VN: Bé 5 tuổi tử vong vì học theo trò treo cổ từ phim hoạt hình Youtube
Mới đây, một vụ việc xảy ra ở TP.HCM đã khiến các bậc phụ huynh không khỏi bàng hoàng, sợ hãi. Theo đó, bé gái tên V.T.D., (5 tuổi ở TP.HCM) tử vong vì học theo trò treo cổ khi xem Youtube.
Sự việc xảy ra vào chiều ngày 12/10. Sau ít phút không để ý, cả nhà tá hỏa phát hiện cháu D. bất tỉnh trong tư thế treo cổ. Mặc dù gia đình đã đưa cháu đến bệnh viện cấp cứu nhưng D. không qua khỏi, tử vong lúc 18h10 phút cùng ngày.
Chị Ngô Nguyệt, dì của D. cho biết, cháu đang đi học mẫu giáo nhưng hôm xảy ra sự việc thì cháu nghỉ học ở nhà với ông bà ngoại, bố mẹ và các dì đều đi làm. Trong nhà còn có 2 cháu bé nữa nhưng hôm đó cũng đều đi học hết. Bình thường D. cùng hai cháu còn lại hay xem Youtube cùng nhau. Vì tivi của gia đình có kết nối Internet nên có thể bật Youtube trên tivi, các cháu thường hay tự bật và xem cùng nhau.
Cũng theo chị Nguyệt, bộ phim hoạt hình mà cháu D. thường xem trước khi xảy ra tai nạn là Peppa Pig (Tạm dịch: Cô heo Peppa): “Mọi người trong nhà cũng không quá để ý việc các cháu xem gì, thường thì các cháu xem nhiều kênh khác nhau nhưng mình thấy các cháu hay xem kênh Heo Peppa. Ban ngày các cháu đi học, chiều tối về thì xem nhưng cũng không được xem nhiều, phần vì gia đình không muốn cho các cháu xem nhiều, thấy bật lên xem là mọi người bắt tắt đi. Phần vì các cháu phải trả tivi cho ông ngoại còn xem chương trình thời sự. Mỗi ngày các cháu thường xem khoảng 30 phút thôi”.
Peppa Pig (Heo Peppa) là loạt phim hoạt hình dành cho lứa tuổi mầm non của Anh, nội dung chính xoay quanh cuộc sống thường ngày của cô heo cùng tên bên những người thân, bạn bè. Loạt phim này được phát sóng lần đầu vào ngày 31/5/2004. Đến nay, Peppa Pig được chiếu ở 180 vùng lãnh thổ, bao gồm cả Việt Nam.
Giống như nhiều bộ phim hoạt hình nổi tiếng khác, Peppa Pig cũng bị làm nhái thành những clip với nội dung phản cảm, đầy bạo lực. Những nội dung này đăng tải công khai trên Youtube khiến nhiều trẻ nhỏ vô tình xem được.
Bản nhái đáng sợ của “Peppa Pig”
Thời gian trước trên Youtube xuất hiện những video hoạt hình trá hình Peppa Pig dạy các bé tự tử, bạo lực. Đoạn đầu sẽ là clip bài hát, nhân vật hoạt hình như bình thường, sau đó các nhân vật trong clip sẽ làm những hành động bạo lực như dùng dao cắt trên người, tự nhổ răng đầy máu me, thậm chí là cắt đầu,… Tuy nhiên nền vẫn là nhạc hoạt hình. Nếu không ngồi xem cùng con, bố mẹ sẽ không tài nào phát hiện ra được.
Việc tựa đề của các bộ phim nhái giống y hệt tựa đề phim chính thống trên YouTube cũng khiến trẻ dễ bấm vào xem. Ngoài ra các clip này cũng có thể xuất hiện ở phần gợi ý trên Youtube hoặc phát liên tục nếu mở chế độ “Tự động phát”.
Tuy nhiên không chỉ có bản nhái, đến chính bản gốc của loạt phim hoạt hình đình đám này cũng chứa nhiều vấn đề gây tranh cãi.
Peppa Pig – Bộ phim hoạt hình chứa đầy câu nói phản cảm
Dù nổi tiếng và được nhiều trẻ nhỏ yêu thích nhưng bộ phim hoạt hình này thực chất lại chứa nhiều chi tiết, câu thoại phản cảm. Thậm chí nó còn gieo rắc vào đầu trẻ nhỏ nhiều thói hư tật xấu. Đại học danh tiếng Harvard từng tiến hành khảo sát dựa trên câu hỏi: “Nhân vật Heo Peppa có tốt cho trẻ em không?”. Câu trả lời đưa ra đều là “Không”. Dưới đây chính là lý do tại sao.
– Chê bố béo ú, ngốc nghếch
Nhân vật cô heo Peppa có rất nhiều câu thoại phản cảm và thường chê bai ngoại hình của bố. Peppa từng đặt mật khẩu ngôi nhà của mình là “bụng của heo ba to”. Trong một tập phim, cô heo còn hét lên: “Heo ba ngốc lắm”. Ngay cả khi heo ba tập thể dục thì heo con vẫn không động viên mà luôn chê bai: “Bụng của heo ba vẫn cứ to chứ chẳng có ốm chút nào cả”.
