Monday, December 23, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Vì sao Trung Quốc sẽ thủ lợi nếu Donald Trump tái đắc cử?

Les Echos hôm 29/06/2020 có bài viết lý giải « Vì sao Bắc Kinh bầu cho ông Trump ». Theo thông tín viên của tờ báo, nếu tổng thống Donald Trump tái đắc cử vào tháng 11 tới, Trung Quốc không mấy buồn lòng vì sẽ lợi dụng được việc Mỹ co cụm để dấn tới trên trường quốc tế, trong khi Joe Biden có thể liên kết được các đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ.

Cộng Hòa và Dân Chủ Mỹ đều muốn đối đầu với Trung Quốc

Ông Trump trong bốn năm qua đã liên tục đối địch với Trung Quốc, tố cáo thâm hụt thương mại lớn lao, chỉ trích việc xử lý đại dịch « virus Trung Quốc », cáo buộc Hoa Vi (Huawei) đe dọa an ninh quốc gia. Nhiều lần Donald Trump tuyên bố « Không ai cứng rắn với Trung Quốc như tôi », nói rằng Trung Quốc sẽ làm mọi cách khiến ông thất cử và mô tả đối thủ Joe Biden là một người nhu nhược trước Bắc Kinh. Tuy nhiên cuốn sách gây bão của cựu cố vấn an ninh John Bolton vẽ lên một chân dung ngược lại : một ông Trump muốn Trung Quốc mua nông sản Mỹ để ông có thể tái đắc cử, và làm ngơ trước các trại cải tạo Tân Cương.

Vương Nghĩa Nguy (Wang Yiwei), viện trưởng Viện quan hệ quốc tế của trường đại học Nhân Dân Trung Quốc, cũng cho rằng « đó là ứng cử viên đỡ tệ hại nhất cho Trung Quốc ». Đối với các chuyên gia, rõ ràng là quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington tiếp tục xuống cấp, cho dù ông chủ sắp tới của Nhà Trắng là ai đi nữa. Tín Cường (Xin Qiang), phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ của trường đại học Phục Đán ở Thượng Hải, giải thích : « Có một sự đồng thuận chiến lược giữa Cộng Hòa và Dân Chủ về việc Trung Quốc là một địch thủ cần phải kìm hãm lại ».

Trong những tháng gần đây, Quốc Hội Mỹ đã vượt qua những bất đồng nội bộ để gần như là đồng thuận trong việc tố cáo việc Bắc Kinh siết lại tự do của Hồng Kông, đàn áp người Duy Ngô Nhĩ. Đại dịch do virus xuất phát từ Vũ Hán gây ra chỉ làm cho quan điểm của phía Mỹ thêm cứng rắn.

Trump tái đắc cử : Đồng minh chia rẽ, Bắc Kinh thủ lợi

Với một Donald Trump bất định, đành rằng chế độ Bắc Kinh phải tiếp tục chịu áp lực về thương mại và những tuyên bố bốc đồng, nhưng có thể lợi dụng chủ trương cô lập của Mỹ để gia tăng ảnh hưởng trên trường quốc tế và các định chế đa quốc gia. Coi đây là « cơ hội cho Trung Quốc », ông Tín Cường cũng cho rằng « một doanh nhân thực dụng như ông Trump không thực sự có quan điểm về ý thức hệ, và không quan tâm lắm đến nhân quyền ».

Ngược lại, phe Dân Chủ được cho là thiên về bảo vệ các giá trị dân chủ. Tuy Joe Biden có thể cố gắng nối lại đối thoại với Trung Quốc về khí hậu, khủng bố hay nguyên tử Iran, Bắc Kinh lo rằng ông Biden tìm cách liên kết các quốc gia, đặc biệt là châu Á và châu Âu, vốn đang quan ngại trước sự hung hăng của Trung Quốc.

Les Echos kết luận, vào lúc đại dịch corona làm tăng sự nghi ngại của phương Tây trước Bắc Kinh, một tổng thống Mỹ đoàn kết được nhiều nước trong một mặt trận chung là trở ngại cho Trung Quốc, còn việc ông Donald Trump tái đắc cử sẽ mở ra một đại lộ cho Bắc Kinh tung hoành.

Phe sinh thái Pháp đứng trước thử thách quyền lực

Cuộc bầu cử địa phương lần hai tại Pháp là tựa trang nhất của nhiều báo Paris hôm nay 29/06/2020. Libération chơi chữ « Phe sinh thái tiến bước » : đảng Xanh liên minh với cánh tả giành được nhiều ghế thị trưởng, nắm lấy ngọn cờ đổi mới từ tay đảng Cộng Hòa Tiến Bước của tổng thống Emmanuel Macron. La Croix chạy tựa trang nhất « Sự đột phá của đảng Xanh », Le Figaro nhận định « Làn sóng sinh thái giúp cánh tả hồi sinh ». Le Monde ra từ ngày hôm trước, chú trọng vào « Bài biện hộ cho châu Âu của bà Angela Merkel ». Les Echos quan tâm đến « Việc cho ngưng hoạt động nhà máy điện Fessenheim gây tranh cãi » : lò nguyên tử « cao niên » nhất nước Pháp sẽ đóng cửa vào ngày mai, do chính phủ hứa giảm tỉ lệ điện nguyên tử từ 70% xuống còn 50%.

