Vì sao không kiếm được nhiều tiền? Đừng để rơi vào bẫy lãng phí thời gian
Không ít người luôn muốn có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn, đời sống kinh tế dư giả hơn. Chỉ cần có phương pháp tư duy làm việc lương theo giờ sẽ có thể thay đổi đáng kể tình trạng hiện tại. Vì tư duy lương theo giờ giúp bạn cải thiện chất lượng hành động, suy nghĩ và tránh lãng phí rất nhiều thời gian.
Khi bạn biết cách tư duy lương theo giờ, bạn sẽ không để cuộc sống của mình trở nên vô nghĩa. Ngược lại, nếu bạn không biết cân nhắc tiền lương theo giờ, bạn sẽ sống một cuộc sống không mục đích và đến những giây phút cuối cùng của cuộc đời cũng chẳng có cảm giác thành tựu gì, chỉ cảm thấy tiếc nuối trống rỗng trong vô vọng.
Ngoài ra, khi không dùng tư duy lương theo giờ để làm rõ mức lương hàng giờ kiếm được, bạn sẽ không thể phân biệt rạch ròi điều gì nên làm và không nên làm. Thậm chí, bạn sẽ làm những việc nhỏ không cần thiết khiến bản thân rơi vào bẫy lãng phí thời gian.
Nếu bạn muốn có một cuộc sống lý tưởng, cải thiện kinh tế và có thêm thời gian, bạn phải tối đa hóa giá trị hàng giờ của mình. Dù thời điểm này bạn đang gặp khó khăn gì, chỉ cần làm chủ được tiền lương theo giờ, chắc chắn bạn sẽ có thể phát triển, từ công việc đến cuộc sống cá nhân sẽ được cải thiện rất nhiều. Trân trọng từng giờ là điểm chung của tất cả những người đạt được thành công và hạnh phúc.
Đặt ra mục tiêu để cải thiện tiền lương theo giờ
Hầu hết mọi người đều trải qua mỗi ngày mà không hề biết tiền lương theo giờ của mình là bao nhiêu. Nếu bạn không trả lời được ngay câu hỏi “Lương theo giờ hiện tại của bạn là bao nhiêu?”, tương đương với việc bạn không nắm vững phương pháp tư duy trả lương theo giờ, vậy hãy nhanh chóng thử tính lương của mình theo giờ ngay nhé!
Phương pháp tính rất đơn giản. Giả sử một người có mức lương hàng tháng là 400.000 yên, làm việc 40 giờ một tuần, tổng cộng 160 giờ một tháng. Cách tính sẽ là thế này:
400.000 yên (khoảng 88,5 triệu đồng) ÷ 160 giờ = 2.500 yên (553.000 đồng). Đây là tiền lương một giờ của người đó.
Vậy lương theo giờ của một người có mức lương hàng năm 10 triệu yên là bao nhiêu? Ta sẽ theo cách tính như sau:
10 triệu yên (2 tỷ 232 triệu) ÷ 12 tháng = khoảng 840.000 yên (187 triệu). Đây là lương hàng tháng.
Sau đó chia cho 20 ngày làm việc: 840.000 yên ÷ 20 ngày = 42.000 yên (khoảng 9 triệu 400). Đây là mức lương hàng ngày.
Lại chia cho 8 giờ làm việc mỗi ngày: 42.000 yên ÷ 8 giờ = khoảng 5.000 yên (1,1 triệu). Đây là lương mỗi giờ. Do đó có thể thấy một người có mức lương hàng năm 10 triệu yên được trả khoảng 5.000 yên/giờ.
Tiếp theo, hãy thử tính lương theo giờ của bạn. Có lẽ hơn một nửa số người rất ấn tượng về khoảng cách giữa họ và những người có mức lương hàng năm là 100 triệu yên và lương theo giờ là 50.000 yên. Tình hình thực tế là sau khi nhận được sự hướng dẫn của tôi, nhiều người đã tăng lương theo giờ của họ lên hơn 5.000 yên, vì vậy tôi có thể nói rằng điều này không phải là không thể đạt được.
Tuy nhiên, sau khi tính lương theo giờ, vẫn có người không muốn thử vì nghĩ rằng họ không thể đạt được 5.000 yên/giờ. Thật đáng tiếc, một khi bạn từ bỏ, bạn sẽ không thể tiến bộ từ mức bạn đang có. Do đó, điều quan trọng nhất là đặt mục tiêu và tăng độ nhạy bén đối với tiền lương theo giờ, đồng thời làm rõ điều gì nên làm và điều gì không nên làm.
Hãy quan tâm đến giá trị của thời gian
Điều tiếp theo tôi muốn giải thích là bằng cách nắm vững tư duy trả lương theo giờ, bạn có thể nắm được chìa khóa để tự do kinh tế và tự do thời gian. Mặt khác, nó cũng giải thích rõ phương thức tư duy của bạn thực sự bị giới hạn bởi số tiền kiếm được hiện tại như thế nào.
