Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Việt Nam là một trong những nước tử hình nhiều người nhất trên thế giới, theo Ân xá Quốc tế


Cả 11 cơ sở thi hành án tử hình trên khắp đất nước hình chữ S đều được vận hành suốt năm 2021 theo báo cáo của tổ chức nhân quyền có trụ sở chính tại Anh Quốc.

Công an dẫn giải một tử tù đến phòng thi hành án. Hình Báo Công An TPHCM
Chính quyền Việt Nam đã ban hành ít nhất 119 án tử hình trong năm 2021, đứng thứ 7 trên thế giới.

Tổ chức Ân xá Quốc tế vừa công bố báo cáo về tình hình án tử hình trên toàn thế giới trong năm 2021, trong đó có Việt Nam. 

Điểm đáng chú ý là báo cáo cho rằng Việt Nam là nước ban hành và thực thi án tử hình nhiều nhất trong khu vực Đông Nam Á, và thuộc nhóm nước cao nhất trên thế giới.

Theo tổ chức này thì trong năm 2021, chính quyền Việt Nam đã ban hành ít nhất 119 án tử hình, đứng thứ bảy trên thế giới, tuy nhiên tổ chức nhân quyền hoạt động nhằm bảo vệ quyền con người và bãi bỏ án tử hình cũng cho rằng con số thật có thể còn cao hơn. 

Ngoài ra, số lượng tử tù hiện đang chờ bị hành quyết cũng lên đến hơn 1,200 người. 

Chính quyền Việt Nam từ trước tới nay vẫn xếp hạng thông tin về án tử hình vào mục bí mật nhà nước. 

Hình ảnh các tử tù ngoài pháp trường. Hình Huy Đức

Phát biểu tại Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc hồi năm 2019, một vị đại diện của Bộ Tư pháp lặp lại nguyên tắc này để biện minh cho việc Chính phủ Việt Nam không công bố số liệu về án tử hình. 

Tuy nhiên, con số này vẫn thi thoảng được tiết lộ gián tiếp thông qua các bài báo của báo chí Nhà nước, đây cũng là nguồn thông tin chính mà các tổ chức như Ân xá Quốc tế dựa vào để thống kê và theo dõi tình hình án tử hình ở Việt Nam.

Đơn cử, một bài báo được đăng trên trang Tiếng chuông của Ủy ban Phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm hồi tháng 9 năm 2021, tiết lộ rằng số án tử hình đã tăng 30% so với năm trước đó, tuy nhiên con số cụ thể là bao nhiêu thì không được đề cập. 

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do qua ứng dụng nhắn tin, một luật sư nhân quyền cho biết về vấn đề thông tin án tử hình ở Việt Nam dưới kiều kiện giấu tên:

“Theo quy định của Nghị định 43/2020 Bộ Công An có trách nhiệm, báo cáo, thống kê Nhà nước về thi hành án tử hình. Tuy nhiên Nghị định này lại không quy định rõ thống kê này được thực hiện theo quý hay theo năm và trách nhiệm báo cáo của Bộ Công An là báo cáo với ai, báo cáo thế nào.

Một khu vực dành để chôn cất những người bị án tử hình tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hình của AFP / Getty Images chụp hồi tháng Năm 2010
Một khu vực dành để chôn cất những người bị án tử hình tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hình của AFP/Getty chụp hồi tháng Năm 2010

Các báo cáo này cũng không được quy định là phải thông báo công khai với công chúng.

Ở đây người tìm hiểu có thể ngầm hiểu rằng báo cáo này được cho là báo cáo mật.

Việc giữ bí mật đối với việc tuyên án/thi hành án tử hình ở VN có thể hiểu rằng Nhà nước Việt Nam không muốn bị các tổ chức nhân quyền báo cáo hoặc các nhà nước Châu Âu gây áp lực nhằm bãi bỏ án tử hình.”

Vị luật sư này cho biết thêm, việc giữ bí mật số liệu về án tử hình đơn thuần là để tránh áp lực từ bên ngoài, còn người dân Việt Nam thì theo ông là “không có tiếng nói để yêu cầu Nhà nước bãi bỏ hay giữ lại án tử hình.”

Bộ luật Hình sự của quốc gia độc đảng này hiện áp dụng hình phạt tử hình cho 18 tội danh trên tổng số 314 tội danh. Trong đó nhiều nhất là nhóm tội danh “xâm phạm an ninh quốc gia”. 

Nhưng trên thực tế, tổ chức Ân xá Quốc tế thống kê thấy các tội danh liên quan đến mua bán chất ma túy chiếm hầu hết số án tử hình được ban hành ở Việt Nam trong năm qua, với 93 trên tổng số 119 án tử hình.  

Các án tử hình gây nhiều sự chú ý của dư luận trong năm 2021 phải kể đến hai án tử hình đối với các ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. 

Hai người này bị buộc tội “giết người, chống người thi hành công vụ” trong cuộc bố ráp của hàng ngàn công an vào rạng sáng ngày 9 tháng 1 năm 2020 dẫn đến cái chết của ông Lê Đình Kình – một nông dân giữ đất, và ba viên công an. (T/H, RFA)