Sunday, November 3, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Việt Nam phản đối Trung Quốc lập hai huyện đảo quản lý Hoàng Sa, Trường Sa

Việt Nam vào ngày 19 tháng 4 lên tiếng phản đối việc Trung Quốc vừa cho tiến hành thành lập hai huyện đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng thì Hà Nội ‘nhiều lần mạnh mẽ khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa’.

Bà Lê Thị Thu Hằng lặp lại điều mà bà cho là lập trường nhất quán của Việt Nam ‘phản đối Trung Quốc thành lập cái được gọi là ‘thành phố Tam sa’ và các hành vi có liên quan vì vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tại tình hình tại Biển Đông…’

Chủ tịch Huyện Hoàng Sa, ông Võ Ngọc Đồng, từ Thành phố Đà Nẵng ra thông báo ‘kiên quyết phản đối việc Trung Quốc ban hành quyết định thành lập cái gọi là ‘khu Tây Sa’ và ‘khu Nam Sa’ thuộc cái gọi là ‘thành phố Tam Sa’.

Người được phân công phụ trách huyện Hoàng Sa trực thuộc Thành phố Đà Nẵng nhắc lại rằng ‘Việt Nam là quốc gia đầu tiên khai phá, chiếm hữu và xác lập chủ quyền một cách liên tục, hòa bình trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Hoàng Sa bị Trung Quốc cưỡng chiếm toàn bộ từ tháng giêng năm 1974 và gọi quần đảo này là Tây Sa. Còn Trường Sa thì tên Trung Quốc gọi là Nam Sa.

Vào ngày 18 tháng tư vừa qua, Mạng truyền hình toàn cầu của Trung Quốc (CGTN), loan tin rằng chính phủ Trung Quốc đã thông qua quyết định thành lập hai huyện đảo là Tây Sa và Nam Sa thuộc thành phố Tam Sa để quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở khu vực Biển Đông. Đây là hai quần đảo Trung Quốc vẫn còn đang tranh chấp về chủ quyền với các nước khác trong khu vực bao gồm Việt Nam.

Theo CGTN, trụ sở huyện đảo Tây Sa sẽ đặt tại đảo Phú Lâm, tên Trung Quốc là Vĩnh Hưng, thuộc quần đảo Hoàng Sa và trụ sở huyện đảo Nam SA sẽ đặt ở đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa.

Cũng theo CGTN, hai huyện đảo này cũng quản lý luôn các vùng biển xung quanh hai quần đảo này.

Hồi năm 2012, Trung Quốc đã lập thành phố Tam Sa để quản lý hai quần đảo.

Trung Quốc cũng đồng thời đòi các quần đảo này phải có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, trái với luật quốc tế.

Từ ngày 30/3 đến 10/4 vừa qua, Việt Nam đã liên tục gửi 3 công hàm đến Liên Hiệp Quốc để phản đối những đòi hỏi về chủ quyền này của Trung Quốc.

RFA