Saturday, April 19, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Những đoạn phim do AI tạo ra lan truyền nhanh chóng sau trận động đất chết người ở Myanmar


Kate Atkinson

Ngày 1 tháng 4 năm 2025

NHỮNG GÌ ĐÃ ĐƯỢC TUYÊN BỐ

Những đoạn phim cho thấy hậu quả của trận động đất ở Myanmar.

PHÁN QUYẾT CỦA CHÚNG TÔI

Sai. Những đoạn phim đó được tạo ra bằng trí tuệ nhân tạo.

Nhiều hình ảnh giả mạo đã xuất hiện kể từ trận động đất thảm khốc ở Myanmar vào ngày 28 tháng 3 năm 2025. Hình ảnh của Facebook/X/AAP

AAP FactCheck – Những đoạn phim giả mạo mô tả hậu quả của trận động đất xảy ra ở một số khu vực của Myanmar và Thái Lan đã thu hút hàng triệu lượt xem trên mạng xã hội. 

Những đoạn phim đó không hiển thị cảnh quay chân thực và có những dấu hiệu chính cho thấy chúng được tạo ra bằng các công cụ trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence – AI). 

Một trận động đất mạnh 7,7 độ richter xảy ra ở miền trung Myanmar vào ngày 28 tháng 3 năm 2025, gần Mandalay, thành phố lớn thứ hai của đất nước này, khiến hơn 2000 người thiệt mạng. 

Tác động của trận động đất đó đã lan tới các nước lân cận, trong đó có Thái Lan, nơi có ít nhất 18 người thiệt mạng.

Nhiều tòa nhà và chùa chiền đã thực sự bị đổ sập trong trận động đất. (EPA PHOTO)

Trong khi những bức ảnh và đoạn phim chân thực, chẳng hạn như những hình ảnh được BBC đưa tin, cho thấy thiệt hại lan rộng, thì những hình ảnh AI giả mạo cũng đang được chia sẻ trên mạng. 

Dòng chữ “Động đất ở Myanmar ảnh hưởng đến 17 triệu người” phủ lên một bài đăng trên Instagram ngày 29 tháng 3 năm 2025, cùng với một đoạn phim dường như cho thấy một khe nứt lớn trên một con đường trong thành phố và một đám cháy nhỏ đang bốc lên ở phía sau.

Đoạn phim được cho là ghi lại một khe nút lớn trên đường phố không phải là hình ảnh thật. (Facebook/AAP)

“Cảnh quay” ngắn đó có hơn 1,7 triệu lượt xem, nhưng có những dấu hiệu cho thấy nó được tạo ra bằng công cụ AI, bao gồm cả đám đông ở tiền cảnh không di chuyển. 

Một đoạn phim giả mạo khác được chia sẻ trên Facebook dường như hiển thị hai cây cầu bị sập nhưng có hình mờ ghi “runway”, là một công ty chuyên về AI. 

Logo của công ty Runway chuyên về hình ảnh và đoạn phim AI cho thấy nguồn gốc kỹ thuật số của cảnh quay đó. (Facebook/AAP)

Một đoạn phim trên X dường như cho thấy đống đổ nát với một số ngôi đền ở phía sau được chia sẻ bởi người dùng đã được xác minh với 2,1 triệu người theo dõi.

Tuy nhiên, đoạn phim đó đã bị cắt. Trong các phiên bản khác, hình mờ WAN của trình tạo đoạn phim AI có thể được nhìn thấy ở góc dưới bên phải. 

Việc cắt đoạn phim do Wan tạo ra này đã xóa logo khỏi chế độ xem trong một số bài đăng trên mạng. (X/AAP)

Trong một đoạn phim được chia sẻ trên Facebook, những đám đông chạy về phía các tòa nhà đang nổ tung và những chiếc xe hơi đâm vào nhau. 

Các dấu hiệu rõ ràng cho thấy đoạn phim đó được tạo ra bằng AI bao gồm mọi người di chuyển một cách không tự nhiên, biến mất hoặc trở nên mờ nhạt. 

Trong đoạn phim giả mạo này, mọi người dường như đang chạy một cách khó hiểu về phía một tòa nhà đang sụp đổ. (Facebook/AAP)

Một phần cho thấy một cây cầu đổ sập xuống con đường bên dưới (dấu thời gian 16 giây), nhưng một số xe hơi chạy giật lùi, trong khi những xe khác khác biến mất hoàn toàn. 

Nhiều bài đăng bao gồm hashtag như “#viralchallenge” (thử thách lan truyền), “#trendingpost” (bài đăng xu hướng) hoặc “#trendingvideo” (đoạn phim xu hướng).

Các chuyên gia trước đây đã nói với AAP FactCheck rằng những điểm không nhất quán và sai sót, chẳng hạn như từ ngữ viết sai chính tả trên biển báo và chuyển động không khớp với sự tác động, cho thấy đoạn phim đã được tạo ra hoặc chỉnh sửa bằng công nghệ AI.

AAP FactCheck là một thành viên được công nhận của Mạng lưới Kiểm chứng Thông tin Quốc tế. Để cập nhật các thông tin kiểm chứng mới nhất của chúng tôi, hãy theo dõi chúng tôi trên Facebook, Instagram,Threads,X,BlueSky,TikTokYouTube. (AAP)