một người Mỹ nhanh đến nỗi, sau một vài năm, tôi cảm thấy như thể có hai phiên bản của chính mình đang tranh giành sự chú ý của tôi, đó là hai nhịp tim tách biệt, mỗi nhịp đập một kiểu khác nhau.

Sau khi tốt nghiệp đại học, thay vì học Y khoa như cha mẹ mong đợi, tôi quyết định trở thành một nhà văn. Tôi làm điều đó trái với mong muốn của cha mẹ mình và cũng vì tuyệt vọng, không lối thoát. Tôi không bao giờ nghĩ là tác động của những điều mình viết ra có thể ảnh hưởng đến các thế hệ tương lai. Tôi chỉ muốn kết nối quá khứ Việt Nam với tương lai Mỹ của chính tôi. Tôi mong muốn được trở nên trọn vẹn một lần nữa.

Vậy, tại sao tôi lại kể cho bạn nghe tất cả những điều này? Bởi vì đã năm mươi năm trôi qua kể từ khi cuộc chiến đó kết thúc, và cậu bé tị nạn giờ đây đã là một người đàn ông Mỹ bước vào tuổi già. Và điều hay ho nhất tôi có thể nói về chiến tranh, nếu bạn từng trải qua và sống sót, là sự kinh hoàng và nỗi đau sẽ phai nhạt dần theo thời gian, đặc biệt nếu bạn cố sức vượt qua. Nhưng cùng một cách suy diễn ấy, đối với những kẻ trong chúng ta bị chiến tranh tác động sâu sắc, nó sẽ không bao giờ thực sự kết thúc, cho dù chúng ta viết về nó bao nhiêu chăng nữa để xua đuổi những bóng ma vẫn bám sâu trong lòng mình.

Sau hàng trăm bài tiểu luận, bài viết và bốn cuốn sách ra đời, sau khi tham gia một vài bộ phim tài liệu về Việt Nam, sau nhiều năm làm bình luận viên trên đài phát thanh, nhiều năm đi diễn thuyết và đọc sách trước công chúng – tôi vẫn thức giấc vào một buổi sáng sớm nào đó với đôi mắt giàn giụa nước mắt, bàng hoàng sau giấc mơ linh động như thật về một thế giới đã mất từ lâu. Năm mươi năm trôi qua nhưng vẫn hiện hữu một phần trong tôi đứa trẻ 11 tuổi đứng một mình trong trại tị nạn ở Guam, lắng nghe đài BBC thông báo về sự sụp đổ của Sài Gòn, vẫn thương tiếc một đất nước đã mất, một tuổi thơ bị cướp đi.

Những bóng ma cũ, tôi xin thưa với bạn là chúng vẫn lảng vảng đâu đây, chưa hoàn toàn bị xua đuổi, chưa hoàn toàn được xoa dịu bởi những câu chữ viết ra, bất kể những câu chữ đó được viết một cách hay ho, trau chuốt đến đâu.

Và họ bị ám ảnh như thế nào? Cha tôi đã chiến đấu trong cuộc chiến đó từ đầu đến cuối, và với  một ý chí và kỷ luật hiếm có, ông đã lấy bằng MBA, trở thành một giám đốc điều hành ngân hàng tại Mỹ khi ông đã quá tuổi trung niên. Nhờ ông, chúng tôi thoát khỏi cảnh nghèo đói. Nhìn từ góc độ nào thì chúng tôi cũng đang sống giấc mơ Mỹ, nhưng tối tối tại bàn ăn chúng tôi luôn quay trở lại cuộc nói chuyện về đề tài Việt Nam. Bên cốc vang hoặc rượu whisky và soda, ông sống lại với những trận đánh mà ông từng chiến đấu và chiến thắng. Hoặc chúng tôi nói về những người chúng tôi quen biết, những người mà mạng sống họ bị cướp ra khỏi chúng tôi, về những món chúng tôi ăn, về thanh âm những người bán hàng rong rao hàng trong buổi chiều nóng nực. Cuối tuần, có khi ông ngồi uống rượu với những người bạn lính, họ kể cho nhau nghe những trận chiến họ tham dự, khung cảnh chiến tranh sống lại – bom rơi, trực thăng lơ lửng trên bãi chiến trường mù mịt khói súng và đạn cối nổ tung. Đôi khi có tiếng cười lớn về những kỷ niệm đẹp. Những lần khác, giọng nói của họ trở nên buồn bã, nhất là khi nói về những người bạn đồng đội đã hy sinh và những người bị giam giữ trong các trại cải tạo – những giọng nói khiến tôi tuyệt vọng.