Trong bài xã luận mang tên « Trước thử thách quyền lực », La Croix ví von : một sa mạc và một làn sóng. Trước hết là sa mạc : có đến 6/10 cử tri không đến phòng phiếu để bầu ra thị trưởng của mình. Và một làn sóng xanh đã dâng lên : nhiều người Pháp tại các thành phố lớn như Lyon, Bordeaux, Strasbourg, Marseille… đã ngả sang sinh thái.

Các thành phố này trong sáu năm tới sẽ được một thị trưởng Sinh thái-Xanh lãnh đạo. Về chính trị, đây là một làn sóng ngoạn mục, vì đảng này hồi bầu cử tổng thống Pháp năm 2017 còn không thể giới thiệu nổi một ứng cử viên, nay lại đang đứng trước cánh cửa quyền lực. Ở cấp quốc gia, thách thức quyền lực lại thường trở thành ảo tưởng, như trường hợp của ông Nicolas Hulot.

Kết quả bầu cử lần này còn là một thách thức cho tổng thống Emmanuel Macron. Đảng Cộng Hòa Tiến Bước (LREM) của ông đã thất bại khi muốn cắm rễ tại địa phương. Nhân vật duy nhất trong đảng chiến thắng oanh liệt là thủ tướng Édouard Philippe, tái đắc cử ở Havre, người mà ông Macron ngần ngại chưa dám chia tay.

Cánh tả hồi sinh, Macron chật vật

Bài xã luận dài « Phía sau làn sóng xanh » của Le Figaro nhận định, đó là một kết quả đáng buồn cho đảng cực hữu vốn đang hy vọng thủ lợi từ tâm trạng bất ổn, đáng thất vọng cho đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa (RN) vì làn sóng này lấn lướt những kết quả khích lệ tại các thành phố nhỏ và trung bình. Nhưng thất bại càng nặng nề hơn đối với đảng của tổng thống Macron vì phải từ bỏ giấc mộng bắt rễ trong trái tim đất nước. Trong giai đoạn sắp tới, ông sẽ phải thích ứng với một cuộc khủng hoảng dịch tễ luôn sẵn sàng tái phát, một trận sóng thần kinh tế xã hội và nhiều khó khăn khác nhau về chính trị.

Theo tác giả, sai lầm thứ nhất là nghĩ rằng hiện tượng này chỉ là nhất thời. Vấn đề môi trường nay là lương tâm chính trị tại các nước phát triển. Ban đầu từ giới trẻ và trung lưu đô thị, nay mọi giai cấp trong xã hội và mọi thế hệ đều ý thức được.

Sai lầm thứ hai là cho rằng đây chỉ là những lá phiếu để bày tỏ sự không hài lòng với hệ thống chính trị truyền thống. Đó là sự tái sinh của khối cánh tả từ xã hội đến cực tả, đảng xanh, đảng cộng sản, mà cột trụ nay không còn là đảng xã hội mà là phe sinh thái. Trước một cánh tả hồi sinh từ đống tro tàn, ông Macron không còn chọn lựa nào khác ngoài việc liên kết cánh trung và cánh hữu, với một lượng cử tri đủ rộng cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2022 mà ông có một ít hy vọng chiến thắng.

Nhà máy điện hạt nhân Fessenheim bị bức tử

Bước sang lãnh vực năng lượng, Le Figaro tỏ ra nuối tiếc khi « Fessenheim tắt lịm », Les Echos chạy tựa trang nhất « Việc cho ngưng hoạt động nhà máy điện Fessenheim gây tranh cãi ». Lò nguyên tử « cao niên » nhất nước Pháp sẽ đóng cửa vào ngày mai, do chính phủ hứa giảm tỉ lệ điện nguyên tử từ 70% xuống còn 50%.

Vào lúc nửa đêm thứ Hai rạng sáng thứ Ba 30/06, lò phản ứng số 2 của nhà máy điện nguyên tử ở vùng Haut-Rhin sản xuất ra những megawatt điện cuối cùng trong lịch sử của mình, bốn tháng sau khi lò số 1 bị cho ngưng hoạt động. Le Figaro cho biết điều mỉa mai là lò số 2 đã tự động ngưng khi bị giông gió mạnh hôm thứ Sáu, rồi cuối ngày thứ Bảy lại phải phục vụ thêm vài tiếng đồng hồ cuối cùng.

Việc đóng cửa Fessenheim đã được hai tổng thống liên tiếp hứa hẹn là François Hollande và Emmanuel Macron. Ngoài lời hứa do ông Hollande đưa ra nhằm kiếm phiếu của phe sinh thái năm 2012 nay phải thực hiện, chính quyền Macron hiện nay còn cho rằng nhà máy đã già cỗi, và cũng muốn giảm tỉ lệ điện nguyên tử xuống còn 50%. Tuy nhiên Cơ quan Năng lượng Quốc tế (AIE) nhấn mạnh vai trò của nguyên tử trong việc giảm thải carbonic.

