Việt Nam và nạn buôn người
Hải Di Nguyễn
Ngày 30/7 là Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người (World Day Against Trafficking in Persons).
Nhân dịp này, hãy nhìn lại câu chuyện của một số nạn nhân buôn người, và nạn buôn người từ Việt Nam nói chung.
Các đường dây lừa sang Campuchia
Trong một bài viết đăng vào tháng 1/2023 trên BBC News Tiếng Việt, tôi viết về trường hợp H Nit Niê (sinh năm 1998) và Y Oi Niê (sinh năm 2007), hai người Êđê từ Đắk Lắk.
H Nit Niê và Y Oi Niê là họ hàng, và cả hai đều bị người cùng làng lừa sang Campuchia với lời dụ dỗ “công việc nhàn, lương cao”.
H Nit Niê nói “H Hoa nói là chỉ cần đi giáp Tây Ninh… Tới kia mất sóng, em mới biết là tới Campuchia.”
Tại Bavet, H Nit Niê và Y Oi Niê bị ép làm việc cho một công ty lừa đảo của Trung Quốc: từ sáng đến tối phải liên tục gọi điện cho hàng trăm người để có đủ số người kết bạn, nếu không sẽ bị trừ lương hoặc phải làm thêm giờ. Nếu muốn bỏ đi, phải trả tiền chuộc ít nhất 1,500 USD.
Công an Việt Nam “không làm gì hết”
Báo công an Đắk Lắk nhưng chẳng được gì, H Nit Niê và Y Oi Niê phải nhờ gia đình bán nhà bán đất để được chuộc về. Nhưng câu chuyện chưa dừng ở đó: khi về đến cửa khẩu Mộc Bài, cả hai đều phải nộp phạt 6 triệu đồng để về lại Việt Nam vì “qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của pháp luật”.
H Nit Niê cho biết cũng đã báo cho công an tỉnh Đắk Lắk khi trở về nhưng “họ chỉ nhận hồ sơ, không làm gì hết”.
Tương tự, tháng 10/2022, H Nguôt Êban (sinh năm 2000) bị lừa và bắt cóc sang Campuchia, như tôi đã viết trong một bài viết đăng tháng 1/2023 trên tờ Diễn Đàn Thế Kỷ.
Nghe giới thiệu về việc làm ở Long An, H Nguôt Êban lên xe cùng một người khác đi Long An—cả hai được cho uống nước rồi lăn ra ngủ, đến sáng hôm sau tỉnh dậy thấy mình đã ở Campuchia, đồ đạc giấy tờ không còn, và bị đưa vào một công ty lừa đảo.
“Một tháng rưỡi em không kiếm người nào hết nên ngày nào em cũng bị phạt [hít đất], tới khi em hít đất không nổi nữa, em lăn ra bệnh, em không đi nổi nữa, công ty vẫn bắt đi làm. Họ nói nếu em làm không được, họ sẽ bán em cho công ty khác”.
H Nguôt Êban bị phạt hít đất vài trăm cái, bị “hăm dọa đánh, chích điện”, “bị chửi thậm tệ, bị hăm dọa bán chỗ này bán chỗ kia… Người ta bán mình đi làm gái cũng được.”
Không thể kiếm 5,000 USD để trả tiền chuộc, đã báo công an Việt Nam nhưng chẳng được gì, H Nguôt Êban liên lạc với nhân viên của CAMSA/ BPSOS rồi được công an Campuchia giải cứu cùng 24 người Việt khác, nhưng về đến cửa khẩu Xa Mát vẫn bị giữ đến 9 giờ tối vì không có tiền trả tiền phạt.
Trong bản phúc trình tháng 6/2023 về nạn buôn người ở Việt Nam có đoạn:
“Các nhà quan sát cho biết các nhà chức trách thường xuyên xử phạt các nạn nhân bị bóc lột trong các hoạt động lừa đảo trên mạng vì vi phạm luật nhập cảnh do hệ quả trực tiếp của việc bị buôn bán”.
Các hình thức buôn người “chính thống”
Bên cạnh những trường hợp lừa sang biên giới là hình thức buôn người “chính thống”, tức là qua các chương trình xuất khẩu lao động.
Năm 2007, chị Nguyễn Thị Luyến (sinh năm 1985) sang Jordan làm việc cho một công ty may mặc của chủ người Trung Quốc, theo chương trình xuất khẩu lao động. Chị và các nữ lao động khác phải làm quần quật từ 7 giờ sáng đến 6 giờ tối, ăn khoảng nửa tiếng, rồi tiếp tục đến 8-9 giờ tối, nhưng được trả lương thấp hơn hẳn mức lương căn bản đã được hứa.
