“Hiểu chính trị Mỹ rồi hãy bàn”: Chia sẻ kinh nghiệm với blogger Anh Ba Sàm
Nguyễn Quang Duy
Trang BBC tiếng Việt ngày 12/12/2020 có đăng bài viết “Việt Nam: Nhân quyền từ Dân trí” (https://www.bbc.com/vietnamese/forum-55287016) của blogger Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh góp ý giới trí thức đang đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam, tác giả lấy cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020 ra bàn thảo để đi đến kết luận:
“… cuộc tranh luận về nước Mỹ đang tiếp tục sôi nổi chính là một bài rèn tập, thử nghiệm không nhỏ cho dân trí; một cách rất tự nhiên, lộ ra nhiều cái yếu, kém về tính cách, hổng về kiến thức, nhãn quan chính trị khi mà người Việt phải nhìn rộng, xa, sâu hơn so với câu chuyện quẩn quanh trong xứ sở mình.”
Điều này từ thập niên 1990 tôi đã nhận ra nên nhân dịp xin chia sẻ kinh nghiệm về việc mở rộng và nâng cao kiến thức cá nhân, xây dựng cách nhìn và cách suy nghĩ về chính trị ở Mỹ.
Luận tội Tổng thống
Đúng 22 năm về trước ngày 15/12/1998, Ủy ban Tư pháp Hạ Viện Mỹ bắt đầu thủ tục luận tội Tổng thống Bill Clinton, đến ngày 19/12/1998 đa số quá bán Hạ Viện đồng ý đưa lên Thượng Viện luận tội.
Thời ấy người Việt hải ngoại dịch từ impeachment sang tiếng Việt là đàn hặc, đàn hạch hay luận tội không dịch là truất phế tổng thống như bây giờ.
Tôi đã khá ngỡ ngàng về chuyện ông Clinton “tò te” với cô thực tập viên Monica Lewinsky ngay trong văn phòng của ông ở Tòa Bạch Ốc, bằng chứng được thử DNA (còn gọi là ADN) của ông “bắn” ra dính trên tà áo của cô, tưởng đó là tội nặng nào ngờ khi luận tội nó gần như được bỏ qua.
Cái tội “khai gian, nói dối, chối quanh trước tòa” mới là tội phải mang ra Quốc Hội đàn hạch, và đương nhiên vì không đủ số phiếu 2/3 các thượng nghị sĩ kết tội nên kết quả ông Clinton được “trắng án” về chính trị.
Xét cho cùng việc luận tội chỉ nhằm hạ nhục nhau, hạ uy tín nhau và cao tay lắm ép nhau từ chức, chẳng qua đó là một trò chơi chính trị được Hiến Pháp Mỹ cho phép chứ có vị tổng thống Mỹ nào bị truất phế đâu.
Ngày nay các chính trị gia còn có thể dựng chuyện lên không cần chứng cớ hẳn hòi mà hạ uy tín nhau, như trường hợp Tổng thống Trump bị luận tội vào đầu năm 2020, mặc dầu ở Hạ Viện đảng Dân Chủ thừa biết đảng Cộng Hòa ở Thượng Viện sẽ không “kết tội” vì ông có tội gì đâu để kết, nhưng họ vẫn tiến hành.
Tranh cãi xưa và nay
Tổng thống Clinton là người đã bỏ phong tỏa kinh tế Việt Nam (cấm vận), đồng thời trao cho Bắc Kinh quyền Tối Huệ Quốc và cho phép Trung Cộng tham gia Tổ Chức Thương Mại Quốc Tế (WTO) nên trở thành một nhân vật gây khá nhiều tranh cãi trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại.
Nhiều bài viết, nhiều cuộc tranh cãi trên báo chí Việt ngữ thời ấy dựa trên những kiến thức về “dân chủ” kiểu Âu châu hay kiểu Việt Nam Cộng Hòa, dùng “đạo đức” và “văn hóa” của người Việt Nam hay người Á Châu để đánh giá việc làm.
Nhiều bài viết, nhiều cuộc tranh cãi gần như không mang một chút kiến thức nào về tâm lý của cử tri Mỹ cũng như không dựa vào hệ thống chính trị, chiến lược, chính sách của nước Mỹ để tranh luận một cách đúng đắn hẳn hòi.
Điều may mắn là các cuộc tranh cãi trước đây thường có chừng mực, biết tôn trọng lẫn nhau, không ai coi nhau là “cuồng Clinton” hay “cuồng chống Clinton”, hay lập bè kết đảng tìm mọi cách hạ nhục những người khác ý kiến, như tình trạng tranh cãi của một số người Việt mấy năm nay.
