Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Úc từ chối cho ‘gián điệp đào tẩu’ TQ xin tị nạn


Úc chính thức từ chối đơn xin tị nạn chính trị của ông Vương Lập Cường (Wang Liqiang) – mật vụ đầu tiên trong lịch sử của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) công khai thân phận của mình. Ông cũng từng công khai đào tẩu khỏi Bắc Kinh trên truyền hình quốc gia Úc.

Ông Vương Lập Cường, một cựu điệp viên Trung Quốc, đã đào tẩu sang Úc và tiết lộ nhiều thông tin về công việc gián điệp của mình cho chính phủ Úc. Hình cung cấp

Theo tờ The Daily Telegraph, Tòa phúc thẩm hành chính Úc (AAT) đã ra phán quyết rằng, ông Vương Lập Cường không được cấp quy chế tị nạn mặc dù có những lo ngại “có cơ sở” về việc ông quay trở lại Trung Quốc vì ông đã gian lận trước khi vào Úc bằng thị thực du lịch.

AAT cũng nghi ngờ những tuyên bố về hoạt động gián điệp của ông Vương Lập Cường và đặt câu hỏi rằng, làm thế nào họ có thể “xác định một cách an toàn rằng (ông Vương Lập Cường) đã tham gia vào các hoạt động gián điệp”.

Ông Vương Lập Cường đã đào thoát sang Úc vào năm 2019 và tiết lộ thông tin chưa từng có về các hoạt động gây ảnh hưởng của ĐCSTQ ở hải ngoại.

Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, chàng trai 27 tuổi khi đó đã giải thích lý do khiến ông vỡ mộng với hệ tư tưởng độc tài của ĐCSTQ. Đó cũng chính là ‘giọt nước tràn ly’ dẫn đến quyết định của ông.

Vương Lập Cường (Wang Liqiang) lần đầu tiên đưa ra tuyên bố trên một tờ báo của Trung Quốc-Úc vào năm 2019. Hình 60 Minutes Australia

“Khi tôi lớn lên, thế giới quan của tôi dần thay đổi. Tôi cũng dần nhận ra tác hại mà chế độ độc tài của ĐCSTQ đang gây ra cho nền dân chủ và nhân quyền trên toàn thế giới”, ông Vương Lập Cường – mật vụ đầu tiên trong lịch sử của Trung Quốc công khai danh tính của mình, cho biết.

“Khi sự phản kháng của tôi đối với ĐCSTQ ngày càng mạnh mẽ, tôi đã lên kế hoạch rời khỏi tổ chức này”.

“Tôi đã suy đi tính lại rất nhiều lần. Tôi tự hỏi rằng, quyết định này sẽ có lợi hay bất lợi cho cuộc đời mình. Tôi không thể khẳng định chắc chắn, nhưng tôi tin chắc rằng nếu tôi còn tiếp tục ở lại [ĐCSTQ], tôi sẽ không có kết cục tốt đẹp”.

Bộ Nội vụ Úc đã từ chối đơn xin tị nạn của ông Vương Lập Cường do ông Vương bị cáo buộc lừa đảo doanh nhân Sydney Filip Shu.

Ông Vương Lập Cường hiện phải đối mặt với nguy cơ bị trục xuất về Trung Quốc.

WORLD EXCLUSIVE: Chinese spy spills secrets to expose Communist espionage | 60 Minutes Australia

Gián điệp ở Hong Kong và Đài Loan

Ông Alex Joske, cựu nhà phân tích tại Viện Chính sách Chiến lược Úc, cho hay: “Tôi không khỏi kinh ngạc khi đọc lời thú tội dài 12 trang bằng tiếng Trung Quốc và lời cầu xin giúp đỡ của ông Vương Lập Cường”.

Ngoài việc thừa nhận mình là đặc vụ của ĐCSTQ, ông Vương còn tiết lộ về các hoạt động gián điệp của ĐCSTQ ở Hong Kong và Đài Loan cho các quan chức nhập cư Úc.

