Sunday, December 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

USCIRF: Việt Nam phải cải thiện tự do tôn giáo và nhân quyền khi nâng cấp quan hệ với Mỹ


Hải Di Nguyễn

Ngày 5/9/2023, Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (U.S. Commission on International Religious Freedom, viết tắt USCIRF) đưa ra bản báo cáo mới về tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam.

USCIRF Hearing on Vietnam: Challenges and Opportunities for Religious Freedom

Ngày 7/9 vừa qua, USCIRF có một buổi điều trần trực tuyến về chủ đề này, được phát trực tiếp trên trang Facebook Bàn tròn Đa Tôn giáo Việt Nam.

Báo cáo của USCIRF nói gì?

Trong bản báo cáo năm 2023, USCIRF nói Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2018 của Việt Nam – trên văn bản lẫn trên thực tế – đều mâu thuẫn với tiêu chuẩn thế giới về tự do tôn giáo hay niềm tin.

Nhà nước Việt Nam kiểm soát mọi hoạt động tôn giáo, thành lập các nhóm hoặc chi phái quốc doanh, và đàn áp bằng cách trì hoãn hoặc không công nhận nhiều nhóm và tổ chức tôn giáo độc lập.

“Chính quyền địa phương ở Việt Nam tiếp tục sách nhiễu, thậm chí thẳng tay đàn áp các cộng đồng tôn giáo chưa đăng ký, đặc biệt trong các nhóm thiểu số”, báo cáo cho biết.

“Các nhóm bị nhắm mục tiêu bao gồm người H’mông và người Thượng theo đạo Chúa, Phật giáo Hòa Hảo, Phật giáo Thống nhất, tín đồ đạo Cao Đài, người Công giáo, và những người theo các tôn giáo mới như đạo Hà Mòn, Pháp Luân Công, đạo Dương Văn Mình, Hội Thánh của Đức Chúa Trời Hiệp hội Truyền giáo Tin Lành Thế giới, và các nhóm khác.”

Báo cáo của USCIRF cũng nhắc tới tù nhân lương tâm và vấn đề quyền sở hữu ở Việt Nam.

Buổi điều trần ngày 7/9/2023

Ueland at hearing
Ông Eric Ueland, Ủy viên USCIRF. 

Tại buổi điều trần, ông Frederick A. Davie (Phó Chủ tịch USCIRF) nói trong thập niên qua, Việt Nam có tiến bộ về tự do tôn giáo nhưng trong thời gian gần đây lại đi theo hướng ngược lại.

Ông cũng nhắc đến chuyến viếng thăm Việt Nam vào tháng 5/2023 của mình và ông Eric Ueland (Ủy viên USCIRF): quan sát riêng của ông về vấn đề tôn giáo ở Việt Nam rất khác với hình ảnh các quan chức nhà nước vẽ ra.

Theo lời ông, các tổ chức tôn giáo, đăng ký hay không đăng ký, đều nói hệ thống đăng ký tôn giáo ở Việt Nam là công cụ của nhà nước để kiểm soát tôn giáo và cản trở tự do tôn giáo.

Ông Eric Ueland nói “Việt Nam hiện nay chưa thực hiện các nghĩa vụ quốc tế” về tự do và nhân quyền.

Dân biểu Liên bang Zoe Lofgren, đồng chủ tịch Uỷ ban Việt Nam tại Hạ viện Mỹ cho biết trong tháng 5/2023 đã đưa ra Dự luật Nhân quyền Việt Nam “để buộc các quan chức Việt Nam chịu trách nhiệm về vi phạm nhân quyền trắng trợn và để ưu tiên bảo vệ các quyền tự do và phát triển nhà nước pháp quyền ở quốc gia này.”

Ai tham dự buổi điều trần?

hearing screenshot 1

Tham luận đoàn gồm có bà Trần Quỳnh Vi (Biên tập viên và Nhà báo của tạp chí The Vietnamese), TS. Nguyễn Đình Thắng (Tổng Giám đốc và Chủ tịch của BPSOS), Thượng tọa Trương Thạch Dhammo, và BS. Trần Quốc Hưng (Giám đốc Truyền thông Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và Trưởng phòng Đối ngoại).

Bà Trần Quỳnh Vi và ông Nguyễn Đình Thắng nói về cách nhà nước Việt Nam khống chế và đàn áp tôn giáo nói chung, đưa ví dụ về Ân Đàn Đại Đạo, đạo Cao Đài, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ, cộng đồng người Thượng theo đạo Tin lành…

Ông Nguyễn Đình Thắng cũng nhắc tới cách chính quyền địa phương cưỡng ép bỏ đạo, hoặc đe dọa và gây áp lực để các tín đồ rời bỏ các hội nhóm tôn giáo độc lập và chuyển sang hội thánh hay chi phái quốc doanh.

Đặc biệt nhiều người bản địa theo đạo Tin lành bị tước hoặc không được cấp giấy tờ tùy thân, bị đẩy vào tình trạng vô quốc tịch trên chính quê hương mình.

Ông cũng cho rằng trong chuyến công du sắp tới của Tổng thống Joe Biden tới Việt Nam, Hoa Kỳ cần yêu cầu Việt Nam có cải tổ một cách hệ thống về tự do và nhân quyền—cần có thời gian cụ thể và biện pháp trừng phạt nếu Việt Nam không thực hiện.

Ngoài ra, chính phủ Hoa Kỳ, Quốc hội, USCIRF…, theo TS. Nguyễn Đình Thắng, nên tận dụng việc Việt Nam là thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ, để tạo áp lực khiến Việt Nam phải tôn trọng tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền.

Ông Trần Quốc Hưng phát biểu về cách nhà nước Việt Nam đàn áp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, và Thượng tọa Trương Thạch Dhammo lên tiếng về cách đối xử với cộng đồng người Khmer Krom ở Việt Nam.

Ông Trần Quốc Hưng cũng nhắc đến việc Facebook hợp tác với nhà nước độc tài và hạn chế hoặc đóng tài khoản của một số người thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Kết

Tháng 11/2022, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt về vấn đề tự do tôn giáo.

Bà Trần Quỳnh Vi nói “nhân quyền là giá trị phổ quát” và “tôi không cho rằng chúng ta nên khoan dung với một quốc gia có hồ sơ nhân quyền như Việt Nam chỉ để có đồng minh chống lại Trung Quốc.”

Bà hy vọng Tổng thống Biden, khi gặp mặt ban lãnh đạo Việt Nam, sẽ đề cập tới những vấn đề này và nhắc tới các tù nhân chính trị và tù nhân lương tâm, bị cầm tù chỉ vì đấu tranh và lên tiếng cho tự do, nhân quyền.

Bà cho rằng “Hoa Kỳ cần xem nhân quyền là giá trị cốt lõi” và “cần bắt buộc Việt Nam phải chịu trách nhiệm về hồ sơ nhân quyền của mình, và bảo đảm họ phải cải thiện và làm gì đó.”

Quý vị có thể xem lại buổi điều trần tại đây: https://www.facebook.com/VNFoRB/videos/811422920765581