Sunday, November 24, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

VN: Máy bay quân sự Su-22 lại rơi, phi công thiệt mạng


“Với tỷ lệ rơi này thì bất cứ không quân hiện đại nào trên thế giới cũng sẽ tỏ ra lo ngại về độ an toàn của loại máy bay Su-22”, ông Carl Thayer, nhà quan sát, cho biết.

Đây từng là loại tiêm kích – bom phổ biến bậc nhất trong các nước thuộc khối Xã hội Chủ nghĩa, nên tới nay, vẫn còn nhiều quốc gia sử dụng Su-22 trong biên chế.
Cánh máy bay khi xòe tối đa có diện tích sải cánh lên tới 38 mét vuông. Sải cánh rộng của Su-22 cho phép chúng có thể cất – hạ cánh với đường băng chỉ 900 mét – ngắn hơn nhiều so với các loại tiêm kích phản lực sau này.

Báo đảng hôm 31/1 xác nhận tin một máy bay Su-22 của Trung đoàn Không quân 921 gặp nạn khi đang hạ cánh ở sân bay Yên Bái, phi công Trần Ngọc Duy thiệt mạng vào trưa cùng ngày.

Chiếc Su-22, số hiệu 5873 của Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không – Không quân do Đại úy phi công cấp 3 Trần Ngọc Duy cất cánh chuyến bay thứ nhất, bài bay huấn luyện số 206.

“Lúc 12h27, trong lúc hạ cánh, máy bay gặp nạn, phi công được lệnh nhảy dù nhưng đã cố cứu máy bay. Máy bay bị rơi”, theo Thông tấn quân sự.

Trần Ngọc Duy 31 tuổi, trú tại thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái. Anh là Phi đội phó, Tham mưu trưởng Phi đội 1 thuộc Trung đoàn Không quân 921.

Chiến đấu cơ Su-22 do Liên Xô nghiên cứu thiết kế, đưa vào phục vụ từ những năm 1970. Việt Nam bắt đầu nhận được số lượng nhỏ Su-22M/UM trong năm 1979. Đây là chiến đấu cơ đầu tiên của không quân Việt Nam bay ra tuần tiễu Trường Sa. Loại máy bay này có thân dài, buồng lái lớn và đặc biệt ứng dụng công nghệ cánh cụp cánh xòe cho phép tăng tốc nhanh chóng.

Tiêm kích – bom Su-22 gia nhập biên chế Lực lượng Không quan Nhân dân Việt Nam từ năm 1979. Tới nay, đây vẫn là một trong số những loại chiến đấu cơ chủ lực của VIệt Nam trong nhiệm vụ bảo vệ vùng trời, vùng biển.
Hình ảnh tại hiện trường trong vụ rơi máy bay Su-22 năm 2018 ở Nghệ An khiến 2 phi công hy sinh. Hình Zing

Trước vụ này, từng xảy ra nhiều vụ rơi Su-22 chết người tương tự ở Việt Nam vào các năm 2018, 2009 và 2006.

“Với tỷ lệ rơi này thì bất cứ không quân hiện đại nào trên thế giới cũng sẽ tỏ ra lo ngại về độ an toàn của loại máy bay Su-22”, ông Carl Thayer, nhà quan sát được BBC dẫn lời.

“Vấn đề của Việt Nam là họ không đủ tiền để thay thế máy bay đủ nhanh theo nhu cầu. Trong trường hợp của Úc, các máy bay F-11 của Úc, vốn từng được dùng trong chiến tranh Việt Nam, chỉ được sử dụng đến khi chi phí bảo trì cao đến mức phải thay thế”.

“Không quân Việt Nam chủ yếu là Su-22, bên cạnh Mig 21. Đây không phải là những phi cơ chiến đấu hiện đại mà những nước như Trung Quốc còn muốn đưa vào sử dụng.”

Ông Carl Thayer cho biết các vụ rơi máy bay gần đây đang xác nhận đánh giá của các chuyên gia Trung Quốc về điểm yếu của quân đội Việt Nam.

Ngoài ra, thiết kế cánh cụp – cánh xòe cũng không cho phép máy bay có thể cơ động ở tốc độ cao, do áp lực lớn lên đôi cánh có thể các chi tiết kỹ thuật phức tạp bị hư hỏng.
Sự cố máy bay Su-22 lao khỏi đường băng tại sân bay Yên Bái vào năm 2019. Hình Zing

“Một trong các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã tổng hợp nhiều tài liệu về các điểm mạnh yếu của quân đội Việt Nam.”

“Một trong các điểm yếu lớn nhất là chất lượng huấn luyện. Họ cho rằng với chất lượng huấn luyện hiện nay thì quân đội Việt Nam không đủ sức ứng phó với chiến tranh.”

“Những nước như Hoa Kỳ thường lấy số giờ huấn luyện của phi công nước mình ra để so sánh với các nước khác và từ đó đánh giá độ thiện chiến của các nước khác.”

“Các chuyên gia Trung Quốc cũng cho rằng công tác hậu cần và chất lượng bảo trì là các điểm yếu khác của Việt Nam.”

“Trong tình huống chiến tranh thực sự, cả hai công tác này sẽ đứng trước thách thức rất lớn vì phải bảo đảm lịch trình rất gấp và độ hiệu quả rất cao”.

“Nguyên nhân được công bố sẽ thể hiện rõ nhất khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Việt Nam”. (T/H, D/V)