Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Úc phạm ‘sai lầm to lớn’ vụ hủy hợp đồng tàu ngầm, đại sứ Pháp nói

Úc phạm sai lầm ngoại giao “to lớn” khi hủy bỏ đơn đặt hàng trị giá hàng tỉ đôla mua tàu ngầm của Pháp để theo đuổi một thỏa thuận thay thế với Mỹ và Anh, đại sứ Pháp tại Canberra nói ngày thứ Bảy.

Đại sứ Pháp tại Úc Jean-Pierre Thébault đến sân bay Sydney, ngày 18 tháng 9, 2021.
Đại sứ Pháp tại Úc Jean-Pierre Thébault đến sân bay Sydney, ngày 18 tháng 9, 2021. (Hình AP).

Úc ngày thứ Năm thông báo sẽ hủy bỏ thỏa thuận năm 2016 với Tập đoàn Hải quân của Pháp để xây dựng một hạm đội tàu ngầm thông thường và thay vào đó đóng ít nhất tám chiếc chạy bằng năng lượng hạt nhân với công nghệ của Mỹ và Anh sau khi đạt được quan hệ đối tác an ninh ba bên.

Quyết định của Úc cũng khiến Trung Quốc, cường quốc đang trỗi dậy ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, tức giận. Malaysia ngày thứ Bảy bày tỏ lo ngại rằng quyết định đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử của Canberra có thể gây ra một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân trong khu vực.

Pháp, một đồng minh khối NATO của Mỹ và Anh, gọi việc hủy bỏ thỏa thuận – trị giá 40 tỉ đôla vào năm 2016 và được cho là đáng giá hơn nhiều vào thời điểm hiện nay – là một cú đâm sau lưng và triệu hồi đại sứ từ Washington và Canberra về nước.

Bị triệu hồi về nước, Đại sứ Pháp tại Úc, Jean-Pierre Thebault nhận xét gay gắt. (Hình Getty).

“Đây là một sai lầm to lớn, một cung cách xử lý rất, rất tệ mối quan hệ đối tác – bởi vì đó không phải là một hợp đồng, đó là một quan hệ đối tác mà lẽ ra phải dựa trên sự tin tưởng, thông hiểu lẫn nhau và chân thành,” Đại sứ Jean-Pierre Thébault nói với các phóng viên ở Canberra trước khi trở lại Paris.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói Pháp là một “đồng minh thiết yếu” và Mỹ sẽ nỗ lực trong những ngày tới để giải quyết những khác biệt.

Ông Thébault nói ông rất buồn phải rời khỏi Úc nhưng nói thêm rằng “cần phải đánh giá lại” mối quan hệ song phương.

Úc nói họ lấy làm tiếc về việc triệu hồi đại sứ Pháp, và rằng họ coi trọng mối quan hệ với Pháp và sẽ tiếp tục hợp tác với Paris về các vấn đề khác.

“Úc hiểu sự thất vọng sâu sắc của Pháp về quyết định của chúng tôi, vốn được đưa ra phù hợp với lợi ích an ninh quốc gia rõ ràng và đã được truyền đạt của chúng tôi,” một phát ngôn viên của Bộ trưởng Ngoại giao Marise Payne nói.

Bất hòa giữa Paris và Canberra đánh dấu điểm thấp nhất trong quan hệ của hai nước kể từ năm 1995, khi Úc phản đối quyết định của Pháp tái tục thử nghiệm hạt nhân ở Nam Thái Bình Dương và triệu hồi đại sứ nước này về để tham vấn, theo Reuters. (T/H, VOA)