Les Echos trong bài xã luận « Nguyên tử : Cuộc tranh luận bị cấm đoán » nhận định nước Pháp đã dần dà ngả sang một dạng tư duy độc tài sinh thái. Dư luận cho rằng nguyên tử là nguy hiểm, để lại rác thải phóng xạ cho thế hệ tương lai, nên tập trung cho năng lượng tái tạo. Bảo vệ cho uranium trở thành cấm kỵ, và như vậy tương lai của điện nguyên tử được dựa trên cảm tính chứ không phải lý tính, trong khi vấn đề này cần phải được tranh luận đến nơi đến chốn.

Xe hơi, xe đạp chạy điện ngày càng phổ biến, như vậy phải sạc pin nhiều hơn, và nguyên tử lực bổ sung được cho những hạn chế của điện mặt trời và điện gió. Tất nhiên không phải hoàn hảo, nhưng khi không dám nêu ra những ưu điểm của nó trước dư luận, các nhà lãnh đạo chính trị đã tự bắn vào chân của một nước Pháp lẽ ra phải coi nguyên tử là một trong những ưu thế của mình. Chính nhờ điện nguyên tử mà Pháp là một trong những nước góp phần nhiều nhất vào việc chống hâm nóng khí hậu.

Nga : Phòng phiếu « trăm hoa đua nở » để phục vụ cho Putin

Tại Nga, một cuộc bỏ phiếu diễn ra từ thứ Năm tuần trước 25/06 để giúp tổng thống Vladimir Putin tiếp tục tại vị.

Libération mô tả vô số phòng phiếu đủ kiểu được dựng lên khắp nơi với cớ tránh tập trung đông người trong mùa dịch, nhưng thực chất nhằm khoác cái vỏ trưng cầu dân ý một cách dân chủ, để ông Putin cai trị thêm 12 năm nữa.

Thành phố Matxcơva còn tổ chức xổ số trúng thưởng để thu hút người đi bỏ phiếu, công nhân viên bị thúc giục đi bầu, có người dù từ chối bỏ phiếu trên internet nhưng vẫn nhận được tin nhắn xác nhận đã đăng ký. Dojd, một tờ báo độc lập phát hiện có những thẻ SIM và số an sinh xã hội được phân phát. Mỗi tài khoản tạo ra để bỏ phiếu trên mạng được tặng 75 rúp (gần bằng 1 euro), mỗi lá phiếu được thưởng thêm 50 rúp.

Leyen, Lagarde, Merkel : Ba phụ nữ sẽ cứu vãn châu Âu

Trên lãnh vực kinh tế, Les Echos vinh danh « Ba người phụ nữ sẽ cứu vãn châu Âu ». Đó là Ursula von der Leyen, Christine Lagarde và Angela Merkel, ba phụ nữ ở độ tuổi 60 đã đánh thức Liên Hiệp Châu Âu (EU) để đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng tệ hại nhất. Cả ba đã biết đưa ra quyết định đúng đắn kịp thời, tuy họ chưa hề được chờ đợi trong vai trò này.

Angela Merkel được cho là đang ở vào buổi hoàng hôn chính trị, sau 13 năm cầm quyền. Gần như không còn ai trông cậy vào bà để thúc đẩy EU. Ursula von der Leyen, bộ trưởng Quốc Phòng Đức, vừa làm chủ tịch Ủy Ban Châu Âu có vài tháng. Christine Lagarde được lên làm chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (BCE) một phần nhờ là phụ nữ, vì bà chưa bao giờ lãnh đạo một ngân hàng quốc gia, thậm chí còn không phải là nhà kinh tế.

Ngày 18/03, bà Lagarde loan báo một kế hoạch đại quy mô để hỗ trợ nền kinh tế : BCE cam kết mua lại trong vòng vài tháng 1.000 tỉ euro trái phiếu nợ của các nhà nước thành viên và doanh nghiệp, một chiến lược còn tham vọng hơn cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Một ít thời gian sau, bà Merkel mới hành động, nhưng bà đã ý thức được rằng giảm phát sẽ làm các nước Nam Âu suy sụp, tạo nguy cơ cho thị trường chung. Nữ thủ tướng thận trọng và lý tính chấp nhận đề nghị của tổng thống Pháp : EU vay 500 tỉ euro và phân phối cho những nước dễ tổn thương nhất. Khi trả lời phỏng vấn của Le Monde, bà Merkel nhấn mạnh « Cần phải có lời đáp đặc biệt trong tình huống đặc biệt ».

Nhờ sự đổi hướng của bà Merkel, bà Leyen đã tiến hành các chương trình mua chung và dự trữ thiết bị bảo hộ y tế cho EU, đưa ra kế hoạch tái thúc đẩy 750 tỉ euro. Bà cũng đặt nền tảng cho một liên minh y tế, bảo vệ các ngành kỹ nghệ chiến lược của châu Âu trước Trung Quốc, lập quỹ nghiên cứu vac-xin chung. (RFI)