Virus chết người từng được gửi từ Canada đến phòng thí nghiệm Vũ Hán
Theo các tài liệu mà hãng CBC có được, Phòng thí nghiệm vi sinh quốc gia Canada từng gửi một lô hàng chứa virus chết người đến Viện Virus học ở Vũ Hán, Trung Quốc, trước khi dịch Covid-19 xuất hiện và lây lan ra toàn cầu.
Vào ngày 31/3/2019, một lô hàng chứa virus Ebola và Henipah còn sống đã được gửi từ phòng thí nghiệm vi sinh quốc gia Winnipeg ở Canada đến Viện virus học Vũ Hán. Virus Ebola và Henipah được xếp loại là mầm bệnh cấp độ 4, có nghĩa là một trong những loại virus nguy hiểm nhất thế giới.
Theo các tài liệu mà CBC có được, một cuộc điều tra của Cảnh sát Hoàng gia Canada (RCMP) cuối năm ngoái tiết lộ một nhà khoa học tại phòng thí nghiệm Winnipeg chịu trách nhiệm gửi virus đến Viện Virus học Vũ Hán ở Trung Quốc.
Theo CBC, một trong những nhà khoa học chịu trách nhiệm hộ tống lô hàng từ Winnipeg đến Trung Quốc có liên quan đến một vụ vi phạm bị lực lượng Cảnh sát Hoàng gia Canada (RCMP) điều tra hồi tháng 7/2019.
Nhóm nhà khoa học bị điều tra gồm Tiến sĩ Xiangguo Qiu, chồng của bà là ông Keding Cheng, cùng một số sinh viên từ Trung Quốc.
Phản hồi thông tin của CBC, cả RCMP và PHAC đều cho biết không có bằng chứng nào cho thấy việc vận chuyển virus sang Vũ Hán dẫn đến đại dịch. Vì không có mẫu virus corona trong lô hàng này.
PHAC cũng cho hay cuộc điều tra của RCMP hồi tháng 7/2019 không liên quan đến việc vận chuyển các mẫu virus sang Trung Quốc.
“Đáp lại yêu cầu của Viện Virus học Vũ Hán về các mẫu virus Ebola và Henipah, Cơ quan Y tế Công Cộng Canada đã gửi mẫu virus nhằm mục đích hỗ trợ nghiên cứu khoa học vào năm 2019”, ông Eric Morrissette, giám đốc quan hệ truyền thông của Bộ Y tế Canada và PHAC nói với CBC.
Tuy nhiên, một giáo sư luật và là chuyên gia dịch tễ học tại Đại học Ottawa – ông Amir Attaran – đã gọi sự việc này là “đáng báo động”, thậm chí “có khả năng đe dọa đến tính mạng”.
“Một nhà khoa học đã bị RCMP yêu cầu dừng hoạt động tại phòng thí nghiệm vốn được bảo mật an toàn cao nhất ở Canada, vậy mà vì lý do gì đó, chính phủ Canada vẫn không sẵn sàng tiết lộ thông tin. Rốt cuộc thì mọi người vẫn thích giữ bí mật hơn nhỉ” – ông Attaran nói.
“Những gì chúng ta biết được trước khi nhà khoa học này bị buộc dừng hoạt động, chính là việc bà ấy đã gửi những loại virus nguy hiểm nhất trên thế giới cho các nhà khoa học tại một phòng thí nghiệm chuyên thực hiện các cuộc thử nghiệm nguy hiểm ở Trung Quốc”, ông Attaran chia sẻ thêm.
Ông Attaran cũng cho biết hầu hết mọi quốc gia sẽ không thực hiện bất kỳ thí nghiệm nào liên quan đến những virus này do chúng quá nguy hiểm.
“Dĩ nhiên các phòng thí nghiệm ở Vũ Hán đã dám tiến hành các cuộc thí nghiệm ấy, và Canada lại là nguồn cung cấp virus Ebola và Nipah cho họ. Bạn không cần phải là một thiên tài cũng có thể hiểu đây là một quyết định thiếu khôn ngoan. Và tôi rất không vui trước hành động ‘chia sẻ mầm bệnh’ này của chính phủ Canada”, CBC dẫn lời ông Attaran cho biết.
Các tài liệu Truy cập Thông tin và Quyền riêng tư (ATIP) xác nhận hai lọ chứa 15 chủng virus (khoảng 15 ml) đã được gửi đến Trung Quốc. Lô hàng được vận chuyển trên một chuyến bay thương mại của Air Canada từ Winnipeg đến Bắc Kinh vào ngày 31/3/2019 và đến phòng thí nghiệm ở Vũ Hán vào ngày hôm sau.
PHAC cho biết Phòng thí nghiệm vi sinh quốc gia Canada (NML) thường xuyên chia sẻ các mẫu virus với các phòng thí nghiệm y tế công cộng khác qua các giao thức chuyển giao nghiêm ngặt theo Đạo luật về mầm bệnh và chất độc đối với con người (HPTA), Đạo luật vận chuyển hàng hóa nguy hiểm, Tiêu chuẩn an toàn sinh học Canada và quy trình vận hành tiêu chuẩn của NML.
Tuy nhiên, theo các tài liệu ATIP, người giao hàng của NML hầu như đều vận chuyển virus trong bao bì không phù hợp. Sau đó, họ sẽ thay đổi bao bì khi các khách hàng Trung Quốc phát hiện vấn đề. (T/H)