Cô đơn kéo dài làm tăng gấp 3 lần nguy cơ tử vong sớm ở phụ nữ
Một nghiên cứu vừa được công bố tại Sydney (Úc) lần đầu tiên chỉ ra mối liên hệ giữa cô đơn mãn tính và tử vong sớm ở phụ nữ trung niên Úc.

Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học BMJ (BMJ Medicine) có sử dụng dữ liệu từ Nghiên cứu Dài hạn về Sức khỏe Phụ nữ Úc – một khảo sát quy mô quốc gia bắt đầu từ năm 1996 nhằm phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng sống của hơn 57,000 phụ nữ.
Kết quả cho thấy, những phụ nữ thường xuyên cảm thấy cô đơn trong thời gian dài có nguy cơ tử vong sớm cao gấp ba lần so với những người không trải qua cảm giác này.

Cụ thể, nhóm không có cảm giác cô đơn kéo dài có nguy cơ tử vong là 5%, trong khi tỷ lệ này tăng lên 15% ở nhóm phụ nữ thường xuyên cảm thấy cô đơn – theo báo cáo từ các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Sydney, Đại học New South Wales và Đại học Western Sydney.
“Cô đơn là một yếu tố rủi ro cần được các bác sĩ khám và sàng lọc, giống như chúng ta vẫn thường kiểm tra huyết áp hay cholesterol. Xã hội cũng cần nâng cao nhận thức để loại bỏ sự kỳ thị đối với cảm giác cô đơn” – bà Neta HaGani – tác giả chính của nghiên cứu chia sẻ.

Giáo sư Melody Ding, đồng tác giả đến từ Đại học Sydney, cho biết phụ nữ trung niên thường đảm nhiệm vai trò chăm sóc cả con nhỏ lẫn cha mẹ già, đồng thời phải đối mặt với nhiều bước ngoặt trong cuộc sống như mãn kinh, nghỉ hưu hay con cái dọn ra sống riêng – những yếu tố dễ dẫn đến sự cô lập xã hội.
Hiện vẫn chưa có dữ liệu dài hạn về sức khỏe nam giới, tuy nhiên giáo sư Ding nhấn mạnh rằng giai đoạn trung niên là thời điểm có nhiều biến động, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến phụ nữ nhiều hơn so với nam giới. (T/H, PNVN)