Trong năm 2018, ông Vương Lập Cường thừa nhận đã điều phối một chiến dịch tuyên truyền thông tin sai lệch hàng loạt nhằm phá hoại chính phủ của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) thông qua các cuộc bầu cử cấp tỉnh “chín trong một” ở Đài Loan. Vào năm 2019, ông đã đến Đài Loan bằng hộ chiếu Hàn Quốc giả và tham gia điều phối các hoạt động tại chỗ, ông nói với tờ Nine Network vào năm 2019.

Ông Vương Lập Cường cũng cho biết, ông được cử đến Hong Kong theo lệnh của cấp trên ĐCSTQ. Tại đây, ông có nhiệm vụ thâm nhập vào các trường đại học và đánh cắp thông tin tình báo về quân sự và vũ khí.

Ông Vương Lập Cường đã dành 3 năm qua để xin thị thực tị nạn.

Ông Vương Lập Cường đã cung cấp cho Tổ chức Tình báo An ninh Úc (ASIO) bản tường trình chi tiết về mọi thông tin mà ông biết, bao gồm cả vai trò của ông trong vụ bắt cóc ông Lý Ba (Lee Bo), chủ hiệu sách Causeway Bay (Đồng La Loan) nổi tiếng ở Hong Kong. Hiệu sách này từng xuất bản và bán nhiều sách chính trị có xu hướng chống đối ĐCSTQ.

Hơn nữa, ông tuyên bố rằng, ông đã bí mật gặp người đứng đầu các hoạt động gián điệp của ĐCSTQ ở Úc, đồng thời nói rằng, người đàn ông này làm việc trong lĩnh vực năng lượng của đất nước.

Trong một động thái hiếm hoi, Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung Ương ĐCSTQ đã phản ứng nhanh chóng trong trường hợp của ông ương Lập Cường khi công khai rằng, ông Vương thất nghiệp và đã bị kết tội lừa đảo.

Ông Vương Lập Cường cho biết, ông đã lường trước được chiến dịch phỉ báng của ĐCSTQ chống lại mình. Thông qua luật sư của mình, ông đã bác bỏ các cáo buộc nói rằng ông đã đưa ra lời tuyên thệ trước chính phủ Úc và rằng ông nhận thức được hậu quả nghiêm trọng của việc khai man.

‘Tác động thực sự và ớn lạnh’

Việc chính phủ Úc từ chối đơn xin tị nạn của ông Vương Lập Cường đã làm dấy lên lo ngại về quyết định của phiên toà.

Ông Eric Abetz, cựu thượng nghị sĩ Đảng Tự do của Tasmania, bày tỏ hy vọng rằng, chính phủ Úc sẽ tuân thủ các quy trình hợp pháp.

“Đó thực sự sẽ là một kết cục đáng buồn và đáng lo ngại nếu những người đào tẩu chân chính không nhận được sự hỗ trợ. Điều này sẽ có tác động rất thực tế và đáng sợ nếu họ không được bảo vệ”, ông nói với The Epoch Times trong một email.

“Thật hợp lý khi kết luận rằng, quyết định trục xuất được đưa ra dựa trên những lý do chính đáng và không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài”.

Tại Úc, các nhà hoạch định chính sách của cả hai đảng lớn đã ủng hộ việc cấp quy chế tị nạn cho ông Vương Lập Cường vào năm 2019.

Úc chính thức từ chối đơn xin tị nạn chính trị của ông Vương Lập Cường (Wang Liqiang).

Thủ tướng Úc đương nhiệm Anthony Albanese vào thời điểm đó nói rằng, ông Vương có thể có “yêu cầu tị nạn hợp pháp”.

“Chúng tôi biết rằng ông ấy đã vạch ra một loạt các hành vi rõ ràng đặt ông ấy vào một tình huống mà đó là một yêu cầu chính đáng để xin tị nạn”, ông Albanese, khi đó là lãnh đạo phe đối lập, cho biết.

Nghị sĩ đảng Tự do và là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Úc Andrew Hastie cũng ủng hộ việc cho phép ông Vương Lập Cường xin tị nạn.

