Việt Nam vượt mốc 100 triệu dân, đối diện với nguy cơ dân số già
Mới đây Cục Dân số cho biết Việt Nam vừa vượt mốc 100 triệu dân, tuổi thọ đạt 73.7 năm 2023.
Tuổi thọ tăng cao nhưng số người sống khỏe thấp
Số liệu này cho thấy tuổi thọ của người dân đã nâng cao, nhưng tuổi thọ khỏe mạnh thấp, chỉ đạt trung bình 63.2 tuổi với nam và 70 tuổi ở nữ.
Một số nghiên cứu cho thấy nam giới cao tuổi có 8 năm phải sống chung với bệnh tật, và con số này là 11 năm đối với nữ giới. Trung bình mỗi người cao tuổi mắc 3 loại bệnh, dẫn đến nguy cơ giảm chức năng sống, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống.
Trong 30 năm qua, Việt Nam đã vượt qua các xu hướng toàn cầu về giảm tỷ lệ tử vong ở các bà mẹ và tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai đạt mức cao trên thế giới. Tầm vóc, thể lực của người dân Việt Nam có sự cải thiện.
Tuy nhiên theo Cục Dân số, mức sinh có sự chênh lệch đáng kể giữa các vùng, và giữa các nhóm người. Trong khi đó, tốc độ già hóa dân số nhanh; tỷ số giới tính khi sinh vẫn ở mức cao; tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn chậm cải thiện.
Tỷ số giới tính khi sinh ở ngưỡng báo động
Theo Bộ Y tế Việt Nam, tỷ số giới tính khi sinh ở mức sinh học bình thường là từ 104-106 trẻ em trai/100 trẻ em gái.
Tuy nhiên ở Việt Nam, từ năm 2009, tỷ số này đã vượt mức sinh học bình thường. Và từ năm 2010, tỷ số này đã ở ngưỡng đáng báo động là 110.5/100. Thậm chí ở một số nơi, tỷ số này lên đến 114/100.
Tuổi kết hôn tăng nhưng tỷ lệ kết hôn lại giảm
Ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số, Bộ Y tế, cho hay, theo các nghiên cứu, điều tra nội địa, tuổi kết hôn tăng nhưng tỷ lệ kết hôn lại giảm.
Tình trạng kết hôn muộn, không muốn kết hôn, không muốn sinh con, sinh muộn, sinh ít, sinh thưa, … ngày càng cao và có xu hướng lan rộng.
Các chuyên gia về dân số ước tính tốc độ tăng dân số của Việt Nam đang giảm, giai đoạn 2017-2020 chỉ tăng 1.07%/năm. Tốc độ tăng dân số trung bình năm 2022 là 0.98%, năm 2023 là 0.84%.
Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, tốc độ này sẽ tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo.
Việt Nam đối diện với nguy cơ dân số già
Nếu mức sinh tiếp tục giảm mạnh, thì sau năm 2054, dân số Việt Nam được dự báo sẽ bắt đầu tăng trưởng âm và mức giảm dân số ngày càng lớn.
Và trong tương lai không xa, dân số trong độ tuổi làm việc sẽ giảm, trong khi tuổi thọ trung bình tăng nhanh, dẫn đến tỷ trọng dân số già sẽ chiếm tỷ lệ rất cao trong tổng dân số. Và Việt Nam sẽ có cơ cấu dân số già. (T/H, ETV)