Saturday, November 23, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Úc chi $1.3 tỷ mua hơn 200 tên lửa Tomahawk của Mỹ để ngăn chặn các mối đe dọa trong khu vực


Chính phủ Đảng Lao động Úc tuyên bố sẽ chi khoảng 1.3 tỷ AUD (833 triệu USD) để mua hơn 200 tên lửa hành trình Tomahawk từ Mỹ nhằm tăng cường năng lực tấn công tầm xa.

Một tên lửa hành trình Tomahawk bay về phía Iraq sau khi được phóng từ tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường AEGIS USS San Jacinto ở Biển Đỏ, ngày 25/3/2003. Hình Getty

Tên lửa dẫn đường tầm xa với tầm bắn lên đến 1,500 km là nền tảng cho năng lực của Lực lượng Phòng vệ Úc (ADF) nhằm ngăn chặn bất kỳ kẻ thù nào ở khoảng cách xa hơn.

Thương vụ mua bán trên cũng sẽ biến Úc trở thành một trong ba quốc gia duy nhất, cùng với Hoa Kỳ và Vương quốc Anh, sở hữu tên lửa hành trình Tomahawk.

Theo Phó Thủ tướng Richard Marles và Tổng trưởng Công nghiệp Quốc phòng Pat Conroy, động thái này có liên quan đến khuyến nghị của Tạp chí Chiến lược Quốc phòng rằng Úc cần phát triển khả năng tấn công tầm xa.

Ông Marles nói: “Chúng tôi đang đầu tư vào các năng lực mà Lực lượng Phòng vệ Úc cần để ngăn chặn những kẻ thù nguy hiểm ở xa bờ biển của chúng tôi và giữ an toàn cho người Úc trong thế giới phức tạp và bất ổn mà chúng ta đang sống ngày nay”.

Ông cũng chỉ ra rằng chính phủ Úc đang xem xét cách thức sản xuất tên lửa nội địa.

Tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ. Hình Reuters
Tổng trưởng Quốc phòng Richard Marles tham dự một buổi họp báo cùng Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp tại Quai d’Orsay, Paris, ngày 30/01/2023. Hình Reuters

“Cuộc chiến ở Ukraine đã chứng minh tầm quan trọng của việc không chỉ cần có kho dự trữ vũ khí cho chiến tranh mà còn phải có ngành công nghiệp sản xuất tên lửa nội địa, và thông báo này sẽ giúp thực hiện điều đó”.

Theo ông Conroy, thế giới đã bước vào thời đại tên lửa và những năng lực mới sẽ là “công cụ quan trọng để Lực lượng Phòng vệ Úc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ người dân Úc”.

Ông nói: “Chúng tôi đang mua những vũ khí này để củng cố năng lực một cách nhanh chóng, nhưng chúng tôi cũng đang xem xét các lựa chọn sản xuất tên lửa nội địa vì điều quan trọng là xây dựng năng lực sản xuất quốc phòng có chủ quyền của Úc”.

Thương vụ trị giá 833 triệu USD rất quan trọng đối với an ninh của Hoa Kỳ.

Thông báo trên được đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ thông qua thương vụ bán tới 220 tên lửa hành trình Tomahawk cho Úc hồi đầu tháng.

Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Barry (DDG 52) của Hải quân Hoa Kỳ phóng một tên lửa hành trình Tomahawk để hỗ trợ cho Chiến dịch Bình minh Odyssey trên biển Địa Trung Hải, hôm 29/3/2011. Hình Hải quân Hoa Kỳ/Getty

Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Bộ Quốc phòng Mỹ (DSCA), phụ trách bán hàng quân sự cho nước ngoài, tuyên bố trong một thông cáo báo chí (pdf) rằng thương vụ bán tên lửa hành trình Tomahawk sẽ góp phần đáng kể vào “hòa bình và ổn định kinh tế” ở khu vực Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương,

“Thương vụ được đề xuất này sẽ hỗ trợ các mục tiêu an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ”, DSCA cho biết trong một tuyên bố.

“Úc là một trong những đồng minh quan trọng nhất của chúng tôi ở Tây Thái Bình Dương”.

“Điều tối quan trọng đối với lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ là hỗ trợ đồng minh của chúng tôi phát triển và duy trì khả năng tự vệ mạnh mẽ và sẵn sàng”.

“Úc sẽ sử dụng khả năng được nâng cấp để ngăn chặn các mối đe dọa trong khu vực đồng thời tăng cường năng lực phòng thủ quê hương”.

Tổng trưởng Công nghiệp Quốc phòng Liên bang Pat Conroy. Hình NCA

Chính phủ Úc tăng cường năng lực quân sự

Tin tức về thương vụ mua Tomahawk diễn ra sau thông báo vào ngày 19/8 rằng Úc sẽ tăng hơn gấp đôi số lượng bệ phóng của Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) cho Lực lượng Phòng vệ Úc với chi phí 1.6 tỷ USD. Thương vụ này sẽ nâng số lượng HIMARS do Úc sở hữu lên 42.

Hệ thống HIMARS trên mặt đất, tầm xa, trên đất liền, cũng như các loại đạn dược và thiết bị hỗ trợ đi kèm, sẽ cho phép ADF đánh chặn các mối đe dọa tiềm tàng và đảm bảo an toàn cho người Úc.

Hôm 19/8, ông Conroy cho biết: “Úc đang đầu tư vào các năng lực tầm xa nâng cao trên tất cả các lĩnh vực. Các năng lực này sẽ mang lại khả năng phản ứng nhanh, bền bỉ, tầm xa, trong mọi điều kiện thời tiết, có thể triển khai trong chiến dịch và cơ động về mặt chiến thuật”.

“Ngoài việc mua lại HIMARS từ Hoa Kỳ, chính phủ Úc đang thực hiện các bước quan trọng đối với việc sản xuất tên lửa trong nước, với mục tiêu vừa xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng của Úc, vừa bảo vệ chuỗi cung ứng của chúng tôi và góp phần làm giảm nhu cầu toàn cầu”.

Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động cao M142 của Mỹ (HIMARS) phóng hỏa lực trong cuộc tập trận ở vùng Grier Labouihi, Maroc, 09/06/2021. Hình AFP/Getty

Úc cũng sẽ mua Tên lửa Tấn công Chính xác (PrSM), được ước tính có tầm bắn tối đa hơn 500 km. PrSM là một loại tên lửa dẫn đường GPS thế hệ mới, sẽ thay thế cho các tên lửa ATACMS từ năm 2024.

Để hỗ trợ việc nhanh chóng đạt được năng lực tấn công tầm xa, Bộ Quốc phòng Úc đang phát triển các kế hoạch chi tiết cho Năng lực sản xuất vũ khí có điều khiển (GWPC) để sản xuất tên lửa tương thích với HIMARS ở Úc từ năm 2025.

Ngoài Tomahawk, Lực lượng Không quân Hoàng gia Úc cũng sẽ chi khoảng 276 triệu USD để mua hơn 60 tên lửa Dẫn đường Tiên tiến Chống Bức xạ – Tầm bắn Mở rộng (AARGM-ER) từ Mỹ.

Bên cạnh đó, chính quyền Canberra dự kiến chi trên 320 triệu USD khác để trang bị tên lửa dẫn đường chống tăng tầm xa Spike LR2 cho các lực lượng chiến đấu của quân đội Úc. (T/H, NTD)