Sunday, April 13, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

VietJet bắt đầu dùng phi cơ TQ làm dấy lên lo ngại an toàn từ khách hàng


Bắt đầu từ giữa Tháng Tư, hãng hàng không VietJet Air sẽ chính thức vận hành các chuyến bay nội địa bằng phi cơ Comac ARJ21-700 – dòng máy bay do Trung Quốc sản xuất, còn được gọi là C909 – đánh dấu bước đi gây nhiều chú ý trong bối cảnh chưa có chứng nhận an toàn bay quốc tế cho loại phi cơ này.

Phi cơ Comac do Trung Quốc sản xuất được giới thiệu tại phi trường Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Hình VOV

Theo hãng tin Reuters, VietJet sẽ triển khai bốn chuyến bay từ Hà Nội đi Côn Đảo và bốn chuyến từ Sài Gòn đi Côn Đảo, cùng trong ngày 15 Tháng Tư. Động thái này được coi là kết quả của những thay đổi âm thầm trong chính sách hàng không của chính phủ Việt Nam nhằm mở đường cho dòng máy bay do Trung Quốc chế tạo.

Trước đó, C909 chưa từng được cấp giấy chứng nhận bởi Cơ Quan Hàng Không Liên Bang Hoa Kỳ (FAA) hay Cơ Quan An Toàn Hàng Không Âu Châu (EASA) – hai tổ chức hàng đầu thế giới về đánh giá an toàn bay. Ngay cả những nước có nền công nghệ hàng không tiên tiến như Canada, Brazil và Nga cũng chưa công nhận loại phi cơ này. Trong khi đó, Cục Hàng Không Việt Nam cũng bị đánh giá là “chưa có đủ năng lực” để cấp phép cho Comac C909.

Phi cơ Comac sơn thương hiệu VietJet Air được nhìn thấy đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất, Sài Gòn, hồi đầu Tháng Hai. Hình VOV

Dẫu vậy, VietJet – dưới quyền điều hành của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo – đã được “bật đèn xanh” nhờ vào một cuộc gặp cấp cao giữa Phó Thủ Tướng Trần Hồng Hà và phó chủ tịch tập đoàn Comac. Ngay sau đó, Bộ Giao Thông Vận Tải đã đề xuất chỉnh sửa một số điều trong Nghị Định 92 ban hành năm 2016 để nới lỏng các tiêu chuẩn chứng nhận loại máy bay được phép hoạt động tại Việt Nam.

Theo báo Thanh Niên, Bộ Giao Thông cho rằng việc giới hạn chỉ công nhận giấy chứng nhận của Cục Hàng Không Việt Nam, FAA và EASA khiến các hãng hàng không trong nước khó tiếp cận công nghệ từ các quốc gia khác. Đề xuất sửa nghị định được lý giải là để “tháo gỡ vướng mắc” và “phù hợp với tình hình thực tế.”

Cận cảnh máy bay C909 với nhận diện thương hiệu của Vietjet. Hình Jetphotos

Trong một diễn biến liên quan, Reuters cũng tiết lộ rằng đại diện của VietJet sắp bay qua Mỹ để ký kết một thỏa thuận mua phi cơ trị giá 200 triệu Mỹ kim với một đối tác thuộc quỹ đầu tư KKR. Buổi ký kết được dự trù tổ chức tại Tòa Đại Sứ Việt Nam ở Washington, DC, với sự hiện diện của đại diện hãng Boeing và Phó Thủ Tướng Hồ Đức Phớc.

Thương vụ này diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang tìm cách làm dịu căng thẳng thương mại với Hoa Kỳ. Mới đây, Tổng Bí Thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với cựu Tổng Thống Donald Trump, trong đó ông Lâm hứa hẹn sẽ đưa thuế nhập khẩu hàng Mỹ về 0%, nhằm vận động Hoa Kỳ xem xét lại mức thuế đối ứng 46% đang áp lên hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam.

Sự kết hợp giữa việc mở cửa cho máy bay Trung Quốc và nỗ lực xoa dịu thị trường Hoa Kỳ cho thấy chiến lược song phương đầy toan tính của Hà Nội trong bối cảnh cạnh tranh công nghệ và địa chính trị ngày càng gay gắt. Nhưng đi cùng đó là những câu hỏi lớn về tính minh bạch và an toàn trong chính sách hàng không quốc gia. (T/H, D/V)