Úc và Nhật trong ván bài chơi với Trung Quốc: Ai “thông minh” hơn?
Không chỉ chia sẻ những giá trị nhân bản nền tảng và sự thịnh vượng chung, Úc và Nhật Bản còn chia sẻ những bất an trước chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc. Ngày 06/01/2022 vừa qua, lãnh đạo hai quốc gia đã ký một thỏa thuận quốc phòng mang tính bước ngoặt, cho phép quân đội đôi bên tự do tiếp cận lãnh thổ của nhau khi tập trận và tham gia các hoạt động khác (RAA).
Nhân sự kiện này, mời quý vị theo dõi cuộc phỏng vấn giữa RFI Tiếng Việt và Luật sư – Nhà báo Lưu Tường Quang về sự hợp tác song phương giữa Canberra và Tokyo qua các vấn đề nổi trội hiện nay.
**********
RFI: Từ khi thiết lập quan hệ thương mại (1957) đến nay, mối bang giao Nhật và Úc được cho là mối quan hệ kiểu mẫu và đóng vai trò là “mỏ neo” của sự thịnh vượng và cởi mở trong khu vực Châu Á. Xin ông cho biết những điểm mấu chốt trong sự hợp tác kinh tế giữa đôi bên?
Luật sư – Nhà báo Lưu Tường Quang: Từng là đối thủ trong thế chiến, Úc và Nhật Bản đã trở thành đối tác chiến lược đặc biệt và phát triển cao độ nhất tại Châu Á – Thái Bình Dương. Quan hệ này không chỉ giới hạn giữa hai quốc gia tự do, dân chủ, pháp trị mà còn trải rộng qua sự hợp tác đa phương, đặc biệt đối với khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Quan hệ giữa hai nước đã có từ cuối thế kỷ thứ 19 và được tái lập vào năm 1952, sau Thế Chiến Thứ Hai. Vào năm 1957, ông Robert Menzies là thủ tướng Úc đầu tiên công du Nhật Bản và sau đó là chuyến thăm viếng Canberra của thủ tướng Kishi Nobusuke cùng năm đã đánh dấu mốc lịch sử giao thương giữa hai nước với Thỏa hiệp Thương mại 1957 (The 1957 Commerce Agreement).
Về phương diện hợp tác kinh tế và thương mại, hai nước đã nâng cấp mối quan hệ với Hiệp ước Nara năm 1976 (The Basic Treaty of Friendship and Cooperation). Và gần đây nhất, năm 2015, Thỏa hiệp Đối tác Kinh tế Nhật – Úc (Japan – Australia Economic Partnership Agreement – JAEPA) mà cốt lõi là một Hiệp định Tự do Thương mại.
Theo dữ liệu chính thức của bộ Ngoại Giao và Thương Mại Úc, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ ba, đứng sau Trung Quốc và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nếu tính riêng lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa, Nhật Bản là thị trường lớn thứ hai của Úc.
Trong năm 2020, giao thương hai chiều giữa hai nước trị giá 66,3 tỉ Úc kim. Trong đó, Úc xuất siêu 46,4 tỉ Úc kim, chiếm 10.6% tổng trị giá hàng hoá và dịch vụ bán ra nhiều nước trên thế giới.
Tokyo và Canberra đều coi khu vực Đông Nam Á là quan trọng hàng đầu, không những đa phương với Tổ chức ASEAN mà còn song phương với một số thành viên, chẳng hạn như Việt Nam (viện trợ phát triển ODA, chương trình Hạ Lưu Sông Mekong, viện trợ vắc-xin COVID-19, v.v…).
Nhật Bản và Úc là thành viên cốt cán của Tổ hợp Kinh tế CPTPP (tức là TPP-11) có hiệu lực từ ngày 30/12/2018 và RCEP, gồm 10 nước Asean, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc Châu và New Zealand, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022. Ngoài ra, Nhật Bản và Úc còn là thành viên của Diễn đàn Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) và Nhóm 20 Quốc gia kinh tế hàng đầu thế giới (G20).
