Friday, April 19, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Sài Gòn tháng Tư, Kabul tháng Tám

Bùi Văn Phú

Tình hình Afghanistan đang trong những giờ phút cuối của chính quyền Kabul, khi quân Taliban đã tiến vào dinh tổng thống, sau khi Tổng thống Ashraf Ghani rời nước mà không có việc chuyển giao quyền hành. Ông Ghani nói ông ra đi để tránh đổ máu lan tràn cho dân.

Các tay súng Taliban
Chụp lại hình ảnh, Các tay súng Taliban.

Chính quyền của Tổng thống Ghani đã đổ nhanh chóng hơn tiên liệu, trước cả thời điểm 31/8 là ngày Tổng thống Mỹ Joe Biden đã loan báo sẽ rút hết lính Mỹ khỏi Afghanistan.

Chủ Nhật 15/8 quân Taliban đã vào Kabul mà không gặp sự kháng cự đáng kể nào của quân đội và lực lượng an ninh.

Những tuần qua các binh sĩ và lực lượng an ninh của Afghanistan, hơn 300 nghìn người được Hoa Kỳ huấn luyện trong hai thập niên, cũng đã không chiến đấu chống lại khi quân Taliban tấn công vào các trung tâm tỉnh lị và các căn cứ quân sự chiến lược.

Theo dõi diễn biến trên truyền hình, tôi không khỏi liên tưởng đến Sài Gòn vào những ngày cuối tháng Tư 1975, khi Hoa Kỳ di tản khỏi Việt Nam, ít giờ trước khi bộ đội cộng sản tiến vào Sài Gòn.

Nghe tin từng tỉnh của Afghanistan như Uruzgan, Zabul, Helmand rồi Kandahar, Herat lần lượt rơi vào tay Taliban tôi hồi tưởng lại Việt Nam với Đà Lạt, Nha Trang, Huế, Đà Nẵng những ngày tháng Tư 1975 lần lượt rơi vào tay cộng sản Bắc Việt.

Có khác biệt là hình ảnh trên truyền hình tôi theo dõi không thấy có cảnh người dân Afghan di tản theo binh sĩ hay rời bỏ nơi cư trú chạy trên những quốc lộ để lánh nạn. Thủ đô Kabul, ngoài phi trường, không có nhiều nơi dân chúng hoảng loạn tìm đường ra đi, vì khác với Sài Gòn còn có tầu của hải quân và thuyền bè có thể ra biển.

Ông Dương Văn Minh, Tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa, vào hôm 30/4/1975
Chụp lại hình ảnh, Ông Dương Văn Minh, Tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa, vào hôm 30/4/1975.

Những phát biểu của giới làm chính sách, cũng như những nhà bình luận về tình hình Afghanistan trong những ngày qua cũng có nhiều so sánh với tình hình Việt Nam Cộng vào mùa xuân 1975.

Tác phẩm “Decent Interval” của Frank Snepp ghi nhận các phân tích tình báo của Hoa Kỳ cho biết Nam Việt Nam có thể cầm chân được các cuộc tấn công của cộng sản cho đến năm 1976, ba năm sau khi Hoa Kỳ rút hết quân theo tinh thần Hiệp định Ba Lê 1973.

“55 Days: the Fall of SouthVietnam” của Alan Dawson ghi lại những trận chiến, những quyết định của Washington, Sài Gòn và Hà Nội từ khi quân cộng sản mở cuộc tấn công Ban Mê Thuột, trên vùng Tây nguyên, vào đầu tháng Ba rồi từ đó như vết dầu loang tràn xuống đồng bằng, chiếm Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Rang, Xuân Lộc trước khi tiến vào Sài Gòn ngày 30/4/1975.

Những người rời khỏi Afghanistan
Chụp lại hình ảnh, Những người rời khỏi Afghanistan.

Chính quyền Sài Gòn đổ cả năm trước thời gian tiên liệu của giới chức Hoa Kỳ. Còn chính quyền Kabul tan rã ngay cả khi binh lính Mỹ còn đang có mặt ở Kabul và một số căn cứ chiến lược để bảo đảm an ninh cho việc rút hết quân vào cuối tháng này. Còn hai tuần nữa mới đến ngày 31/8, nhưng quân Taliban đã vào chiếm Kabul.

Afghanistan là nơi Hoa Kỳ đã can dự quân sự trong 20 năm, cũng huấn luyện và trang bị cho quân đội và lực lượng an ninh của quốc gia này mà chính quyền Kabul xụp đổ còn nhanh hơn Sài Gòn nhiều.

Gần một triệu lính Việt Nam Cộng hoà không chống lại được hai trăm nghìn bộ đội cộng sản năm 1975. Trên 300 nghìn quân chính phủ Afghanistan không ngăn chặn được sức tiến của 70 nghìn quân Taliban hiện nay.