Đọc báo Úc thì cập nhật được thông tin nhưng lại ít bàn đến chuyện chính trị Mỹ, muốn hiểu chính trị Mỹ phải tìm sách hay tạp chí Mỹ để đọc, nên thời ấy muốn hiểu về nước Mỹ không phải dễ và khá mất thời giờ.
Tôi thường đọc những bài quan điểm, bình luận hay nghiên cứu về chính sách Mỹ đối với Á châu của giáo sư Carl Thayer, một công dân Úc gốc Mỹ, nhưng vì khác khuynh hướng và chính kiến, nên tôi thường không đồng ý với ông ấy.
Tôi đọc và suy nghĩ những điểm nào không đồng ý với ông ấy rồi tự hỏi: Tại sao ông ấy viết như vậy?, Tại sao sao tôi không đồng ý với ông ấy?, Quan điểm của tôi là gì?, Nếu cần trình bày quan điểm tôi phải viết như thế nào? khi ấy tôi chỉ viết những bài nghiên cứu thay vì viết báo như hiện nay.
Ngày nay, nhờ mạng toàn cầu (internet) mọi thông tin truyền tải thật nhanh, có thể nói là ngay tức thì, muốn tìm kiếm, muốn kiểm chứng và đối chiếu cũng khá dễ dàng và ít tốn thời giờ.
Một người biết đôi chút tiếng Anh, là có thể trực tiếp nghe được những cuộc tranh luận của các chính trị gia Mỹ, có thể hiểu được những việc đang xảy ra trên chính trường nước Mỹ và nhận ra sự thay đổi chính sách của Mỹ.
Nên có nhiều bài viết, tranh luận, ý kiến cá nhân của người Việt trong và ngoài nước rất đáng để đọc, để suy nghĩ, phải nhìn nhận kiến thức của người Việt về chính trị đã đa nguyên, mở rộng và nâng cao hơn nhiều so với 20 năm về trước.
Đánh giá tổng thống
Nhiều người Mỹ gốc Việt ủng hộ ông Clinton vì khi đó kinh tế Mỹ tăng trưởng khá cao, công của ông đúng ra chỉ có một phần, vì ngay lần bầu cử giữa kỳ năm 1994 cả Thượng viện lẫn Hạ viện Mỹ đều thuộc về đảng Cộng Hòa.
Đảng Cộng Hòa chủ trương tự do thương mại, các chính sách kinh tế đều từ Quốc Hội mà ra, hay đều phải được Quốc Hội thông qua, nên theo tôi công chính phát triển kinh tế là từ các chính trị gia đảng Cộng Hòa.
Nhưng cũng vì vậy thời ông Clinton công việc cho người lao động bị chuyển dần ra nước ngoài và an sinh xã hội cho người nghèo ở Mỹ đã không mấy sáng sủa.
Nhiều người Việt không ủng hộ vì ông Clinton đã mở cửa thị trường nước Mỹ, trao cho Bắc Kinh quyền Tối Huệ Quốc, cho phép Trung Cộng tham gia Tổ Chức Thương Mại Quốc Tế (WTO), điều này cũng chỉ đúng một phần vì:
Ông Clinton phải nói là một tín đồ của trường phái tân tự do, tin tưởng mãnh liệt vào thương mại tự do sẽ giúp các quốc gia độc tài cộng sản trở thành những quốc gia dân chủ tự do.
Nhưng bất cứ tổng thống Mỹ nào, khi đã không kiểm soát được Quốc Hội và việc nội trị, như trường hợp hai ông Clinton và ông Obama đều tập trung nỗ lực cho việc ngoại giao là quyền hạn được Hiến Pháp cho phép.
Và tự do thương mãi đã trở thành chiến lược được đa số các chính trị gia lưỡng đảng đeo đuổi, chỉ bị một thiểu số chính trị gia và một số tiểu bang công nghiệp thuộc đảng Dân chủ phản đối việc mở rộng ngoại thương với Bắc Kinh.
Bởi thế muốn đánh giá một chính sách hay chiến lược Mỹ mà chỉ căn cứ vào lời nói hay việc làm của Tổng thống Mỹ là chưa đủ cần phải hiểu về sự vận hành của cả nền chính trị Mỹ, từ nguyện vọng của cử tri đến quan điểm các chính trị gia ở cả liên bang lẫn tiểu bang.
Mỹ xoay trục Châu Á – Thái Bình Dương…
Thời Tổng thống Bush (con) nước Mỹ bị khủng bố tấn công ngày 11/9/2001, rồi chiến tranh ở Trung Đông triền miên, nên ông Bush ít quan tâm đến Việt Nam và vì thế hình ảnh ông khá mờ nhạt trong tâm trí người Việt.