Cuộc sống của chúng tôi ở Mỹ vì thế trở nên mâu thuẫn. Đám cưới, lễ tốt nghiệp đại học, một căn nhà mới, kỳ nghỉ hè ở châu Âu, em bé chào đời – giấc mơ Mỹ thành hiện thực – bị những thảm kịch Việt Nam xen vào, một quá khứ vẫn tiếp tục rỉ máu vào hiện tại. Câu chuyện về sự thăng tiến của chúng tôi ở Mỹ liên tục bị kéo ngược trở lại một nơi bị cướp, một đất nước đã mất, một cuộc sống không còn.

Chiến tranh nổ ra khi mẹ tôi không cầm được nước mắt trong lúc đọc những lá thư mỏng manh được gửi từ người thân và bạn bè ở Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh lạnh – những câu chuyện về sự nghèo đói và cái chết, sự mất mát của họ khiến bầu không khí buổi tối của chúng tôi rơi vào sự trầm tư im lặng. Và ngay cả khi chúng tôi không muốn dính líu gì đến nó, Việt Nam vẫn liên tục xuất hiện trên TV và báo chí trong những năm đầu đó. Trong bản tin buổi tối với Walter Cronkite, chúng tôi thấy hình ảnh mờ nhạt những thuyền nhân nhấp nhô trên những chiếc thuyền ọp ẹp, họ vẫy cờ khi thấy một con tàu đi ngang qua, cầu xin được cứu vớt. Rồi điện thoại reo: Chú đã chết vì trụy tim sau khi bị thẩm vấn. Rồi điện thoại lại reo: Bà này, bà nọ cùng gia đình bà đã mất xác trên biển.

Cuối cùng, tôi đành chấp nhận rằng sự lạc quan theo kiểu Mỹ của tôi sẽ luôn bị đè nặng bởi những ký ức về một đất nước đã mất. Chiến tranh đã kết thúc. Chiến tranh không bao giờ kết thúc.

Tuy nhiên, nếu không viết, nếu không có những nỗ lực để mang lại ý nghĩa cho tất cả những chuyện ấy, tôi không thể tưởng tượng nổi mình sẽ xoay xở như thế nào sau ngần ấy năm.

Vì vậy, tôi viết. Để kiềm chế sự hỗn loạn. Tôi viết vì lịch sử – như Baldwin đã cảnh báo – bị mắc kẹt trong con người và con người bị mắc kẹt trong lịch sử, nhưng tôi viết vì biết rằng đối với mỗi lời cảnh báo của Baldwin, luôn có lời khuyên khôn ngoan của M. Scott Momaday: “Bất cứ điều gì cũng có thể chịu đựng được miễn là bạn có thể tạo ra một câu chuyện từ nó…”

Ngày nay, tôi vẫn cố gắng viết, mặc dù năng lực tôi đã sút giảm và ý chí cũng suy yếu đi nhiều. Nhưng tôi vẫn viết bởi với thời gian tôi biết rằng có sức mạnh chuyển hóa trong một câu chuyện hay được kể.

Hãy ôn lại phân cảnh nhỏ này, nó tiếp tục tiếp lực cho tôi.

Một người bạn dạy học dùng truyện ngắn “Show and Tell/ Trình bày và kể chuyện” trích từ tập truyện Birds of Paradise Lost [2] của tôilàm đề tài trong lớp học tại Đại học New Orleans cho một nhóm học sinh trung học có ước vọng trở thành giáo viên. Trong truyện, một đứa trẻ tị nạn vào trường học lớp 7 và một thằng bé quê mùa trong lớp kết bạn với cậu. Cả hai cậu bé phải đối đầu với một đứa có thói quen bắt nạt các đứa khác ở trường tên là Billy, cha Billy đi lính và bị thương ở Việt Nam. Billy đi theo chọc phá hai đứa trẻ. Cậu bé người Việt không nói được tiếng Anh nhưng cậu biết vẽ, cậu vẽ về chuyện khổ của mình trong giờ Show & Tell trong lớp học. Trực thăng, quân lính, súng đạn, một chiếc thuyền lênh đênh trên biển động hiện trên bảng đen và sau đó cậu bé tị nạn nhờ người bạn mới kể lại câu chuyện của mình cho cả lớp nghe. Cùng nhau, hai cậu bé đã kể một câu chuyện đau buồn và gian khổ khiến cả lớp vỡ òa trong tiếng vỗ tay và reo hò.

