TIẾT LỘ: Điện thoại Android phát nhiều sóng bức xạ nhất hiện nay
• Motorola Edge là mẫu smartphone phát ra bức xạ nhiều nhất với kết quả thu được là 1.79 W/Kg.
• Theo tiêu chuẩn của Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ, mức SAR tối đa cho phép với cơ thể người là 1.6 W/Kg.
Danh sách đính kèm trong báo cáo mới nhất của Bankless Times cho thấy một số mẫu smartphone Android cũ của Google, Sony, Motorola, OnePlus, Oppo, ZTE đang đứng đầu về khả năng phát ra sóng bức xạ.
Trong đó, Motorola Edge đứng đầu danh sách, là mẫu smartphone phát ra bức xạ nhiều nhất với kết quả thu được là 1.79 W/Kg (Watts/Kilogram -đơn vị đo tỷ lệ SAR dùng để biểu thị mức độ hấp thụ sóng radio của cơ thể người). Đứng ngay sau là ZTE Axon 11 5G, thấp hơn 0.2 W/Kg. Vị trí còn lại trong Tốp 3 thuộc về OnePlus 6T với SAR là 1.55 W/Kg.
TỐP 10: Bảng xếp hạng các mẫu smartphone phát ra bức xạ cao nhất
1. Motorola Edge
2. ZTE Axon 11 5G
3. OnePlus 6T
4. Sony Xperia XA2 Plus
5. Google Pixel 3 XL
6. Google Pixel 4a
7. OPPO Reno5 5G
8. Sony Xperia XZ1 Compact
9. Google Pixel 3
10. OnePlus 6
Sony góp 2 mẫu trong Tốp 10 gồm Xperia XA2 Plus (vị trí thứ 4 với 1.41 W/Kg) và Xperia XZ1 Compact (thứ 8, 1.36 W/Kg). Google là nhà sản xuất smartphone có nhiều máy xuất hiện trong danh sách nhất khi các mẫu Pixel 3XL, Pixel 4a, Pixel 3 lần lượt chiếm vị trí 5, 6 và 9.
Oppo Reno5 5G đứng thứ 7 và vị trí số 10 thuộc về OnePlus 6.
Danh sách có nhiều thương hiệu nổi tiếng và một số mẫu thuộc dòng flagship, là những smartphone Android tốt nhất trong khoảng 2-5 năm trước, do vậy khả năng cao số lượng người dùng các thiết bị này cũng không còn nhiều. Bên cạnh đó, nhiều thiết bị trong Tốp 10 không được phân phối chính hãng hay kinh doanh trên thế giới hiện nay.
Trang Android Central đã liên hệ với các nhãn hiệu có smartphone trong danh sách nhưng chỉ duy nhất Google gửi phản hồi. “Chúng tôi công bố chỉ số SAR đối với mọi smartphone ra mắt, trong đó có Pixel 3, 3XL và 4a. Các thiết bị này vẫn nằm trong ngưỡng cho phép cũng như tuân thủ tiêu chuẩn tại những thị trường được phát hành. Hai mẫu smartphone mới nhất của Google là Pixel 6, Pixel 6 Pro có giá trị SAR còn thấp hơn”, đại diễn hãng trình bày.
Theo tiêu chuẩn của Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC), mức SAR tối đa cho phép với cơ thể người là 1.6 W/Kg (tức Motorola Edge là model duy nhất vượt ngưỡng). Tuy nhiên, “tới nay chưa có bằng chứng khoa học phù hợp hay đáng tin nào về những tác động tiêu cực của sóng bức xạ do smartphone phát ra tới sức khỏe con người”, FCC công bố.
Từng có nhiều tranh cãi về những tác động của sóng bức xạ do smartphone phát ra, xem đó là một trong những nguyên nhân gây ung thư. Nhiều quốc gia trên thế giới đã đặt ra tiêu chuẩn SAR buộc sản phẩm của các hãng điện thoại phải tuân theo nếu muốn bán ra trên thị trường (ví dụ như Mỹ là 1.6 W/Kg). Nhưng mọi điện thoại đều phát ra sóng bức xạ dù ít hay nhiều và mức độ này còn chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau như loại thiết bị, mẫu, khả năng truyền tín hiệu của ăng-ten trong máy, khoảng cách từ máy tới trạm thu phát sóng gần nhất…
Cơ thể con người hấp thụ năng lượng từ các thiết bị phát ra sóng bức xạ, không riêng điện thoại như danh sách đã nêu trên. Tác động duy nhất được chứng minh tới nay là hiện tượng nóng lên của phần cơ thể tiếp xúc với điện thoại, nhưng lượng nhiệt đó quá thấp để gây tăng nhiệt độ cơ thể tới mức có thể cảm nhận được. Tới nay, vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy sóng bức xạ gây hại cho cơ thể người. (T/H, TNO)