Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Úc từ chối yêu cầu báo cáo khi đi vào lãnh hải do Trung Quốc tự đặt ra

Kể từ ngày 1/9, tất cả các tàu nước ngoài đi vào “lãnh hải” do Trung Quốc tự đặt ra phải báo cáo với chính quyền Bắc Kinh. Các kênh truyền thông dẫn lời Bộ Quốc phòng Úc cho biết, Hải quân Úc sẽ từ chối tuân thủ các quy định liên quan và kiên quyết duy trì quyền tự do hàng hải theo luật pháp quốc tế.

Tàu chiến Úc cùng với hạm đội Mỹ và Nhật Bản đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự trên Biển Đông. (Hình Hải quân Hoa Kỳ)

Theo thông báo từ Cục An toàn Hàng hải, ngày 29/4, Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc đã thông qua “Luật An toàn Giao thông Hàng hải” mới sửa đổi. Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/9. Điều 54 của luật quy định rằng tất cả tàu thuyền có quốc tịch nước ngoài đi vào “lãnh hải” của Trung Quốc, sẽ phải báo cáo với nhà chức trách của nước này.

Ngày 29/8, “Thời báo Hoàn cầu”, kênh truyền thông ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã đưa tin về luật mới có liên quan. Đồng thời trích dẫn lời của ông Tống Trung Bình, chuyên gia quân sự Trung Quốc, nói rằng quân đội Trung Quốc sẽ “trục xuất hoặc thực hiện các biện pháp mạnh mẽ hơn để trừng phạt những kẻ xâm lược.”

Ngày 2/9, theo báo cáo của tờ “Tạp chí Tài chính Úc” (Australia Financial Review), Bộ Quốc phòng Úc đã có văn bản gửi tòa báo đề cập đến vấn đề này. Bộ Quốc phòng Úc nhấn mạnh, bất kỳ quy định hàng hải tương tự nào cũng đều phải tuân thủ các yêu cầu của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). Các tàu của Lực lượng Quốc phòng Úc sẽ vẫn tiếp tục sử dụng quyền tự do hàng hải mà luật quốc tế trao cho.

Tàu hải cảnh Trung Quốc nhìn từ tàu cảnh sát biển Việt Nam ở Biển Đông hôm 14/05/2021 (Hình Reuters).

“Tạp chí Tài chính Úc” cho biết, thời điểm ban hành các luật mới có liên quan mà Trung Quốc quảng bá vào cuối tháng Tư, trùng với thời điểm tàu ​​chiến Pháp và Úc đi qua Biển Đông. Ngày 3/5, Bộ Quốc phòng Úc đã phát đi thông cáo báo chí, xác nhận Pháp và Úc, mỗi nước cử hai tàu chiến đi cùng chuyến hải trình và đã hoàn thành chuyến đi xuyên qua Biển Đông. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Úc không nói rõ về ngày của chuyến đi.

Báo cáo đề cập rằng ngày 27/8, tàu HMAS Canberra và HMAS ANZAC đã khởi hành từ Úc. Họ sẽ tham gia các cuộc tập trận quân sự ở Đông Nam Á trong vòng 3 tháng tới. Về việc liệu 2 tàu chiến này có đi qua Biển Đông hay không, nhà chức trách Úc chưa công bố thông tin chi tiết.

Do Trung Quốc mới sửa đổi “Luật An toàn Giao thông Hàng hải”, nên câu hỏi đặt ra là, liệu Biển Đông có thuộc “lãnh hải” của Trung Quốc hay không. Sự việc này một lần nữa đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông quốc tế.

“Tạp chí Tài chính Úc” đề cập trong báo cáo rằng năm 2016, Tòa án Quốc tế đã đưa ra phán quyết phù hợp với “Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển”. Trong đó tuyên bố Trung Quốc không được sở hữu các nguồn tài nguyên trong khu vực Biển Đông. Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh đã từ chối chấp nhận phán quyết trên của Tòa án Quốc tế. Họ kiên quyết khẳng định Biển Đông nằm trong phạm vi của “Đường 9 đoạn” và thuộc lãnh hải của Trung Quốc.

Theo báo cáo, vì lập trường của Trung Quốc gây ra các tranh chấp quốc tế, nên các nhà chức trách Úc đã kêu gọi tất cả các bên liên quan đến tranh chấp này, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình theo “Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển.”

Theo báo cáo, một số chuyên gia tin rằng, động thái này của Bắc Kinh nhằm nỗ lực tiếp tục chiếm đóng Biển Đông, Biển Hoa Đông và Đài Loan, tạo dựng cục diện “ván đã đóng thuyền”. Báo cáo cũng dẫn lời ông Peter Jennings, giám đốc điều hành của Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI), cho rằng Trung Quốc thực hiện “Luật An toàn Giao thông Hàng hải” mới sửa đổi, nhằm nỗ lực buộc các nước phải công nhận Trung Quốc đã kiểm soát Biển Đông. (Vương Quân, Vision Times)