Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Việt Nam đồng ý nâng thời hạn e-visa từ 1 tháng lên đến 3 tháng cho du khách quốc tế


Chính quyền Việt Nam đồng ý kéo dài hiệu lực thị thực điện tử từ 1 tháng lên đến 3 tháng cho du khách quốc tế sau phản ánh của giới doanh nghiệp trong và ngoài nước về tình trạng phiền hà và bất tiện trong chính sách xuất nhập cảnh.

Du khách nước ngoài tại phi trường Nội Bài, Hà Nội. Hình Reuters

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết các thành viên chính phủ đã có sự đồng thuận chung về việc cấp thị thực điện tử (e-visa), có giá trị một lần hoặc nhiều lần, cho “công dân từ tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ” có thể ở lại Việt Nam tối đa 3 tháng so với mức hiện tại là 30 ngày.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Thông Tấn Xã Việt Nam đưa tin hôm 28/3.

Chính phủ cũng chấp thuận kéo dài thời gian lưu trú miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày đối với công dân từ các quốc gia mà chính phủ đã đơn phương miễn thị thực.

Đề xuất này sẽ được đệ trình để quốc hội xem xét và thông qua tại phiên họp tiếp theo dự kiến vào tháng 5/2023.

“Việc này nhằm giải quyết một số vấn đề cấp bách để tạo thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài (khách du lịch, nhà đầu tư, doanh nhân…) trong nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú, làm ăn tại Việt Nam, góp phần phục hồi, phát triển ngành du lịch nói riêng và kinh tế – xã hội nói chung”, cổng thông tin chính phủ cho biết hôm 28/3.

Chính phủ Việt Nam đề nghị Quốc Hội cấp thị thực điện tử (e-visa) cho công dân tất cả nước và vùng lãnh thổ khi nhập cảnh vào Việt Nam.

Động thái này diễn ra giữa lúc các chuyên gia du lịch kêu gọi chính phủ Việt Nam miễn thị thực cho công dân của tất cả các quốc gia thành viên EU, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand và Canada và kéo dài thời gian lưu trú miễn thị thực.

“Một trong những rào cản đối với khách du lịch nước ngoài đến thăm Việt Nam là chính sách thị thực phức tạp và hạn chế,” ông Mark Koerner, Chủ tịch Ủy ban Ngành Du lịch và Khách sạn của EuroCham Việt Nam, cho biết trong một kiến nghị gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên vào giữa tháng này.

Bản kiến nghị thu thập ý kiến từ các chuyên gia du lịch hàng đầu và những người trong ngành khách sạn và du lịch.

Bản kiến nghị nêu rõ: “Thời gian miễn thị thực quá ngắn đối với nhiều du khách muốn khám phá các điểm tham quan đa dạng của đất nước trong khi quy trình cấp thị thực điện tử và thị thực khi đến có thể tốn thời gian và bất tiện”.

Belarus, Nga, Pháp, Đức, Ý, Na Uy, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Nhật… nằm trong số 25 quốc gia có công dân được phép vào Việt Nam mà không cần phải xin thị thực du lịch với thời gian lưu trú lên đến 15 ngày. Danh sách này không có Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Chính phủ đề xuất cấp thị thực điện tử cho công dân của tất cả các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hình Báo Nhân Dân
Website xin e-visa của Việt Nam bị nhiều du khách đánh giá trông “thiếu uy tín.” Hình Chụp qua màn hình evisa.xuatnhapcanh.gov.vn

Ông Greg Testerman, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ (Amcham) đề xuất mở rộng danh sách các nước đủ điều kiện cấp thị thực điện tử và miễn thị thực để tạo thuận lợi cho việc đi lại của doanh nghiệp.

Tại Việt Nam, chính sách xuất nhập cảnh do Bộ Công an quản chế, với các quy định được giới quan sát đánh giá là “nghiêm ngặt” mặc cho giới kinh doanh lữ hành lên tiếng phàn nàn từ lâu.

Chính quyền Việt Nam nói rằng sẽ quản lý “đồng bộ và thống nhất” chính sách này; một mặt “tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài xuất nhập cảnh Việt Nam, nâng cao hiệu quả công tác quản lý cư trí người nước ngoài tại Việt Nam”, nhưng mặt khác “góp phần bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội…”, vẫn theo cổng thông tin Chính phủ.

Từ Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Vinh, cựu quan chức công an làm việc trong ban Việt Kiều, chia sẻ với VOA về lý do việc Bộ Công an chậm linh hoạt trong chính sách visa:

“Điều khá phổ biến là tư tưởng của Bộ Công an là vẫn luôn e sợ chuyện khách du lịch vào dễ, vào thuận lợi, vào nhiều thì khả năng quản lý xã hội sẽ khó khăn hơn, nhất là về chính trị. Người dân bình thường cũng có thể hình dung được!”.

Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép nâng thời hạn thị thực điện tử lên 3 tháng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách quốc tế, người nước ngoài đến Việt Nam. Ảnh: VGP
Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép nâng thời hạn thị thực điện tử lên 3 tháng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách quốc tế, người nước ngoài đến Việt Nam. Hình VGP

“Còn vấn đề gì nữa bên trong với quan điểm khác nhau trong nội bộ của đảng và nhà nước này, hay có cái gì lấn cấn ở phía này, phía kia hay không thì tôi không rõ…Nhưng một điều rõ là trong chuyện visa này thì vai trò, vị trí và quyền lực của ngành công an gần như là chủ yếu, nên việc hạn chế này trách nhiệm có liên quan đến ngành công an”, ông Vinh cho biết.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm 15/3 nói Việt Nam sẽ miễn thị thực cho nhiều quốc gia hơn và kéo dài thời gian lưu trú cho du khách du nước ngoài để đẩy nhanh tốc độ phục hồi ngành du lịch.

Phát biểu tại hội nghị toàn quốc về phục hồi ngành du lịch hậu đại dịch Covid-19, thủ tướng Việt Nam cho biết: “Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các hãng hàng không trong nước và quốc tế mở đường bay thẳng nối Việt Nam với các thị trường du lịch trọng điểm”, VnExpress dẫn lời ông Phạm Minh Chính khẳng định.

Chính sách về thị thực được xem là một “điểm nghẽn” trong việc phục hồi ngành du lịch của Việt Nam sau đại dịch.

Thống kê cho thấy năm ngoái, Việt Nam chỉ đón 3,6 triệu khách du lịch nước ngoài, chiếm khoảng 20% so với mức trước đại dịch dù là một trong những quốc gia Đông Nam Á đầu tiên mở cửa trở lại hoàn toàn du lịch quốc tế hậu Covid-19.

Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế, đạt doanh thu 27.3 tỷ USD trong năm nay, tăng 31% so với năm ngoái. (T/H, VOA)