Tuesday, November 19, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Vì sao Bỉ có tỉ lệ tử vong do COVID cao nhất thế giới?

Quốc gia thịnh vượng nằm ở trung tâm châu Âu, là nơi đặt các thể chế quyền lực nhất của châu lục, nhưng lại là nước có tỉ lệ tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới.

Chú thích ảnh
Đến ngày 27/11, Bỉ ghi nhận trên 560.000 ca COVID-19 và trên 16.200 ca tử vong. Ảnh: Getty Images

Trước đây, trong một quá khứ không xa, các quốc gia được đánh giá dựa trên tình hình kinh tế, hiệu quả của các thể chế và khả năng tổ chức các cuộc bầu cử dân chủ.

Còn ngày nay, vị thế của một quốc gia trên trường quốc tế ít phụ thuộc hơn vào những khái niệm trừu tượng về quản trị tốt, mà tập trung vào một thứ rất cụ thể: năng lực kiểm soát đại dịch COVID-19. Có thể lấy Bỉ làm ví dụ.

Quốc gia 11,5 triệu dân này nằm ở trung tâm châu Âu, là nơi đặt các thể chế quyền lực nhất của châu lục. Nhưng điều đó cũng không ngăn được Bỉ vươn lên dẫn đầu một bản danh sách mà không một quốc gia nào muốn có mặt. Bỉ hiện là nước có tỉ lệ tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới: 1,385 ca/1 triệu dân, theo trang thống kê Worldometers.

Trong vòng 2 tuần qua, trung bình Bỉ ghi nhận 3.926 ca COVID mới và 173 ca tử vong mới mỗi ngày. Các bệnh viện công ở nước này, những cơ sở tốt nhất châu Âu, đều đang quá tải khi tiếp nhận gần 700 bệnh nhân COVID mỗi ngày. Các cửa hàng và doanh nghiệp không thiết yếu được yêu cầu đóng cửa từ ngày 2/11 và sẽ còn đóng thêm ít nhất một tuần nữa.

Với 180 quốc tịch, 100 ngôn ngữ được sử dụng và 2/3 cư dân sinh ra ở nước ngoài, Brussels là một trong những thành phố đa sắc tộc nhất trên thế giới. Một mặt sự đa dạng văn hóa này khiến Brussels trở thành một nơi hấp dẫn để sinh sống. Mặt khác, nền dân số cơ động khổng lồ đó cũng đã vô tình góp phần vào lây lan virus.

Chú thích ảnh
Một quảng trường ở Antwerp, Bỉ vào ngày 18/10/2020, một ngày trước khi chính phủ công bố lệnh giới hạn mới, bao gồm giới nghiêm ban đêm và đóng cửa các nhà hàng, quán cà phê. Ảnh: AP

“Bỉ là một tổ ong nhỏ ở trung tâm châu Âu, điều này khiến đất nước rất dễ bị virus xâm nhập và lây lan”, nhà virus học Steven Van Gucht nhận xét. “Người dân làm việc và sinh sống trong cái gọi là ‘bong bóng châu Âu’ đi lại rất nhiều, thường xuyên qua lại giữa Bỉ và quê hương của họ”.

Ngoài ra, còn có những yếu tố khác: Bỉ là một đất nước chia rẽ sâu sắc. Một chính phủ mới được thành lập vào tháng 9, với tân Thủ tướng Alexander De Croo được chỉ định. Nhưng trước cuộc bầu cử, đất nước này đã không có một chính phủ hoàn chỉnh suốt từ tháng 12/2018, khi liên minh 4 đảng tan rã. Hai đảng lớn nhất là đảng Xã hội nói tiếng Pháp và đảng N-VA ly khai nói tiếng Hà Lan đã không thể tìm được tiếng nói chung. Cuối cùng giải pháp là một liên minh 7 đảng thuộc 4 nhóm chính trị, mang biệt danh là Vivaldi.

Bỉ là một đất nước thiếu sự gắn kết dân tộc. Quốc gia bao gồm khu vực Wallonia nói tiếng Pháp ở miền Nam và vùng Flanders nói tiếng Hà Lan ở miền Bắc. Thủ đô Brussels là nơi dùng song ngữ, nhưng tọa lạc ở miền Bắc, vì thế bị bao quanh là những thị trấn, thành phố nói tiếng Hà Lan.