Và đây là khoảnh khắc tuyệt vời: Người bạn dạy lớp học đó đã chia sẻ với tôi một email được gửi từ một trong những học sinh. Sau khi đọc câu chuyện của tôi, một cậu học sinh đã ra ngoài ngồi ở sân sau, khóc. Cậu nhận ra chính mình trong câu chuyện: Cậu chính là Billy. Gia đình nghèo túng và đầy đau buồn, cậu đã trút sự phẫn nộ trong lòng mình lên đứa trẻ Việt Nam hôi hám đáng thương bước vào lớp học, một đứa trẻ thậm chí còn thấp hơn cậu trong nấc thang xã hội [3]. Nhưng bây giờ, sau khi đọc câu chuyện của tôi, có điều gì đó đã vỡ ra, giờ đây cậu ta quyết tâm đi tìm đứa trẻ đó để nói câu “Tôi xin lỗi bạn”.

“Xin chúc mừng bạn,” người bạn giáo sư viết. “Câu chuyện của bạn đã khiến kẻ chuyên đi bắt nạt phải khóc”.

Khi tôi bắt đầu đặt bút viết văn cách đây nhiều năm, tôi chỉ muốn định hình nỗi đau. Nhưng trải qua nhiều năm, tôi thấy rằng có những món quà bất ngờ của văn chương đem lại. Nó kết nối và chuyển hóa cuộc sống của người khác vượt xa trí tưởng tượng của tôi. Nếu chấn thương có thể kế thừa, thì hãy để những câu chữ viết ra, câu chuyện hay được kể, trở thành liều thuốc, liều thuốc tiên chữa lành vết thương, thành cây cầu bắc qua nhiều thế hệ, là hướng đi đến hòa bình.

– Andrew Lam*

(Trịnh Y Thư dịch từ nguyên tác tiếng Anh “How to Write an Ending to a Never-Ending War”).

Chú thích của người dịch:

[1]  Những giấc mơ hương: Những suy nghĩ về cộng đồng lưu vong Việt Nam, một tựa sách của tác giả Andrew Lam.

[2]  Bầy chim trong thiên đàng đánh mất, một tựa sách khác của tác giả Andrew Lam.

[3]  Nguyên tác là “on the totem pole”. Totem pole, cột thờ vật tổ của người da đỏ Bắc Mỹ hoặc các giống dân thời bộ lạc hoang sơ.

*Andrew Lam rời Việt Nam vào tháng 4 năm 1975 khi anh mới mười một tuổi. Khi còn đi học, anh bắt đầu viết cho Pacific News Service và năm 1993 đã giành được Giải thưởng Nhà báo trẻ xuất sắc của Hiệp hội các nhà báo chuyên nghiệp. Kể từ đó, anh đã viết cho nhiều tờ báo và tạp chí, bao gồm National Geographic Traveler, Los Angeles Times Magazine và The Nation. Là một bình luận viên thường xuyên trên chương trình All Things Considered của NPR trong hơn bảy năm, Andrew Lam là tác giả của ba cuốn sách và đã giành được Giải thưởng Sách mở PEN, Giải thưởng Văn học Josephine Miles và nhiều giải thưởng khác. Tập truyện ngắn mới nhất của Anh, Stories from the Edge of the Sea, vừa được Red Hen Press xuất bản (đọc bài điểm sách: https://vietbao.com/a321740/doc-andrew-lam-chuyen-ben-ria-cua-bien-) hiện đã có bán tại các tiệm sách và trên mạng. Độc giả tìm đọc Andrew Lam có thể nhấn vào đây: https://redhen.org/book/stories-from-the-edge-of-the-sea/.