Ngôn ngữ không biết, công ty môi giới không làm gì, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội không giúp, sứ quán Việt Nam ở Jordan không có, họ phải đình công đòi lại quyền lợi tháng 2/2008. Khi Việt Nam đưa các nữ lao động hồi hương do áp lực quốc tế, chị Nguyễn Thị Luyến mất toàn bộ 40 triệu đồng tiền cọc, cũng như mọi người khác trở về từ Jordan.
Năm 2018, chị H Bhét Niê (sinh năm 1993) sang Ả Rập Xê Út làm việc, qua công ty môi giới. Khi tới Riyadh mới nhận ra công việc là “làm ôsin” cho một gia đình tám người, nhà ba tầng.
“Lúc họ nói mình không hiểu, nói mình lấy cái này cái kia mà mình không hiểu, họ chửi mắng xong, tức quá, họ đánh đập, ngược đãi… Tát vào mặt, đập vào đầu. Nhiều lần như vậy”, chị cho biết. “Làm việc sai sót một tí thôi, họ cũng chửi mắng, rồi đánh.”
Trong suốt hai năm ở Ả Rập Xê Út, chị H Bhét Niê bị chủ giữ giấy tờ lẫn điện thoại, gọi công ty môi giới không được mà liên lạc người nhà cũng không xong.
Cũng năm 2018, chị H Thái Ayun sang Ả Rập Xê Út làm giúp việc theo chương trình xuất khẩu lao động. Có những lúc phải chạy đi chạy lại dọn dẹp cho bốn hộ gia đình một ngày nhưng mỗi tuần chỉ được ba bữa cơm, chị H Thái Ayun vài lần gọi công ty môi giới xin đổi chủ mà không được.
Sứ quán Việt Nam sách nhiễu nạn nhân
Như đã viết trên Mạch Sống ngày 22/6/2023, chị H Thái Ayun gặp nhiều nữ lao động khác trong trung tâm bảo trợ SAKAN ở Riyadh, tất cả đều kẹt lại vì đang đại dịch và không có chuyến bay về Việt Nam.
Không nhận được giúp đỡ từ nơi khác, chị H Thái Ayun cùng các phụ nữ khác đăng video cầu cứu vào tháng 4/2021. Chị cũng thu thập thông tin gửi cho CAMSA về các nữ lao động bị hành hạ, bóc lột, cưỡng hiếp…
Chị cho biết nhân viên của đại sứ quán Việt Nam tới đe dọa, nói họ “vi phạm pháp luật nước sở tại, làm video đăng lên mạng xã hội” và “bây giờ sẽ giao cho nước sở tại xử”, và sứ quán cũng cho người trà trộn vào trung tâm SAKAN để đe dọa, sách nhiễu, thậm chí dọa đánh chết.
Liên tục bị đe dọa và biết mình sẽ không an toàn nếu hồi hương, chị H Thái Ayun sang tỵ nạn ở Thái Lan.
Nạn nhân về Việt Nam “không còn đất sống”
Trở về Việt Nam từ Jordan, chị Nguyễn Thị Luyến liên tục bị công an tra hỏi ai liên lạc với IOM (Tổ chức Di trú Quốc tế), ai xúi giục đình công…, như tôi đã viết trên Mạch Sống ngày 20/7/2023.
Khi đại diện các nữ lao động kiện các công ty môi giới để đòi lại công lý, chị cho biết cả hai lần trước khi ra tòa, chị đều gặp nạn, lần thứ hai bị “tai nạn giao thông nghiêm trọng, bị gãy hết răng đằng trước, bị chấn thương sọ não” và phải từ bỏ vụ kiện.
Vừa hoảng loạn và yếu sức sau tai nạn giao thông, vừa bị siết nhà vì mất tiền cọc và không thể trả nợ, vừa không có công lý vì phải từ bỏ vụ kiện, vừa bị chồng bỏ vì anh ta không muốn liên lụy, vừa bị hàng xóm cô lập vì mang tiếng “phản động”, chị Nguyễn Thị Luyến còn liên tục bị công an địa phương “gọi lên gọi xuống để điều tra, vùi dập” đến “không còn đất sống”.
Chị phải sang Thái Lan lánh nạn năm 2012, và được sang Canada năm 2022.
2023: Việt Nam lên hạng nhưng vẫn thuộc danh sách theo dõi
Theo bản phúc trình của Bộ Ngoại giao Mỹ tháng 6 vừa qua về nạn buôn người, Việt Nam năm nay được lên hạng 2 vì được xem là có tiến bộ so với năm ngoái.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn không đáp ứng đủ các yêu cầu tối thiểu trong công cuộc bài trừ nạn buôn người, và vẫn thuộc danh sách theo dõi. (Mach Song Media)