Vi khuẩn phát hiện ung thư: Úc đạt đột phá trong việc sàng lọc ung thư ruột
Các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu Y tế và Sức khỏe Nam Úc và Đại học Adelaide đã tạo ra vi khuẩn Acinetobacter baylyi có khả năng phát hiện gene KRAS đột biến gây ung thư ruột.
Một nhóm nghiên cứu quốc tế có sự tham gia của các nhà khoa học Úc vừa đạt được bước đột phá trong việc sàng lọc ung thư ruột thông qua phương pháp sử dụng vi khuẩn biến đổi gene.
Theo nghiên cứu mới công bố ngày Thứ Sáu 11/8, các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu Y tế và Sức khỏe Nam Úc (SAHMRI) và Đại học Adelaide đã tạo ra vi khuẩn Acinetobacter baylyi (A. baylyi) có khả năng phát hiện gene KRAS đột biến gây ung thư ruột.
Sau đó, nhóm nghiên cứu sàng lọc vi khuẩn này để tìm các chỉ dấu ADN gây bệnh. Quá trình được đặt tên là “CATCH” này đạt hiệu quả 100% trong việc phân biệt giữa các mẫu bệnh phẩm có chứa hoặc không chứa tế bào ung thư ruột.
Trong một thông cáo báo chí, đồng tác giả nghiên cứu Susan Woods nhấn mạnh CATCH có khả năng phát hiện sớm ung thư ruột, giúp giảm thiểu số người tử vong vì căn bệnh này cũng như các bệnh ung thư khác. Nghiên cứu mới còn cho thấy cách thức tạo ra vi khuẩn để phát hiện các chuỗi ADN cụ thể, giúp chẩn đoán bệnh ở những nơi khó tiếp cận.
Các nhà nghiên cứu hy vọng có thể đưa vi khuẩn A. baylyi vào cơ thể dưới dạng viên nang để sử dụng qua đường uống. Khi vào trong cơ thể, vi khuẩn này sẽ phát tín hiệu đến máu nếu phát hiện tế bào ung thư. Điều này cho phép các bác sĩ có thể dễ dàng chẩn đoán bệnh thông qua xét nghiệm máu.
Theo Hội đồng Ung thư Úc, ung thư ruột là căn bệnh ung thư được chẩn đoán phổ biến thứ tư ở quốc gia châu Đại Dương này. Ước tính cứ 19 người Úc lại có 1 người được chẩn đoán mắc ung thư ruột trước tuổi 85.
Vào năm 2020, có tới 5,354 người tử vong vì căn bệnh này. Trước đây, việc chẩn đoán ung thư ruột gặp nhiều khó khăn do bệnh thường không có triệu chứng trong giai đoạn đầu. (T/H, tintuc)