Sunday, November 3, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Vì sao chưa nhiều quốc gia Châu Á phê duyệt vắc-xin Covid-19?

Chính quyền Hồng Kông đang đợi thêm dữ liệu chi tiết hơn về các cuộc thử nghiệm lâm sàng trước khi triển khai kế hoạch tiêm chủng vào tháng 2 tới – Ảnh: Bloomberg.

Ngược với các nước phương Tây đang gấp rút triển khai tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cho toàn dân, hầu hết quốc gia Châu Á chưa cấp phép cho loại vắc-xin nào…

Trong cuộc chiến chống Covid-19, những quốc gia nhanh chóng triển khai giãn cách xã hội và truy vết tiếp xúc hầu hết đều kiểm soát được đại dịch. Tuy nhiên, công dân tại các quốc gia này đang đi sau nhiều nơi khác trong tiêm chủng vắc-xin. Câu hỏi đặt ra là tại sao các nước này còn chần chừ trong việc phê duyệt vắc-xin ngừa Covid-19, khác với nhiều quốc gia phương Tây như Anh, Mỹ, Canada?

Khắp nơi tại châu Á Thái Bình Dương, các chính phủ từ Úc cho tới Nhật Bản, Hàn Quốc đều chưa cấp phép cho các loại vắc-xin Covid-19, đặc biệt là khi đã có 2 vắc-xin được chứng minh mang lại hiệu quả tới hơn 90%. Ngược lại, nhiều quốc gia phương Tây đang gấp rút triển khai tiêm chủng toàn dân. 

“LÙI LẠI PHÍA SAU VÀ QUAN SÁT”

Theo Bloomberg, dù động thái thận trọng của châu Á có vẻ kỳ lạ trong bối cảnh cần phải nhanh chóng đưa cuộc sống trở lại bình thường, tỷ lệ lây nhiễm thấp đồng nghĩa các chính phủ châu Á hoàn toàn có thể đợi thêm để quan sát hiệu quả của chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn chưa từng thấy trong lịch sử này tại những nơi khác. 

Tuy nhiên, chiến lược này có thể khiến các quốc gia châu Á gặp bất lợi trong việc phục hồi nền kinh tế so với những nơi kiểm soát dịch không thành công nhưng triển khai tiêm chủng nhanh chóng, hãng tin Bloomberg bình luận. 

Mặc dù vậy, quan chức nhiều nước phản biện rằng sự chậm trễ này là bởi họ có cách tiếp cận an toàn hơn. 

“Chẳng có vấn đề gì khi lùi lại phía sau và quan sát xem những nơi khác triển khai mọi thứ ra sao”, Lam Ching-choi, thành viên Hội đồng Điều hành cố vấn cho lãnh đạo Hồng Kông (Trung Quốc) và cũng là một bác sĩ, nhận xét. 

Vì sao chưa nhiều quốc gia châu Á phê duyệt vaccine Covid-19? - Ảnh 1.
Một điểm xét nghiệm vắc-xin Covid-19 tại Hồng Kông vào tháng 12/2020 – Ảnh: Bloomberg.

Chính quyền Hồng Kông vẫn chưa phê duyệt vắc-xin Covid-19 nào và đang đợi thêm dữ liệu chi tiết hơn về các cuộc thử nghiệm lâm sàng trước khi triển khai kế hoạch tiêm chủng vào tháng 2 tới.

Trong khi đó, Úc dự kiến phê duyệt vắc-xin do hãng dược Mỹ Pfizer Inc. và  BioNTech SE đồng phát triển vào cuối tháng 1 và cấp phép cho vắc-xin của hãng dược Anh AstraZeneca Plc vào tháng sau đó. Chiến dịch tiêm chủng sẽ được triển khai từ tháng 2. 

Ngược lại, Mỹ và Anh thông báo đến nay đã tiêm tổng cộng 14 triệu liều vắc-xin cho người dân sau khi nhanh chóng phê duyệt vắc-xin vào tháng trước. Còn Israel đã tiêm được 2 triệu liều. 

CHỜ ĐỢI ĐỂ RÚT KINH NGHIỆM

Theo Bloomberg, các quan chức và nhiều chuyên gia y tế châu Á tỏ ra lo lắng vì đây là lần đầu tiên công nghệ mới dựa trên vật liệu di truyền gọi là RNA thông tin (còn gọi mRNA) được sử dụng cho vắc-xin, kích thích cơ thể tạo ra các protein giúp phát triển kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2 (Covid-19). Đây cũng là nỗ lực tiêm chủng toàn cầu đầu tiên được triển khai với tốc độ thần tốc như vậy. 

Dù hàng triệu người đã được tiêm vắc-xin mà chưa xảy ra vấn đề gì nghiêm trọng, một số chuyên gia cảnh báo về các phản ứng bao gồm sốc phản vệ và các sự cố như vụ nhân viên y tế tử vong sau 16 ngày tiêm Pfizer mặc dù chưa xác định mối liên hệ. 