RFI: Như vậy, trong nhiều thập kỷ, Canberra và Tokyo coi kinh tế là nền tảng chủ yếu trong mối quan hệ song phương. Tuy nhiên, những năm gần đây (đặc biệt từ năm 2000), chúng ta thấy, sự hợp tác quốc phòng và an ninh giữa Úc và Nhật phát triển một cách nhảy vọt. Cụ thể, đã có những thỏa hiệp quan trọng nào giữa đôi bên?
Luật sư – Nhà báo Lưu Tường Quang: Ngày 12/02/2022 tại Melbourne, khi ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi bước chân vào phòng Hội nghị cấp ngoại trưởng của nhóm Tứ Cường (The Quad), điều này thể hiện hai động thái ý nghĩa. Đó là chỉ ra cơ hội thắt chặt bang giao song phương giữa Úc và Nhật và cũng là bối cảnh đa phương mà Nhật và Úc đang phát triển với Ấn Độ và Hoa Kỳ.
Trong thời đại dịch COVID-19, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar cũng đã tham dự mặt-đối-mặt tại Úc để thảo luận một chương trình nghị sự quan trọng, bao gồm cả vấn đề thay đổi khí hậu, chính sách bắt nạt và đe dọa của Trung Quốc và kế hoạch phòng chống đại dịch.
Do những thay đổi lớn về mặt địa lý chính trị trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, The Quad càng ngày càng trở nên quan trọng. Đặc biệt, nếu The Quad được mở rộng để trở thành The Quad Plus (có thể bao gồm một vài nước khác như Hàn Quốc, New Zealand và Việt Nam tại Châu Á, Israel tại Trung Đông và Brazil tại Nam Mỹ). Chuyến công du của Ngoại trưởng Blinken tại Melbourne, kế tiếp là Fiji, và trở lại Hawaii là nhằm bày tỏ cam kết của Mỹ trong vùng, đặc biệt là Nam Thái Bình Dương. Một khu vực chiến lược mà Bắc Kinh đang bành trướng ảnh hưởng và cũng là nơi Nhật Bản và Úc Châu, cũng như New Zealand đang có kế hoạch đối trọng.
Theo Bắc Kinh, The Quad có tham vọng trở thành một NATO Châu Á. Một cáo buộc mà The Quad đã hoàn toàn phủ nhận. Từ khi được phục hoạt năm 2017, The Quad đã có một Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến vào tháng 03/2021; Hội nghị Thượng đỉnh mặt-đối-mặt giữa 4 lãnh tụ tại Tòa Bạch Ốc vào tháng 09/2021; và dự trù sẽ có Hội nghị Thượng đỉnh mặt-đối-mặt tại Tokyo vào tháng 5/2022.
Úc và Nhật Bản không có một hiệp ước hợp tác quốc phòng như tầm vóc của Hiệp ước ANZUS giữa Canberra và Washington (1951) hoặc giữa Mỹ và Nhật (1960). Tuy vậy, hai quốc gia chia sẻ mẫu số chung chính sách an ninh quốc phòng đặt trên cơ sở hợp tác với Hoa Kỳ. Quan hệ chiến lược giữa Úc và Mỹ cũng như giữa Úc và Nhật được nâng cấp cao nhất, cụ thể là Hội nghị Thường niên về Chiến lược Ngoại Giao và Quốc Phòng, thường được gọi là hội nghị 2+2.
Quan hệ song phương mỗi ngày một được cải thiện, đặc biệt sau khi cựu Thủ tướng Shinzo Abe vượt qua được khó khăn của Điều 9 Hiến pháp Hòa Bình của Nhật Bản. Cụ thể, năm 2014, Điều 9 được diễn giải lại để cho phép lực lượng phòng vệ Nhật Bản tham dự sinh hoạt quân sự với nước ngoài trên căn bản phòng thủ tập thể (collective self-defence).
Bắt đầu thương thuyết từ 2014, Thủ tướng Fumio Kishida và Thủ tướng Scott Morrison đã ký một thỏa hiệp lịch sử vào đầu tháng 01/2022. Theo đó, Úc và Nhật cho phép quân đội có thể có mặt trên lãnh thổ của nhau để tập huấn và cứu trợ thiên tai. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1960 với Mỹ, Nhật Bản ký Hiệp định Reciprocal Access Agreement (RAA) với một nước khác.
RFI: Sự hợp tác này có tầm ảnh hưởng thế nào đến khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương?