Tổng thống Barack Obama và bà Ngoại trưởng Hillary Clinton đề ra chiến lược xoay trục Châu Á – Thái Bình Dương được người Việt nhiệt tình ủng hộ, nhưng nó chỉ là ý tưởng chẳng xoay được đến đâu.
Đã không giải quyết được chiến tranh ở Afghanistan và Iraq, ông Obama còn vướng vào chiến tranh với Libya và Syria nên về mặt quân sự đã không thể thực hiện, thậm chí còn thiếu tiền tăng lương cho quân đội.
Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) hoàn tất thương thuyết nhưng không được đưa ra Quốc Hội thuộc đảng Cộng Hòa cứu xét, ứng cử viên tổng thống thuộc đảng Dân Chủ Bernie Sanders đã liên tục công kích TPP, còn bà Hillary Clinton phải hứa với cử tri đảng Dân Chủ là nếu đắc cử bà cũng không đưa TPP ra Quốc Hội để cứu xét.
Đến nay nhiều người Việt vẫn còn luyến tiếc Hiệp Định TPP vì họ tin rằng nó là một đòn bẫy kinh tế gia tăng hợp tác giữa Hoa Kỳ với 11 quốc gia trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương bao vây và giảm ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Đó chỉ là huyền thoại vì vào năm 2012 khi 8 quốc gia trong khu vực châu Á Thái Bình Dương đang cùng Hoa Kỳ thương lượng Hiệp Định TPP thì họ cũng đã bắt đầu thương thuyết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với Trung Cộng.
Thời Tổng thống Trump…
Nhiều người Việt ủng hộ Tổng thống Trump vì ông có một thái độ dứt khoát với nhà cầm quyền cộng sản Bắc Kinh, nhưng cũng đã ngạc nhiên khi ông gặp quá nhiều chống đối từ ngay trong đảng Cộng Hòa cho đến lãnh đạo các chính phủ Tây Phương.
Muốn hiểu được điều này cần phải bắt đầu từ chiến lược “đi đêm” của Cố Vấn An Ninh Henry Kissinger với Bắc Kinh thời Tổng thống Nixon, đến công nhận Trung Cộng đưa Bắc Kinh vào Liên Hiệp Quốc, rồi từng bước mở rộng bang giao và thương mại với Trung Cộng.
Đa số chính trị gia Mỹ có kiến thức rất hạn chế về hệ thống chính trị của đảng Cộng sản Trung Hoa, nên đã đề ra và suốt 50 năm đeo đuổi chiến lược sai lầm trong mối bang giao với Bắc Kinh.
Suốt 50 năm những sai lầm về mặt chiến lược đã ăn sâu vào hệ thống chính trị, hệ thống hành chính của Mỹ và của thế giới, bao thế hệ khoa bảng, bao thế hệ báo giới đã bị ảnh hưởng nặng nề, bao nhà tư bản, giới doanh thương đã thích ứng với phương cách kinh doanh kiểu cũ, ông Trump đụng đến niềm tin, quyền lực và quyền lợi của họ bởi thế không có gì phải ngạc nhiên khi ông gặp phải chống đối ở khắp nơi.
Cuộc bầu cử ngày 3/11/2020 Tổng thống Trump đã được trên 74 triệu phiếu, nghĩa là có thêm 10 triệu người tín nhiệm so với năm 2016, đảng Cộng Hòa có thể tiếp tục giữ Thượng Viện, thêm 12 ghế ở Hạ Viện, nắm đa số hành pháp và lập pháp ở các tiểu bang, muốn hiểu được những lý do dẫn đến các kết quả trên lại cần phải hiểu rõ hơn hệ thống chính trị của Mỹ và tâm lý của cử tri Mỹ.
Với người đấu tranh
Thế kỷ qua mọi chiến lược và chính sách của Mỹ đều trực tiếp ảnh hưởng đến chính trị Việt Nam và bốn năm qua chính trị Mỹ đã thay đổi quá nhiều nên là cơ hội hiếm có cho chúng ta cùng tìm tòi học hỏi.
Sự nhiệt tình quan tâm của người Việt vào Tổng thống Trump và vào chính trị nước Mỹ, tự nó đã cho thấy người mình không thờ ơ với chuyện chính trị, nhưng vì môi trường tại Việt Nam chưa đến lúc để mọi người cùng tham gia chuyện chính trị.
Vì thế những người đấu tranh cho tự do dân chủ tại Việt Nam cần tìm hiểu cặn kẽ chính trị Mỹ, vừa để nâng cao dân trí cải thiện nhân quyền, vừa phải tự mở rộng và nâng cao kiến thức về chính trị để sẵn sàng dấn thân vào việc tranh cử tự do ngay chính tại Việt Nam.
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
19/12/2020