“Thời gian chờ đợi thêm cho phép các quốc gia học hỏi kinh nghiệm từ những nước đã triển khai phân phối vắc-xin”, Adam Taylor, nhà virus học tại Đại học Griffith (Úc), nhận định. “Càng có nhiều thông tin về quá trình phân phối và sự an toàn của vắc-xin, bạn càng tự tin khi triển khai chiến dịch tiêm chủng của mình. Hơn nữa, công nghệ dùng trong vắc-xin của Pfizer và Moderna chưa từng được sử dụng trên cơ thể người. Dù vắc-xin có vẻ an toàn, càng có nhiều dữ liệu càng tốt”. 

Vì sao chưa nhiều quốc gia châu Á phê duyệt vaccine Covid-19? - Ảnh 2.
Một người dân Anh được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 tại Epsom, Anh vào tháng 1/2021. Anh đã cấp phép cho vắc-xin Pfizer-BioNTech và đang triển khai tiêm chủng toàn dân – Ảnh: Bloomberg.

Nhiều quốc gia cũng tỏ ra quan ngại về việc các hãng dược được miễn trừ trách nhiệm pháp lý trong những cuộc đàm phán chóng vánh về việc cung cấp vắc-xin Covid-19. Bộ trưởng Y tế Hàn Quốc Park Neunghoo cho biết nhiều quốc gia đã bị buộc phải ký “những hợp đồng không công bằng” với các công ty này do bản chất chưa có tiền lệ của đại dịch toàn cầu Covid-19. Hàn Quốc có kế hoạch triển khai tiêm chủng vào tháng 2 tới. 

“Ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, những công ty này đều yêu cầu được miễn trừ trách nhiệm”, ông Park Neunghoo chia sẻ trong một cuộc họp báo gần đây. Ông nhấn mạnh rằng cơ quan chức năng Hàn Quốc cần thêm thời gian để xem xét kỹ lưỡng dữ liệu về tính an toàn của vắc-xin vì các công ty dược sẽ không phải chịu trách nhiệm cho bất kỳ rủi ro nào. 

“Việc vội vàng tiêm chủng cho toàn dân trước khi xác định được các rủi ro là điều hoàn toàn không nên”, Bộ trưởng Y tế Hàn Quốc nhấn mạnh. 

KHÔNG MUỐN LÀM CÔNG CHÚNG THẤT VỌNG

Theo phân tích của Bloomerg, một nguyên nhân khác khiến nhiều nước châu Á chậm triển khai tiêm chủng hơn so với các quốc gia phương Tây là họ không muốn làm giảm niềm tin của công chúng trong trường hợp chiến dịch này thất bại.

Điều này đặc biệt quan trọng đối với người dân tại nhiều nước châu Á, nơi niềm tin dành cho các loại vắc-xin vốn ở mức thấp. Theo một cuộc khảo sát về thái độ của người dân toàn cầu về vắc-xin Covid-19 của viện Ipsos, tỷ lệ người dân cho biết sẽ đồng ý tiêm vắc-xin đã giảm tới 9% trong giai đoạn từ tháng 10-12/2020 tại nhiều quốc gia châu Á, bao gồm Nhật Bản và Hàn Quốc – nơi có số ca nhiễm mới cao kỷ lục và dự kiến bắt đầu tiêm chủng vắc-xin Covid-19 vào cuối tháng 2. 

Vì sao chưa nhiều quốc gia châu Á phê duyệt vaccine Covid-19? - Ảnh 3.
Bảng hướng dẫn các biện pháp phòng dịch tại một trung tâm thương mại ở Melbourne, Úc vào đầu tháng 10/2020 – Ảnh: Bloomberg.

“Các chính phủ thấy rằng việc mua vắc-xin sớm với mức giá cao và sau đó không thể sử dụng một cách hiệu quả hoặc vắc-xin hết hạn sẽ là một thảm họa”, Jeremy Lim, phó giáo sư tại Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nhận xét. 

Theo Bloomberg, quan chức nhiều nước cũng cố gắng hạ bớt kỳ vọng và thông báo rằng việc triển khai tiêm chủng không đồng nghĩa các biện pháp hạn chế để phòng Covid-19 lập tức được gỡ bỏ. Bởi vì phải mất ít nhất một năm để tiêm chủng cho đủ số dân để tạo được miễn dịch cộng đồng. Hầu hết chuyên gia y tế công cho rằng cần tiêm chủng cho khoảng 80% dân số mới đạt được trạng thái miễn dịch cộng đồng. 

“Chẳng có lý do gì để mà phải vội vàng tiêm chủng cho 65% dân số nhưng rồi lại vấp váp trên đường và không thể tiêm cho 15% còn lại”, phó giáo sư Lim bình luận. “Vấn đề không phải là bạn nhanh cỡ nào mà là hoàn thành việc này hiệu quả ra sao”. (VNEco)