Theo tôi thấy, một người có mức lương hàng năm là 3 triệu yên sẽ tập trung vào việc liệu anh ta có thu nhập ổn định không và mức lương hàng tháng của anh ta là bao nhiêu. “Mô hình tư duy lương tháng” như vậy sẽ khiến anh ta chỉ kiếm được 3 triệu yên mỗi năm.
Tôi nghĩ những người có mức lương hàng năm là 100 triệu yên sẽ dùng tư duy làm việc với mức lương theo giờ và họ không bao giờ làm việc với mức lương hàng giờ dưới 50.000 yên, hơn nữa họ có nhận thức đầy đủ về điều này. Họ rất rõ ràng về những gì nên làm hoặc không nên làm. Chính vì điểm này trên cơ bản là khác so với những người không suy nghĩ như vậy nên quan niệm và cách làm cũng hoàn toàn khác nhau.
Nói cách khác, những người có tư duy làm việc với mức lương theo giờ sẽ chỉ làm công việc đáp ứng được mức lương theo giờ của họ vì họ quan tâm đến giá trị của thời gian.
Cơ cấu kinh doanh “CAPD”, bí quyết quan trọng để tăng doanh thu
PDCA là từ viết tắt tiếng Anh của bốn giai đoạn PLAN (lập kế hoạch), DO (thực hiện), CHECK (đánh giá, kiểm tra) và ACTION (cải tiến). Đây là một phương pháp để đạt được mục tiêu.
Để bạn biết cách sử dụng cơ cấu này, tôi sẽ lấy ví dụ là một kỳ thi. Trong giai đoạn PLAN (lập kế hoạch), người ta quyết định mỗi ngày “đọc hết sách tham khảo để chuẩn bị cho kỳ thi”; trong giai đoạn DO (thực hiện) là “đi thi nhưng kết quả không đủ tiêu chuẩn”, trong trường hợp này vẫn chấp nhận kết quả sau đó vượt qua CHECK (Kiểm tra, đánh giá) bằng cách “tìm hiểu lý do bị loại”, và cuối cùng là giai đoạn ACTION (cải thiện): “cải tiến phương pháp đọc sách”.
Nói chung, những quá trình cải thiện cơ cấu làm việc này là PDCA. Phương pháp PDCA được rất nhiều người kinh doanh tin tưởng. Tuy nhiên, tôi lại có thái độ hoài nghi với PDCA, đặc biệt là đối với những người mới bắt đầu làm công việc nào đó thì việc áp dụng phương pháp này để có được hiệu quả thực sự vô cùng mơ hồ.
Nói thế nào nhỉ? Tôi nghĩ rằng khi một người đối mặt với điều mà mình chưa từng làm trước đây, không chỉ khó nắm bắt những điểm chính mà còn rất khó để đạt được hiệu quả. Ví dụ, trong kỳ thi kiểm tra năng lực nêu trên, hầu hết mọi người chỉ có cơ hội thi mỗi năm một lần, do đó nếu dùng PDCA để ôn thi thì rủi ro quả thực quá cao.
Theo tôi thấy, chúng ta nên bắt đầu bằng bước CHECK (kiểm tra, đánh giá). Đối với những người quyết định tham gia kỳ thi, trước hết, cần bắt đầu bằng việc kiểm tra (C). Đầu tiên cần hiểu rõ những người vượt qua kỳ thi đã chuẩn bị như thế nào, và những người không vượt qua đã làm không tốt ở đâu.
Sau đó, dựa trên kết quả của việc kiểm tra, bắt đầu tìm ra những chỗ cần cải thiện khi chuẩn bị học, đọc sách (A), rồi lập kế hoạch học tập hợp lý (P), và cuối cùng mới đưa nó vào hành động (D). Làm như vậy bạn sẽ có cơ hội đạt được kết quả như mong đợi.
Phương pháp này bắt đầu từ CHECK, tôi gọi nó là CAPD, nếu có thể tuân theo cấu trúc này để tiến hành theo trình tự thì sẽ có hiệu quả rất lớn trong việc cải thiện mức lương theo giờ của bạn. Dưới đây tôi sẽ giải thích từng bước cách sử dụng CAPD để tăng thu nhập hàng giờ.
① CHECK (kiểm tra, đánh giá)
Đầu tiên, hãy liệt kê những người bạn ngưỡng mộ hoặc coi họ như tấm gương để noi theo. Sau đó xem xét điều người đó hay làm là gì và không làm là gì, phương pháp xác định thứ tự ưu tiên như thế nào.
② ACTION (cải thiện)
So sánh các kết quả của bước CHECK (kiểm tra) với tình hình thực tế của bạn và xác định những gì bạn nên áp dụng, những gì nên loại bỏ.