Tổng thống Joe Biden mới đây đã từng đánh giá thấp khả năng quân sự của Taliban, so với bộ đội cộng sản Bắc Việt, khi được hỏi về tương lai Afghanistan một khi Hoa Kỳ hoàn toàn rút lui. Ông tin là quân đội chính phủ Kabul có thể bảo vệ được quốc gia.

Nhận định của một số giới chức quân sự và chính trị cho đó là thất bại về tình báo từ phía Hoa Kỳ đã đánh giá sai về bộ đội cộng sản Bắc Việt trong chiến tranh Việt Nam, nay lại sai về quân Taliban ở Afghanistan khiến Mỹ phải vội vàng di tản.

Hình ảnh máy bay trực thăng di tản người Mỹ và những người đã hợp tác với Hoa Kỳ ra khỏi Sài Gòn cuối tháng Tư 1975 và ngày 15/8 vừa qua ra khỏi Kabul sẽ còn in dấu trong tâm thức người Mỹ và dư luận thế giới trong nhiều năm.

Quân lực Việt Nam Cộng Hòa không còn được Mỹ yểm trợ hỏa lực sau 1973
Chụp lại hình ảnh, Việt Nam Cộng Hòa không còn được Mỹ yểm trợ hỏa lực sau 1973.

Chiến tranh ở Việt Nam là thất bại quân sự đầu tiên của Hoa Kỳ, để sau đó khi lãnh đạo Mỹ có những quyết định can thiệp quân sự vào một nơi nào đó trên thế giới, từ Grenada, Nicaragua, El Savador cho đến Kuwait, Kosovo các tổng thống Mỹ thường được nhắc nhở về “Vietnam Syndrome” – Hội chứng Việt Nam.

Năm 1992, sau khi Hoa Kỳ đem quân đánh đuổi Iraq ra khỏi Kuwait, Tổng thống George W. H. Bush (cha) đã tuyên bố từ nay nước Mỹ không còn ám ảnh bởi “Vietnam Syndrome” nữa.

Có nhiều nhận định về cuộc di tản ra khỏi Kabul giống Sài Gòn 1975, nhưng Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong chương trình “This Week” của truyền hình ABC sáng Chủ Nhật 15/8 đã không đồng ý về so sánh đó. Ông Blinken cho là sự can dự quân sự vào Afghanistan đã thành công trong mục tiêu chính vì khi Hoa Kỳ đem quân vào sau vụ khủng bố tấn công nước Mỹ là với mục đích giết Osama bin-Ladin và tiêu diệt Al-Qaeda.

Ở điểm này, Ngoại trưởng Blinken có lẽ đúng, vì thủ lãnh bin-Ladin đã bị lính Mỹ giết và thuỷ táng, còn Al-Qaeda tan rã và trong hai mươi năm qua đã không có cuộc tấn công khủng bố nào trực tiếp vào Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ rút lui khỏi Afghanistan vì tin rằng khủng bố Al-Qaeda hay Nhà nước Hồi giáo ISIS không còn là mối đe doạ trực tiếp cho nước Mỹ.

Leo lên máy bay tại sân bay Kabul
Chụp lại hình ảnh, Leo lên máy bay tại sân bay Kabul.

Cuộc chiến tranh tại Việt Nam, khi Hoa Kỳ quyết định can dự quân sự vì muốn be bờ, ngăn chặn sự lan tràn của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Á. Sau khi bắt tay được với Trung Quốc, Hoa Kỳ quyết định rút lui ra khỏi Việt Nam năm 1973, để rồi chính quyền Sài Gòn xụp đổ hai năm sau đó.

Nhưng đến nay Hoa Kỳ vẫn còn đang phải đối đầu với Trung Quốc trên nhiều mặt. Với sự trở lại của Taliban, trong tương lai Hoa Kỳ rồi sẽ lại phải đối phó với các nhóm khủng bố chống Mỹ ở nhiều nơi và ngay cả trong nội địa.

“Hội chứng Việt Nam” ngày nay đã được thay bằng “Hội chứng Afghanistan”.

Theo một thăm dò dư luận do Chicago Council on Global Affairs thực hiện vào cuối tháng Bảy có 70% dân Mỹ ủng hộ quyết định rút hết quân của Tổng thống Joe Biden. Riêng những người theo Đảng Cộng hoà có 56% tán đồng.

Với người dân Afghan, đó là “Sự phản bội của Hoa Kỳ”, như nhận định của cựu đại sứ Afghanistan tại Mỹ Roya Rahmani với phóng viên truyền hình MSNBC hôm 15/8.

Bài viết phản ánh quan điểm của tác giả Bùi Văn Phú là một nhà báo tự do từ vùng Vịnh San Francisco, California.