Luật sư – Nhà báo Lưu Tường Quang: Là một cường quốc kinh tế thứ ba thế giới và dù chưa phải là một cường quốc quân sự vì sự ràng buộc của Hiến Pháp Chủ hòa, nhưng Nhật Bản cũng đã tham gia tuần tra Biển Hoa Đông và Biển Đông, cũng như tham dự nhiều cuộc tập trận chung với các nước thân hữu. Trong khi, Úc là cường quốc kinh tế và quân sự bậc trung, nhưng cũng có chương trình thường xuyên tuần tra và không lưu trên Biển Đông. Một khi cả hai quốc gia hợp tác chặt chẽ thì sức mạnh chung lớn hơn là sức mạnh cộng lại từ hai nước riêng rẽ (the sum is bigger that its two parts).
Với sự trỗi dậy kinh tế và quân sự, và nhất là với chính sách bá quyền của Bắc Kinh đang làm thay đổi cục diện địa lý chính trị. Nhật Bản và Úc hợp tác vì quyền lợi quốc gia riêng và nền hòa bình thịnh vượng chung. Bước ngoặt lớn nhất từ phía Úc là đã ký Thỏa hiệp Tam Cường Mỹ – Anh – Úc (AUKUS), tháng 09/2021 và nhận sự ủng hộ từ Nhật Bản.
Hầu như thường xuyên, trên căn bản, Úc và Nhật tham dự các cuộc tập trận khá quy mô, chẳng hạn, Malabar và Talisman Sabre. Malabar là cuộc tập trận giữa hải quân Ấn – Mỹ – Nhật tại Ấn Độ Dương và mở rộng thêm cho hải quân Úc. Gần đây nhất, tháng 08/2021, tập trận Malabar gồm 4 đơn vị hải quân Ấn – Mỹ – Nhật – Úc tại vùng biển Guam và Thái Bình Dương. Talisman Sabre là tập trận hải lục – không quân giữa Mỹ và Úc, và từ năm 2019 có sự tham gia của Nhật. Ngoài ra, không quân của riêng Nhật – Úc cũng có những cuộc tập trận chung. Tất cả các cuộc tập trận đều nhằm nâng cao khả năng hành quân chung khi phải đối diện với một địch thủ chung.
RFI: Không ít nhận định cho rằng, Canberra và Tokyo càng xích lại gần nhau hơn bởi chính sách “Chiến binh sói” (Wolf Warrior) của Bắc Kinh và những lo ngại của họ về mức độ cam kết an ninh của Washington đối với các vấn đề khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, trong ván bài chơi với Bắc Kinh, Tokyo “thông minh” hơn Canberra. Ông nghĩ sao về nhận định này?
Luật sư – Nhà báo Lưu Tường Quang: Nhìn chung, ngoài lý do hiển nhiên khi cả hai đều là quốc gia tự do, dân chủ, pháp trị và chia sẻ nhiều giá trị nhân bản, có hai yếu tố đưa đẩy Úc và Nhật Bản tiến gần lại với nhau hơn. Đó là mối đe dọa từ Trung Quốc và sự che chở bảo vệ của Mỹ (tuy không cùng mức độ), chiếu theo Hiệp ước ANZUS giữa Úc và Mỹ (1951) và giữa Nhật và Mỹ (1960) không đáp ứng với mong đợi của Canberra va Tokyo. Tuy vậy, Úc có vẻ tin tưởng nhiều vào khả năng của Mỹ hơn là Nhật Bản đối với Mỹ. Đó có thể là lý do Úc nghiêng hẳn về phía Hoa Kỳ với Hiệp định Tam Cường AUKUS.
Trung Quốc có thể bắt kịp Hoa kỳ về tầm vóc kinh tế trong nay mai, và có thể thu ngắn sự cách biệt quân sự với Mỹ. Nhưng, Mỹ vẫn còn là siêu cường quân sự số một thế giới trong nhiều năm nữa. Vấn đề, Hoa kỳ có đủ ý chí chính trị để bảo vệ Nhật và Úc, nếu một hoặc cả hai bị Bắc Kinh tấn công. Hoặc như tình hình thế giới hiện nay cho thấy, nước Mỹ có khả năng đáp ứng hai cuộc chiến cùng một lúc: Một tại Châu Âu và một tại Châu Á hay không. Sự đe dọa xâm lăng Ukraina từ Tổng thống Nga Putin trong sự im lặng của ông Tập Cận Bình được coi Bắc Kinh mặc nhiên ủng hộ Matxcơva. Điều này thể hiện một thế trận mới mà Bắc Kinh có thể khai thác trong vấn đề Đài Loan.