“Tôi tin rằng, bất kỳ ai sẵn sàng giúp nước Úc bảo vệ chủ quyền đều xứng đáng được chúng tôi bảo vệ. Tôi tin rằng ông ấy [Vương Lập Cường] xứng đáng được chúng tôi bảo vệ và hỗ trợ”, Dân biểu Andrew Hastie, Chủ tịch Ủy ban Hỗn hợp Lưỡng viện Quốc Hội về An ninh và Tình báo cho biết vào thời điểm đó.

Nhà văn người Úc gốc Hoa: ‘Thiết lập một tiền lệ rất xấu’

Bà Jennifer Zeng, một nhà văn người Úc gốc Hoa và cũng là một YouTuber chuyên tập trung vào chính trị Trung Quốc, cho biết, ĐCSTQ chắc chắn sẽ gây áp lực lên chính phủ Úc về những vấn đề như vậy, đặc biệt là khi chính phủ Đảng Lao động nỗ lực bình thường hóa quan hệ với Bắc Kinh.

Trong thời gian dịch bệnh bùng phát, Bắc Kinh đã phát động cuộc chiến thương mại toàn diện chống lại các nhà xuất khẩu Úc nhằm đáp trả lời kêu gọi điều tra về nguồn gốc của đại dịch Covid-19 của cựu Thủ tướng Scott Morrison.

Trong khi đó, bà Zeng, người đã nộp đơn xin tị nạn ở Úc vào năm 2001, đã trích dẫn kinh nghiệm của bản thân về việc ĐCSTQ gây áp lực lên Bộ Nội vụ Úc trong quá trình bà xin tị nạn.

“Việc hồi hương của ông Vương Lập Cường sẽ tạo tiền lệ rất xấu cho tương lai”, bà nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn.

Ảnh Đại Kỷ Nguyên
Bà Jennifer Zeng là một nhà hoạt động nhân quyền và tác giả người Úc. Hình Jenniferzengblog

“Điều đó sẽ làm nản lòng những người đào tẩu khác, bao gồm cả những người biết những bí mật khác trong hệ thống của ĐCSTQ, chẳng hạn như bí mật về cưỡng bức thu hoạch nội tạng … Họ sẽ mất niềm tin vào các chính phủ phương Tây”.

“ĐCSTQ trừng phạt những kẻ phản bội mình rất nghiêm khắc. Họ rất tàn nhẫn khi đối phó với những người bị coi là kẻ phản quốc… Nếu [việc trục xuất] này xảy ra, điều đó sẽ trở nên vô cùng đáng tiếc và khiến thế giới tự do – bao gồm cả những người Hoa ở Trung Quốc khao khát tự do – rất thất vọng với chính phủ Úc”.

Việc từ chối đơn xin tị nạn của ông Vương được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Úc Penny Wong đến thăm Trung Quốc vào ngày 21/12/2022, với hy vọng thiết lập lại hoạt động xuất khẩu của Úc sang Bắc Kinh sau nhiều năm xung đột ngoại giao với chính quyền Đảng Tự do trước đó.

Thủ tướng Úc Anthony Albanese (trái) gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp song phương trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2022 ở Nusa Dua, Bali, Indonesia, hôm 15/11/2022. Hình Sydney Morning Herald/Getty

Hôm 10/1, Đại sứ Trung Quốc tại Úc Tiếu Thiên (Xiao Qian) cho hay, chuyến thăm của bà Wong đã giúp hai nước nối lại các cuộc đối thoại song phương về thương mại, kinh tế và đầu tư. Ông Tiếu cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với chính phủ Thủ tướng Albanese và truyền thông Úc vì đã phát đi “thông điệp tích cực” tới công chúng.

Bà Zeng, hiện đang sống ở Hoa Kỳ, hy vọng rằng chính phủ Hoa Kỳ có thể can thiệp và cho phép ông Vương Lập Cường tị nạn để tránh bị trục xuất về Trung Quốc.

Bà nói: “Chúng ta nên nắm lấy, khuyến khích và hỗ trợ bất cứ ai mang lại những điều tốt đẹp cho thế giới tự do phương Tây và những người khao khát tự do, đặc biệt là những người trong hệ thống của ĐCSTQ”.

Cả Tòa phúc thẩm hành chính Úc và Bộ Nội vụ Úc đều nói với The Epoch Times rằng, họ không thể bình luận về vụ việc này. (T/H, NTD)