Vừa ngủ vừa sạc điện thoại nguy hiểm thế nào?
Sạc điện thoại ở đầu giường khi ngủ ảnh hưởng đến các tế bào miễn dịch, làm giảm chất lượng giấc ngủ và dễ gây cháy nổ.
Điện thoại di động là món đồ điện tử phổ biến trong cuộc sống hiện đại. Nhiều người không thể sống thiếu điện thoại, có thói quen sử dụng nó trước khi ngủ, thậm chí đặt thiết bị này lên đầu giường để sạc pin vào ban đêm. Tuy nhiên điện thoại đi động có nhiều bức xạ, nếu sạc ở đầu giường khi ngủ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.
1. Ảnh hưởng đến các tế bào miễn dịch
Sạc điện thoại di động trong phạm vi 30 cm so với cơ thể con người sẽ ảnh hưởng đến các tế bào có chức năng miễn dịch trong cơ thể và làm giảm số lượng, tác dụng của tế bào miễn dịch. Do đó, khi ngủ và nghỉ ngơi, bạn nên cố gắng sạc điện thoại di động tránh xa cơ thể.
2. Ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ
Trong khi ngủ, tất cả các chức năng trong cơ thể chúng ta đang trải qua quá trình tự sửa chữa một cách có trật tự. Do đó, cần tạo ra một môi trường yên tĩnh và thoải mái nhất có thể để cả cơ thể và não bộ được nghỉ ngơi hoàn toàn.
Theo Sohu, khoảng cách giữa điện thoại di động và cơ thể con người càng gần, bức xạ càng lớn. Thông thường, tín hiệu điện thoại di động càng yếu, bức xạ càng lớn. Lý do là khi tín hiệu trở nên yếu, điện thoại sẽ tăng công suất truyền để trạm gốc của điện thoại di động có thể nhận được, lúc này bức xạ của điện thoại di động sẽ lớn hơn.
Do đó, sạc ở khoảng cách gần trong khi ngủ sẽ khiến hệ thần kinh trung ương của con người tiếp xúc nhiều với bức xạ điện tử, dẫn đến đau đầu, mất ngủ và các triệu chứng khác.
3. Dễ cháy nổ
Khi điện thoại được sử dụng nhiều, cáp sạc và củ sạc nhanh bị hao mòn hơn, nếu lỡ mua phải cục sạc pin không đều sẽ làm tăng khả năng điện thoại bị cháy nổ. Ngoài ra, khi sạc, điện thoại sẽ nóng lên rất nhanh.
Do không phải lúc nào bạn cũng có thể chú ý đến trạng thái của điện thoại di động trong khi ngủ và chăn ga gối đệm cũng là những vật dụng dễ bắt lửa nên hãy tránh không đặt điện thoại di động trên đầu giường để bảo đảm an toàn. (T/H, N/S)