③ PLAN (lập kế hoạch)
Sau đó, dựa theo trình tự thời gian mà tách từng công việc cần làm ra để đạt được mục tiêu.
④ DO (thực hiện)
Cuối cùng, hãy thực sự hạ quyết tâm để đưa nó vào thực tế.
Khi bạn thực sự sử dụng phương pháp này để hành động, rất có thể sẽ gặp phải vấn đề. Vậy bạn hãy làm theo chu trình CAPD một lần nữa, không ngừng sửa đổi và thực hiện nó cho đến khi bạn đạt được kết quả lý tưởng của mình.
Tôi có thể nói với bạn rằng, duy trì vận hành CAPD một cách tuần hoàn là một trong những bí quyết quan trọng để học cách tư duy trả lương theo giờ và kiếm được mức lương lý tưởng theo giờ một cách hiệu quả. Nếu bạn muốn tăng lương theo giờ thì việc tăng hiệu suất công việc là điều tuyệt đối cần thiết.
Những gì bạn nên và không nên làm
Điều tiếp theo tôi muốn nói rõ chính là những gì bạn nên và không nên làm để nâng cao hiệu quả công việc. Theo tôi được biết, nhiều người kinh doanh thường có thói quen viết quá trình và danh sách các việc cần làm vào sổ tay. Và một mục quan trọng khác trong danh sách việc cần làm, đó là làm rõ thứ tự ưu tiên của mọi việc.
Như vừa đề cập, chỉ có nâng cao hiệu quả công việc thì mới có thể tăng lương theo giờ thành công, mấu chốt lúc này là bạn chỉ có thể làm công việc cần thiết nhất. Vì vậy, làm thế nào để quản lý mức độ ưu tiên của các nhiệm vụ khác nhau một cách nhanh chóng, ngắn gọn và dễ hiểu là một bước rất quan trọng.
Thay vì dùng chữ viết tay để ghi sổ, bạn có thể dùng Lịch Google (Google Calendar). Thực tế cá nhân tôi thường ghi lại tất cả các hạng mục công việc trong danh sách việc cần làm trên Lịch Google.
Lịch Google không chỉ có thể xếp đặt trình tự công việc ưu tiên mà còn quản lý quá trình một cách hiệu quả. Ngoài ra, nó còn có thể dễ dàng quản lý thời hạn và thời gian thực hiện công việc, cũng như đặt lời nhắc để tránh những tổn thất do quên gây ra. Đây là một tính năng rất đáng giá.
Hơn nữa, trong Lịch Google còn có thể sử dụng màu sắc để phân biệt mức độ ưu tiên các nhiệm vụ, rất tiện lợi cho người dùng. Bạn chỉ cần đặt nhiệm vụ bằng màu đỏ, xanh lam, xanh lá cây, vàng và các màu khác tùy theo mức độ khẩn cấp mà nhìn một cái là có thể hiểu ngay nên bắt đầu với công việc nào.
Ngoài ra còn có các chức năng khác như đánh dấu sao, có thể tùy ý sử dụng để cá nhân hóa mức độ nào đó, chỉ cần bạn bỏ ra một chút công phu, bạn sẽ cảm thấy vô cùng tiện lợi.
Bên cạnh đó, sổ ghi chú viết tay là thích hợp nhất trong việc nhớ lại, cải thiện chiến lược và soát sai sót… Kinh nghiệm của tôi là càng sử dụng giỏi sổ tay hoặc Lịch Google để đặt thứ tự ưu tiên và sắp xếp thời điểm hoàn thành công việc, kết quả cuối cùng sẽ càng tốt hơn.
Bằng cách sắp xếp thứ tự ưu tiên công việc nặng nhẹ, loại bỏ những việc không cần thiết và tập trung vào công việc cần thiết, sẽ có thể nâng cao hiệu quả và tiền lương theo giờ.
Nhưng trước đó, bạn phải biết chính xác cách thiết lập các ưu tiên. Ví dụ, ai cũng biết rằng nên ưu tiên cho những công việc có tính cấp thiết cao, điều này vô cùng quan trọng để đạt được mục tiêu của bản thân.
Tuy nhiên, trên thực tế, lý do khiến hầu hết mọi người thất bại là vì rất khó để thực sự từ bỏ những thứ không quan trọng, và thậm chí có nhiều người còn nhầm lẫn khi để tâm vào những nhiệm vụ không thiết yếu.
Để ngăn điều này xảy ra, bạn phải chắc chắn về những gì bạn không cần thiết làm. Ví dụ, ngay cả khi đó là công việc bạn đang làm, một khi bạn thấy rằng nó chứa những việc không cần thiết, bạn nên buông và dứt khoát từ bỏ nó. Chỉ khi bạn đối mặt với những điều không cần thiết một cách rõ ràng thì bạn mới thực sự thực hiện những điều cần thiết một cách chu đáo và cuối cùng mang lại kết quả tốt đẹp. (T/H theo EpochTimes)