Những quyết định về đối ngoại, quốc phòng, tư pháp, tài chính, an sinh xã hội, nội vụ và y tế công cộng được đưa ra ở cấp liên bang. Vùng Flanders, Wallonia và Brussels được xác định theo ranh giới về văn hóa, ngôn ngữ, giáo dục, phúc lợi thanh niên và các khía cạnh khác của chính sách y tế. Mỗi khu vực cũng có quyền lập pháp và hành pháp riêng.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch tại Bỉ. Ảnh: DW

Trong làn sóng dịch đầu tiên hồi mùa Xuân 2020, vùng Flanders thịnh vượng hơn là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với số ca tử vong trong các viện dưỡng lão đặc biệt cao. Còn hiện tại, trong làn sóng thứ hai, vùng Wallonia và Brussels lại là nơi bị tấn công nặng nhất.

Trong lúc virus tiếp tục lây lan, phản ứng của các nhà chức trách được định hình bởi các ưu tiên khu vực và mục tiêu chính trị. Khi ông De Croo tuyên thệ nhậm chức vài tuần trước, trái với lời khuyên của các chuyên gia y tế và nỗ lực thống nhất quốc gia về một quan điểm chống dịch duy nhất, tân Thủ tướng đã nói rõ rằng ông muốn tránh một lệnh phong tỏa mới. “Hãy để tôi nói rất rõ là: Đất nước chúng ta, nền kinh tế và các doanh nghiệp của chúng ta không thể chịu được một cuộc phong tỏa hoàn toàn mới”.

Hiện thực được mô tả ở trên có vẻ giống như một tình trạng thất bại, ở những nơi lan tràn tham nhũng và thiếu quyền công dân. Nhưng trên thực tế, Bỉ là một quốc gia giàu có, với nền kinh tế được dẫn dắt bởi sự phát triển khoa học và công nghệ. Người dân từ khắp nơi trên thế giới đổ về đây để làm việc và học tập.

Đất nước này khác xa với Brazil, một trong ba quốc gia có số ca COVID cao nhất thế giới. Tổng thống cánh hữu Brazil Bolsonaro hầu như từ chối đeo khẩu trang, khuyến khích người ủng hộ phản đối các biện pháp hạn chế của các bang.

Tuy nhiên có một điểm giống nhau là cả Bỉ và Brazil đều là những quốc gia theo chủ nghĩa liên bang, nơi khó đạt được sự đồng thuận chung. Người dân ở những quốc gia như vậy được khuyến khích có những quan điểm khác nhau, nói lên suy nghĩ của họ và đặt câu hỏi về các quyết định chính trị của chính quyền trung ương.

Chú thích ảnh
Người đàn ông đạp xe qua cửa hàng sô cô la đóng cửa ở Antwerp, ngày 18/10/2020. Ảnh: AP

Ở cả hai quốc gia, đại dịch đã làm mở rộng những rạn nứt về lịch sử, khu vực và xã hội. Ở Bỉ, những người Flanders, khu vực công nghiệp giàu mạnh, lo ngại họ sẽ là những người thực hiện trách nhiệm nặng nề khôi phục nền kinh tế.

Trong nhiều tháng, những gì người dân được yêu cầu để tránh sự lây lan của dịch bệnh chỉ ở mức tối thiểu: ở nhà, rửa tay, tránh đám đông – hầu như không phải là nỗ lực đòi hỏi nhiều tiền bạc hoặc công nghệ. Điều họ cần là thứ thiếu ở hầu hết các xã hội tư bản phương Tây nhưng lại được tìm thấy ở những nơi khác xa xôi hơn trên thế giới: một tinh thần tập thể.

Những quốc gia đang phát triển như Mozambique, Senegal, Rwanda, Malaysia hay Việt Nam lại là những nơi đang mang đến cho thế giới một lớp học chuyên sâu về cách hành động trước một đại dịch toàn cầu. Đó là những nơi xã hội hỗ trợ lẫn nhau để thực hiện các lệnh giới nghiêm, tự cách ly, giãn cách xã hội, ngay cả trong những cộng đồng nghèo nhất.

Trong khi đó, ở phương Tây, miền đất nghiện tiêu dùng và cạnh tranh, chỉ một ngày sau khi kết thúc đợt phong tỏa đầu tiên ở Brussels vào đầu năm nay, đã có rất đông người xếp hàng bên ngoài cửa hàng H&M ở trung tâm thành phố. (BTT)