Saturday, November 16, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

VN: Giả nhân viên y tế đến nhà mời mua vắc-xin COVID-19 ‘dỏm’

SÀI GÒN, Việt Nam – Đó là thủ đoạn của những tên lừa đảo, đánh vào tâm lý người dân Sài Gòn trong giai đoạn khó khăn hiện nay, khi thành phố phải “phong tỏa” để đối phó với sự lây nhiễm của coronavirus.

Sài Gòn xuất hiện tình trạng giả mạo nhân viên y tế qua điện thoại –Ảnh: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật HCDC.

Ngày 8 Tháng Bảy, cơ quan chức năng thành phố đã ra thông báo để người dân cảnh giác với các thủ đoạn lợi dụng dịch COVID-19 để thực hiện hành vi phạm tội.

Ngoài việc lợi dụng tình hình dịch bệnh để cướp của, chiếm đoạt tài sản thông thường, bọn tội phạm còn có nhiều thủ đoạn khác như:

– Giả dạng nhân viên y tế, mặc trang phục bảo hộ đến tận nhà, mời gọi người dân phun thuốc phòng dịch, phát “thuốc diệt khuẩn”.

– Giả mạo nhân viên y tế, đại diện thương mại cho các nhà sản xuất vắc-xin ngừa COVID-19 thông báo sẵn sàng thực hiện tiêm chủng dịch vụ, và đề nghị người dân ghi danh, đưa tiền đặt cọc để được tiêm chủng sớm.

– Giả mạo nhân viên y tế lợi dụng sơ hở của người dân để trộm cắp tài sản hoặc gây mê cướp tài sản.

Cảnh báo giả mạo nhân viên y tế để lừa đảo - Ảnh 1.
Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân chỉ tiêm vắc-xin ở cơ sở y tế được Bộ Y tế cấp phép.

Ngoài ra, theo công an thành phố, các đối tượng còn dùng thủ đoạn đăng thông tin giả mạo trên mạng xã hội về hoàn cảnh khó khăn của bệnh nhân COVID-19 để vận động quyên góp nhằm chiếm đoạt tài sản; gọi điện thoại thông báo cho người dân nằm trong danh sách bị cách ly và yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, truy cập vào đường link website có chứa mã độc nhằm đánh cắp thông tin cá nhân.

Ở một số trường hợp, chúng gửi các tin nhắn văn bản hoặc tin nhắn đa phương tiện có chứa đường link liên kết đến trang website giả mạo có tên, địa chỉ truy cập và hình thức gần giống với website chính thức của các ngân hàng, tổ chức tài chính, yêu cầu người nhận cung cấp thông tin trên website giả mạo để đánh cắp thông tin, rồi rút hết tiền từ tài khoản ngân hàng của nạn nhân.

Theo bác sĩ Lê Thanh Chiến – giám đốc bệnh viện Trưng Vương, hiện một số trang mạng xã hội lấy danh nghĩa “ủng hộ Bệnh viện Trưng Vương trong tuyến đầu chống dịch” để kêu gọi quyên góp tiền, hiện vật… Cơ quan chức năng phát hiện đây là hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt. Ông nói:

“Lợi dụng thời điểm bệnh viện chuyển đổi công năng điều trị bệnh nhân COVID-19, có những tài khoản cá nhân kêu gọi cộng đồng đóng góp cho bệnh viện trên mạng xã hội. Bệnh viện ý thức được việc này nên đã có thông báo gửi đến cơ quan chức năng, báo đài để thông tin rộng rãi đến các nhà hảo tâm ủng hộ đúng nơi tiếp nhận.”

Bệnh viện Trưng Vương đã chuyển đổi công năng thành Bệnh viện điều trị COVID-19 Trưng Vương – Ảnh: XUÂN MAI/Tuổi Trẻ.

Còn tại Bệnh viện Đại học Y dược Sài Gòn, nhiều tên lừa đảo đã mạo danh bác sĩ của bệnh viện để tư vấn sức khỏe và yêu cầu người bệnh mua thuốc.

Chúng khuyên người bệnh không nên đến bệnh viện trong giai đoạn giãn cách xã hội, mà tự mua thuốc tại nhà hoặc hướng dẫn người nhà mua thuốc tại nhà thuốc ngoài bệnh viện để được giảm giá 50%.

Một thủ đoạn khác là các đối tượng này yêu cầu người bệnh chuyển tiền vào tài khoản riêng của các “bác sĩ” để mua thuốc và được gửi về tận nhà.

Bệnh viện Đại học Y dược Sài Gòn khuyến cáo người bệnh, người nhà cần cảnh giác với các hành vi lừa đảo nêu trên. Nếu nghi ngờ có bất thường nên liên lạc ngay với bệnh viện để được tư vấn. (SGN)