Vắc-xin phòng COVID-19 có thể phân chia theo lứa tuổi
Các chuyên gia y tế gần đây nhận định rằng nhóm tuổi khác nhau có thể sẽ nhận được loại vắc-xin phòng COVID-19 khác nhau.
Tờ Guardian (Anh) đưa tin trong tháng 11, vắc-xin COVID-19 do Đại học Oxford phối hợp với AstraZeneca sản xuất đã có hiệu quả 70% tới 90%.
Đối với hầu hết tình nguyện viên tham gia thử nghiệm 2 liều vắc-xin phòng COVID-19 của Đại học Oxford/AstraZeneca, mỗi liều cách nhau một tháng, hiệu quả đạt tới 62%. Nhưng đối với 3.000 tình nguyện viên được tiêm nửa liều trong lần đầu tiên, hiệu quả là 90%. Không có tình nguyện viên nào phải nhập viện hoặc tình trạng nghiêm trọng hơn vì COVID-19.
Vắc-xin phòng COVID-19 của Đại học Oxford/AstraZeneca có ưu thế giá thành rẻ và không cần bảo quản ở nhiệt độ cực thấp. Tuy nhiên, các tình nguyện viên thử nghiệm vắc-xin phòng COVID-19 của Đại học Oxford/AstraZeneca đều dưới 55 tuổi. Điều này đồng nghĩa với việc con số 90% hiệu quả không bao gồm người cao tuổi, vốn đối mặt với nhiều rủi ro hơn vì COVID-19.
Giáo sư Helen Fletcher tại Trường Y học nhiệt đới & Vệ sinh dịch tễ London nhận định: “Tôi cho rằng các nhà lập pháp nên cân nhắc về loại vắc-xin nào phù hợp với nhóm dân số đặc thù. Đây không phải là điều chưa từng có tiền lệ, chúng ta đã tiêm 3 loại vắc-xin phòng cúm khác biệt cho 3 nhóm là trẻ em, thanh niên và người cao tuổi. Chúng ta hiểu rằng nền tảng vắc-xin khác biệt sẽ phù hợp hơn với nhóm tuổi khác nhau”.
Bác sĩ Penny Ward tại Đại học King London phân tích: “Cần nhấn mạnh rằng vắc-xin phòng cúm có hiệu quả từ 50-60% và giảm tình trạng bệnh nghiêm trọng với nhóm dân số cao tuổi đã được tiêm”.
Các chuyên gia ước tính rằng thế giới cần khoảng 2 tỷ liều vắc-xin phòng COVID-19 vào cuối năm 2021 nếu những vắc-xin đang được thử nghiệm lâm sàng chứng minh hiệu quả. (BTT)