Trẻ nhỏ khi xem những tập phim này có thể nghĩ việc nhận xét về ngoại hình của người khác là bình thường và bắt chước theo. Thực chất đây đều là những lời nói gây tổn thương tinh thần nặng.
– Nói những câu phân biệt giới tính
Cô heo Peppa luôn xuất hiện trên phim với vẻ ngoài đầy nữ tính. Heo con thích mặc váy đỏ, thích chơi búp bê – đây đều là những đặc điểm, tính cách dễ thương của con gái. Chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu Peppa thường xuyên nói thêm những câu thể hiện sự phân biệt giới tính. Theo đó heo con thường từ chối làm một số điều vì “chỉ có bọn trai mới làm”.
Câu nói này có thể tạo định kiến cho trẻ, tạo suy nghĩ: Có những việc con gái không thể làm được, hay có những thứ chỉ dành cho con trai.
– “Mình không còn quý cậu nữa. Cậu không phải là bạn thân của mình”
Đây là câu nói Peppa thốt ra khi xáy ra xích mích với bạn bè. Tất nhiên câu nói trên có thể gây tổn thương năng cho đối phương và không hay ho gì nếu trẻ nhỏ xem và bắt chước Peppa.
– “Em không chơi được trò này đâu. Em còn nhỏ quá”
Câu nói này sẽ không phải là vấn đề nếu như nó không phải là sự khôn lỏi của Peppa. Peppa khá ích kỷ với em trai George. Mỗi khi hai chị em đang chơi trò chơi, nếu có bạn của Peppa đến, cô heo sẽ tìm cách đuổi em ra để bạn vào chơi thay. Lúc này, Peppa thường viện cớ bảo em: “Em không chơi được trò này đâu. Em còn nhỏ quá”.
– Sống ích kỷ, hớn hở khi bạn thua kém mình
Ngoài việc nói những câu không phù hợp, heo Peppa còn sống khá ích kỷ, không thật lòng. Trong một tập phim, cô heo tỏ ra khá lo lắng khi mình không biết huýt sáo như mọi người. Thế nhưng ngay khi thấy bạn cừu Suzie cũng giống mình thì Peppa vui vẻ hẳn lên, dù miệng vẫn an ủi bạn.
Đây là một tính cách ích kỷ, luôn muốn ganh đua và khó chịu khi người khác giỏi hơn mình. Bên cạnh đó, mỗi khi thua cuộc, Peppa thường thể hiện thái độ chống đối hoặc phản ứng quá đà như gào thét, khóc lóc. Một nhân vật với tính cách như vậy hoàn toàn không phù hợp để xuất hiện trong một bộ phim hoạt hình dành cho trẻ.
Bố mẹ hãy cẩn thận và cẩn thận hơn nữa
Rất khó để ngăn chặn triệt để những nội dung xấu trên Youtube. Chính vì vậy bố mẹ cần chủ động ngăn chặn con tiếp xúc với những nội dung độc hại này.
Nếu có con nhỏ (dưới 12 tuổi), bố mẹ có thể bảo vệ con khỏi các nội dung nguy hiểm trên Youtube bằng cách thiết lập một tài khoản gia đình, tạo tài khoản Gmail và lập kênh Youtube đi kèm.
Tài khoản gia đình sẽ cho phép bố mẹ tạo danh sách phát các video được phê duyệt và đăng ký các kênh thân thiện với gia đình. Nếu con bạn xem video trên tài khoản này, chúng sẽ hiển thị trong danh sách lịch sử bên trái để bạn có thể theo dõi. Để giữ tài khoản gia đình an toàn, bố mẹ có thể thiết lập một số lớp bảo mật như:
– Tắt tùy chọn tìm kiếm và tạm dừng lịch sử xem.
– Bật chế độ an toàn/chế độ hạn chế.
– Khóa chế độ an toàn bằng cách sử dụng các thông tin đăng nhập.
– Gắn cờ các video có nội dung không phù hợp.
– Tắt chế độ tự động phát trên Youtube.
Ngoài ra bố mẹ có thể cho con sử dụng app Youtube Kids – toàn bộ các nội dung đều được chọn lọc bởi ban biên tập của Google. Giao diện ứng dụng này khá thân thiện, dễ sử dụng và không có quảng cáo trong quá trình xem. Không chỉ vậy, bố mẹ có thể quản lý ứng dụng bằng mật khẩu và quản lý thời gian xem kênh Youtube của con bằng chế độ hẹn giờ.
Tuy nhiên điều quan trọng nhất là bố mẹ cần sát sao hơn trong việc quản lý những nội dung con xem bằng một số biện pháp như: Kiểm tra máy tính, điện thoại của con một cách ngẫu nhiên; đảm bảo bật chế độ hạn chế trên mọi ứng dụng và trình duyệt mà con bạn sử dụng.
Nói chuyện thẳng thắn với con về những việc chúng cần làm khi thấy những nội dung xấu trên Youtube, đồng thời đưa ra hậu quả, hình phạt nếu con cố xem. Ngoài ra bố mẹ cần biết tên và mật khẩu tài khoản Youtube của con. (T/H, A/F)