Đối với Trung Quốc, Úc là nạn nhân của chính sách vũ khí hóa thương mại để đạt mục đích ngoại giao chính trị. Canberra và Bắc Kinh không có tranh chấp lãnh thổ. Trong khi, Nhật Bản và Trung Quốc tranh chấp lãnh thổ Senkaku (Điếu Ngư) tại Biển Hoa Đông. Thêm vào đó, ngoài đe dọa từ Bắc Kinh, Tokyo còn phải đối diện với một đe dọa trực tiếp khác từ Bắc Triều Tiên với vũ khí nguyên tử. Do đó, Tokyo cần sự trợ giúp ngoại giao của Bắc Kinh trong vấn đề an toàn tại vùng Bắc Á.
Trung Quốc với chính sách gọi là “chiến lang” có thể đẩy Úc và Nhật gần lại với nhau, nhưng phản ứng từ Canberra và Tokyo đối với Bắc Kinh có thể không hoàn toàn thuần nhất, vì lý do khác biệt trong việc theo đuổi quyền lợi quốc gia. Bởi vậy, theo tôi, chúng ta khó có thể kết luận ai “thông minh” hơn ai.
RFI: Trong một “thế giới phẳng” khi mà sự hợp tác đa phương được coi trọng, cục diện địa chính trị luôn thay đổi, cùng những vấn đề mang hơi thở đương đại, mối quan hệ Canberra – Tokyo chắc hẳn cũng phải đối mặt với những thách thức. Theo ông, đó là những gì?
Luật sư – Nhà báo Lưu Tường Quang: Trung Quốc theo đuổi chiến lược “tằm ăn dâu” tại Biển Đông và Nam Thái Bình Dương. Không ai nghĩ rằng, một cuộc xung đột vũ trang có thể xảy ra tại Nam Thái Bình Dương. Vấn đề là làm thế nào Mỹ – Nhật – Úc và New Zealand có thể chặn đứng được ảnh hưởng chính trị, ngoại giao và kinh tế của Bắc Kinh đối với 18 đảo quốc nhỏ.
Tại Biển Đông, Úc, Nhật và các quốc gia phương Tây ủng hộ lập trường của Mỹ và quyền tự do lưu thông hàng hải và hàng không. Trong khi, Bắc Kinh có thể đe dọa quân sự đối với các quốc gia tranh chấp như Philippines và Việt Nam. Bắc Kinh cũng vi phạm luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và bất chấp Phán quyết của Tòa Trọng tài PCA (12/07/2016). Tuy nhiên, một cuộc xung đột vũ trang, nếu xảy ra tại Biển Đông, theo tôi có thể vì lý do “tai nạn” và tình trạng tương tự tại Biển Hoa Đông.
Tuy nhiên, có hai điểm nóng có thể xảy ra xung đột vũ trang. Thứ nhất, Bắc Triều Tiên tấn công Nhật Bản hoặc Nam Hàn. Thứ hai, nếu ông Tập Cận Bình theo chân ông Putin và thống nhất Đài Loan bằng vũ lực, tương tự như Liên bang Nga đã chiếm đóng Crimee và đang đe dọa xâm lăng Ukraina. Không phải chỉ có Bắc Kinh mà Tokyo và Canberra cũng theo dõi phản ứng từ Washington. Nếu tổng thống Joe Biden chấp nhận một sự đã rồi (fait accompli) do ông Putin gây ra, thì đây có thể là một cám dỗ lớn cho Tập Cận Bình đối với Đài Loan.
Với những kịch bản này, Úc và Nhật sẽ làm gì? Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton đã nói, Úc khó có thể đứng bên ngoài trong khi Tokyo chưa có phát biểu rõ rệt như vậy.
RFI Tiếng Việt cảm ơn Luật sư – Nhà báo Lưu Tường Quang. (RFI)