Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

VN ra công điện khẩn sau khi Campuchia phát hiện có ca tử vong do cúm gia cầm A/H5N1


Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện triển khai các biện pháp phòng chống cúm gia cầm A (H5N1) và các chủng vi rút cúm gia cầm khác.

Áp phích cảnh báo người dân về dịch cúm gia cầm tại thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 25 tháng 2 năm 2009. Hình AFP

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức ký văn bản khẩn gửi các lãnh đạo sở, ngành địa phương trong ngày 26/2 và được truyền thông nhà nước loan trong cùng ngày.

Động thái vừa nêu của lãnh đạo TPHCM được nói do trong ngày 26/2 Campuchia thông tin đã phát hiện ca tử vong do cúm giá cầm A/H5N1 tại tỉnh Prey Veng.

Trong công văn khẩn của UBND TPHCM, lãnh đạo thành phố yêu cầu Sở Y tế tập trung giám sát phát hiện các trường hợp viêm phổi nặng do vi rút tại tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn, đặc biệt chú ý các trường hợp có tiền sử dịch tễ đi/đến/ở từ vùng dịch, kịp thời lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm xác định nguyên nhân gây bệnh.

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được đề nghị giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch cúm trên gia cầm và chia sẻ thông tin liên ngành, xử lý ổ dịch cúm trên gia cầm theo quy định. Tăng cường tần suất kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm nếu phát hiện vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, nhất là tại cửa ngõ giao thông ra vào TP.

Tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm. Hình Người Lao Động
Tỉnh Prey Veng của Campuchia, có một trường hợp tử vong và một số trường hợp nghi mắc bệnh. Hình Daily Mail

Trước đó, hôm 24/2, Viện Pasteur TP.HCM có văn bản 586/PAS-KSBT thông báo theo tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại tỉnh Prey Veng của Campuchia, bước đầu ghi nhận hai trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút cúm gia cầm A (H5N1) độc lực cao, trong đó có một trường hợp tử vong và một số trường hợp nghi mắc bệnh.

Cũng trong ngày 26/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã có công điện gửi các tỉnh, thành phố đề nghị khẩn trương tăng cường kiểm tra, giám sát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển, đường sông… để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép vào Việt Nam, đặc biệt các tỉnh biên giới phía Nam.

Trường hợp bắt các lô hàng động vật, sản phẩm động vật vận chuyển bất hợp pháp thì phải tiêu hủy ngay.

Bộ cũng chỉ đạo lực lượng công an, bộ đội biên phòng lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới. Phối hợp với chính quyền địa phương bắt giữ và xử lý nghiêm các vụ nhập khẩu trái phép gia cầm và sản phẩm gia cầm.

Lo ngại về sự nguy hiểm của cúm gia cầm.

Hôm 25/2, PGS Đỗ Văn Dũng – trưởng khoa y tế công cộng, Trường đại học Y dược TP.HCM nói trên tờ Tuổi Trẻ, vi rút H5N1 có thể có nhiều ở các loài chim trời. Do đó gia cầm (gà vịt) ở Việt Nam có thể bị lây từ chim trời chứ không nhất thiết lây qua gà, vịt từ Campuchia sang. Tuy nhiên với tỉ lệ tử vong khi mắc bệnh rất cao (từ 50 – 90%), người dân phải cẩn thận không tiếp xúc với các loài chim, gia cầm bệnh hoặc chết, các trang trại gia cầm cần có các biện pháp bảo vệ vật nuôi.

Tại Việt Nam, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông tin là một trong những quốc gia ghi nhận có người mắc và tử vong do cúm H5N1 trong 20 năm qua (2003-2023). Theo đó, số ca ghi nhận mắc và tử vong trải dài trong những năm 2003 – 2009 (112 ca mắc, 57 ca tử vong), 2010-2014 (15 ca mắc, 7 ca tử vong).

Trước mắt, WHO khuyến cáo mọi người không nên chạm vào động vật hoang dã đã chết hoặc bị bệnh, thay vào đó phải báo ngay cho chính quyền địa phương biết để xử lý. WHO khuyến nghị các quốc gia cần tăng cường giám sát những nơi con người và động vật nuôi hoặc động vật hoang dã có tương tác với nhau. (T/H, RFA)